Nghị quyết 36 của HĐND tỉnh được coi là tạo ra cú hích rất tốt trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho các địa phương thụ hưởng, song ra đời chỉ sau hơn một năm đã phải điều chỉnh.
Nhờ cơ chế hỗ trợ của tỉnh từ Nghị quyết 36 đã giúp cho đô thị trung tâm tỉnh lỵ ngày càng khang trang. Ảnh: T.VY |
Cơ chế đặc biệt
Cuối năm 2016, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 36 (ngày 8.12.2016) về một số cơ chế đối với TP.Tam Kỳ, TP.Hội An, thị xã Điện Bàn và huyện Núi Thành đến năm 2020. Mục tiêu nghị quyết nhằm tạo điều kiện cho 4 địa phương này tăng thêm nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn, góp phần đạt và hoàn thiện các tiêu chí để nâng cấp đô thị lên loại 2, 3, 4 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI và Nghị quyết Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020 của các địa phương. Theo Nghị quyết 36, tỉnh thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình trọng điểm cho các địa phương giai đoạn 2017 - 2020 đối với Tam Kỳ không quá 100 tỷ đồng (trung bình mỗi năm 25 tỷ đồng), Hội An không quá 80 tỷ đồng (trung bình mỗi năm 20 tỷ đồng), Điện Bàn không quá 60 tỷ đồng và huyện Núi Thành không quá 60 tỷ đồng (trung bình mỗi năm 20 tỷ đồng).
Cũng theo cơ chế này, hàng năm ngân sách tỉnh bổ sung có mục tiêu kiến thiết thị chính cho Tam Kỳ 40 tỷ đồng, Hội An 20 tỷ đồng, Điện Bàn 30 tỷ đồng và huyện Núi Thành 20 tỷ đồng. Ngoài ra, có cơ chế để lại 100% tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước gắn liền với tiền sử dụng đất trên địa bàn của các địa phương do tỉnh quản lý; để lại 100% tiền giao đất có thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nộp một lần, tiền cho thuê đất nộp hằng năm. Cạnh đó, hàng năm ngân sách tỉnh bổ sung cho mỗi địa phương lập quy hoạch các dự án không quá 2 tỷ đồng, chi sự nghiệp môi trường không quá 3 tỷ đồng.
Thực thi hiệu quả
Báo cáo của Sở Tài chính cho biết, trong năm 2017 và nửa đầu năm 2018, triển khai nội dung Nghị quyết 36, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ 4 địa phương tổng số tiền hơn 230 tỷ đồng, trong đó nguồn thu sử dụng đất 157 tỷ đồng, nguồn thu thuê đất nộp một lần 73 tỷ đồng. Địa phương được thụ hưởng nhiều nhất là Hội An 123 tỷ đồng, Điện Bàn 75 tỷ đồng, Tam Kỳ 32 tỷ đồng. Riêng Núi Thành chưa được bổ sung do không phát sinh tiền sử dụng đất, thuê đất. Ông Bùi Ngọc Ảnh - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ nói, cơ chế hỗ trợ của tỉnh theo Nghị quyết 36 HĐND tỉnh đã góp phần đáng kể vào việc tăng nguồn lực đầu tư cho thành phố, nhất là nguồn lực đầu tư xây dựng công trình trọng điểm (100 tỷ đồng/4 năm), kiến thiết thị chính (40 tỷ đồng/năm).
Ngoài ra, với vị trí đô thị tỉnh lỵ, TP.Tam Kỳ còn được ưu tiên bố trí danh mục huy động từ nguồn vốn ODA cho địa phương để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng đô thị và ứng phó với biến đổi khí hậu; ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% nguồn vốn đối ứng giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án ODA đầu tư trên địa bàn. Ngoài ra, còn được tỉnh ưu tiên hỗ trợ đầu tư Khu công nghiệp Thuận Yên theo Quyết định số 40 (14.9.2015) của Thủ tướng Chính phủ. Với những cơ chế hỗ trợ này đã tạo điều kiện cho địa phương thực hiện tốt khâu đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng kinh tế và giao thông theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX.
Nhưng phải điều chỉnh
Nghị quyết 36 đang triển khai thực hiện khá tốt, hỗ trợ đắc lực cho các địa phương thụ hưởng trong đầu tư phát triển, song theo kế hoạch, tại kỳ họp HĐND tỉnh khai mạc vào ngày mai 17.7 sẽ phải điều chỉnh. Giải thích việc này, tại cuộc họp bàn về các nội dung trình kỳ họp HĐND tỉnh của UBND tỉnh mới đây, ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, chỉ có nguồn thu tiền sử dụng đất và nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết mới được sử dụng để đầu tư phát triển. Các nguồn thu còn lại, bao gồm cả tiền thuê đất nộp một lần, là nguồn cân đối chung cho chi cân đối ngân sách địa phương. Do đó, việc để lại nguồn thuê đất nộp một lần cho các địa phương theo Nghị quyết 36 là chưa phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, ngân sách tỉnh cũng không có nguồn cân đối ngân sách và trích lập tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định. Ngoài ra, quy định để lại 100% từ tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước gắn liền với tiền sử dụng đất trên địa bàn của các địa phương do tỉnh quản lý theo Nghị quyết 36 cũng trùng lắp với quy định tại Nghị quyết 21 (8.12.2016) của HĐND tỉnh.
Vì vậy, để thực hiện đúng quy định Luật Ngân sách nhà nước, đảm bảo cân đối ngân sách, sử dụng đúng nguồn vốn, tránh trùng lắp giữa các nghị quyết HĐND tỉnh, sẽ phải điều chỉnh Nghị quyết 36. Cụ thể, bãi bỏ quy định để lại 100% từ tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước gắn liền với tiền sử dụng đất trên địa bàn của các địa phương do tỉnh quản lý, bãi bỏ nội dung để lại tiền thuê đất nộp một lần. “Với việc bãi bỏ và điều chỉnh này, số tiền sử dụng đất bổ sung cho Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn và Núi Thành không thay đổi so với Nghị quyết 36 mà chỉ giảm bổ sung lại nguồn thu thuê đất nộp một lần và tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước gắn liền với tiền sử dụng đất do không để lại” - ông Chín nói.
TƯỜNG VY