Nghị quyết 146 (ngày 22.7.2009) của HĐND tỉnh về luân chuyển cán bộ, giáo viên (gọi tắt là giáo viên) từ miền núi về đồng bằng và từ đồng bằng lên miền núi đến nay đã hoàn thành xong “sứ mệnh” của mình. Đây được xem là chính sách giàu tính nhân văn nhưng cũng có nhiều điều tiếng trong quá trình triển khai thực hiện.
Đội ngũ giáo viên sẽ tiếp tục luân chuyển theo các quy định của Trung ương (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: X.PHÚ |
Trục trặc…
Năm 2015 là năm cuối cùng của chặng đường 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 146. Vậy mà ở năm cuối cùng này, thậm chí đến gần thời hạn cuối cùng vẫn còn gặp vướng mắc khi còn gần 100 trong số khoảng 300 giáo viên chưa được luân chuyển để rồi phải trông chờ vào sự “ra tay” của UBND tỉnh. Trước đó theo chỉ đạo của UBND tỉnh, việc luân chuyển giáo viên phải hoàn thành trong tháng 8 để các trường học chuẩn bị cho năm học mới 2015 - 2016. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10, UBND tỉnh lại phải chủ trì thêm một cuộc họp nữa với các ngành chức năng của tỉnh và địa phương để giải quyết. Điều đáng nói là những vướng mắc không mới và lý do mà các địa phương đưa ra để từ chối tiếp nhận giáo viên không đúng theo quy định của Nghị quyết 146 nên cuối cùng tất cả đều được UBND tỉnh chỉ đạo nhanh chóng giải quyết.
Từ khi ra đời, Nghị quyết 146 được nhiều người gọi là một nghị quyết đầy tính nhân văn đối với giáo viên với mục tiêu luân chuyển những người công tác lâu năm ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số về lại nơi thường trú của gia đình hoặc theo nguyện vọng cá nhân. Ông Nguyễn Hữu Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ chia sẻ, từ năm 2009 trở về trước công tác thuyên chuyển, điều động, tiếp nhận giáo viên của các địa phương mang tính tự phát, chưa có sự chỉ đạo thống nhất của tỉnh nên chỉ có một số ít được về đồng bằng. Vì vậy, rất nhiều thầy cô giáo sau nhiều năm hy sinh tuổi thanh xuân cống hiến cho sự nghiệp giáo dục miền núi vẫn chưa thể chuyển về huyện, thị xã, thành phố. Nghị quyết 146 đã đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của giáo viên, tạo điều kiện cho họ được chuyển công tác về lại đồng bằng, nơi gia đình thường trú. Việc tỉnh triển khai đề án cũng nổi tiếng cả nước khi được Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT đánh giá cao.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện luân chuyển đã có nhiều đơn thư khiếu nại gửi đến HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, cơ quan thông tấn báo chí, thậm chí cơ quan công an cũng từng được giao nhiệm vụ xác minh làm rõ thông tin dư luận phản ánh. Ông Nguyễn Dương Triều - Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh cho biết trong các lần đoàn giám sát HĐND tỉnh đi kiểm tra việc thực hiện luân chuyển ở các huyện miền núi đã nghe giáo viên phản ánh những bức xúc và có cô giáo đã bật khóc khi cho rằng dù đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định nhưng nhiều năm làm đơn xin chuyển công tác vẫn không được. Một số đại biểu HĐND tỉnh còn cho biết khi tiếp xúc cử tri đã có ý kiến nêu lên hiện tượng tiêu cực trong việc luân chuyển giáo viên về đồng bằng.
Thực hiện theo phương án mới
So với nhiều nghị quyết thì có thể nói Nghị quyết 146 có quá trình chuẩn bị khá kỹ. Trước khi xây dựng đề án, Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Nội vụ 2 lần tổ chức hội thảo về công tác luân chuyển giáo viên từ miền núi về đồng bằng. Sau đó, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh đã có nhiều đợt công tác về các trường tiểu học, THCS, THPT ở 9 huyện miền núi để khảo sát, thống kê số lượng giáo viên thuộc diện luân chuyển có nguyện vọng về đồng bằng. Tuy nhiên, phạm vi và đối tượng từ đề án đến nghị quyết đã có sự thay đổi theo hướng mở rộng hơn. Cụ thể, thay vì 868 giáo viên đang công tác tại 53 xã đặc biệt khó khăn như khảo sát ban đầu trong đề án, Nghị quyết 146 đã mở rộng phạm vi thực hiện lên 122 xã miền núi nên số lượng giáo viên luân chuyển về không dừng lại ở con số 868 ban đầu mà tăng lên rất nhiều (thực tế đến nay là gần 1.400 giáo viên đã được luân chuyển). Từ đó dẫn đến việc số lượng giáo viên miền núi hàng năm luân chuyển về khá đông, phần nào gây khó khăn cho các địa phương đồng bằng trong việc tiếp nhận, bố trí công tác. Một khó khăn khác là quy định về đối tượng luân chuyển thiếu cụ thể, rõ ràng (như địa bàn luân chuyển về gồm địa phương nơi gia đình thường trú hoặc huyện, thành phố lân cận nơi gia đình thường trú) khiến cho việc xem xét, tiếp nhận gặp vướng mắc, thậm chí gây tranh cãi. Ông Nguyễn Đình Tâm - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh cho rằng việc Nghị quyết 146 gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện có lỗi của… đại biểu HĐND tỉnh, trong đó có chính ông khi đã giơ tay biểu quyết!
Năm 2015 kết thúc cũng là thời điểm Nghị quyết 146 hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” của mình. Qua 6 năm (2010 - 2015) triển khai thực hiện, đã có gần 1.400 giáo viên công tác tại các trường học ở miền núi được luân chuyển về các huyện, thị xã, thành phố theo nguyện vọng; trong đó, có nhiều người “mắc kẹt” ở miền núi hàng chục năm đã được toại nguyện ước mơ về lại đồng bằng. Có tiếp tục ban hành một nghị quyết tương tự trong thời gian tới để luân chuyển giáo viên nữa hay không sẽ chờ HĐND tỉnh và UBND tỉnh quyết định. Nhưng theo ý kiến của các ngành chức năng, không cần thiết phải xây dựng một nghị quyết mới. Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Hữu Sáng cho rằng “thời gian tới việc luân chuyển giáo viên sẽ tiếp tục thực hiện theo các quy định của Trung ương”, còn Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc thì đề xuất “không tiếp tục ban hành chủ trương luân chuyển giáo viên từ miền núi về đồng bằng và từ đồng bằng lên miền núi; và nên giao quyền tự chủ cho Sở GD-ĐT trên nguyên tắc ổn định lâu dài đội ngũ giáo viên bậc THPT công tác tại miền núi”.
XUÂN PHÚ