Ai cũng có một thời tuổi thơ bắt dế bỏ vào cái hộp nhỏ để chuẩn bị cho những màn đấu dế hấp dẫn. Hiếm có chú dế mèn nào bị cầm tù trong chiếc hộp có thể cất cao tiếng gáy. Vì thế chỉ khi đưa ra hồ đấu trong cái hố đất hình chữ nhật, chú dế mới có thể tung tẩy đôi chút, gáy lên vài tiếng ri ri và búng càng tanh tách, vừa thể hiện cái sự khoan khoái vừa đe nẹt đối thủ. Và để sinh tồn, dế mèn lao vào cuộc quyết đấu, cố giành thắng lợi. Tuy nhiên, dù thắng hay bại thì cậu ta cũng không thể tìm được tự do thực sự và sáng tạo vì không thoát khỏi được cái hộp.
Mang theo quan sát trẻ thơ ấy đi vào đời còn thấy biết bao chiếc hộp nhốt chặt ta trong thế giới quan, nhân sinh quan chật hẹp.
Này nhé, từ đồng quê nghèo đói mà gần gũi thiên nhiên ta lao vào thành phố tìm kiếm công ăn việc làm. Chắt chiu nhiều năm mới mua được căn hộ ở chung cư như cái hộp diêm, hoặc mua đất ở các khu đô thị mới mở mà phần lớn đều chia lô đủ làm cái nhà hình ống. Rồi thì trong thế giới bé nhỏ đó, còn phải chạy trường chạy lớp cho con từ lớp “đại học chữ to” đông đúc. Con bỏ nhà trẻ suốt ngày, vợ chồng thì cắm mặt đi làm. Cái hộp nhà cửa và điều kiện mưu sinh chật hẹp làm người mệt nhoài đi. Đôi khi còn không thể có thời gian quan tâm điều gì khác.
Lại nữa, khi đến cơ quan công sở mà ta gặp nạn “phe nhóm”, “lợi ích nhóm”, quan hệ thân hữu, tệ COCC (con ông cháu cha), làm cho ta cũng bị đóng hộp khép kín trong tự kỷ, mặc cảm; hoặc bị nhóm này nhóm nọ kéo vào cái hộp của họ. Con dế là ta phỏng có cất lên tiếng gáy trong cái hộp nhồi nhét những thứ tầm thường? Cái hộp của cơ chế xin - cho, của “duy tình” trong đánh giá cán bộ, của việc ưu ái bổ nhiệm người quen, người nhà chứ không phải người tài, làm cho bộ máy ngày càng cồng kềnh mà sức ì càng nặng. Đấy, dư luận người ta đang bàn luận việc nâng lương đi kèm với cắt giảm biên chế. Thông tin báo chí cho biết, cả nước có tới 2,8 triệu cán bộ công chức, viên chức, nếu cộng cả số người nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước thì lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số. Chi li hơn, cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương từ ngân sách thì lên tới 11 triệu người. Khó mà thoát cái hộp bội chi ngân sách là đúng rồi!
Vậy, để giảm gánh nặng ngân sách, phải xử lý làm sao 30% số công chức, viên chức hưởng lương mà không làm việc cho ra hồn như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói trước đây? Khá nhiều văn bản chỉ đạo mà chuyện xem ra chưa chuyển biến mạnh. Ngay như việc có cho người làm lãnh đạo, quản lý từ chức khi không hoàn thành nhiệm vụ, cũng còn bàn cãi. Trong phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt vấn đề: Có văn hóa từ chức không? Có nghị định về vấn đề này không? Ai làm việc đó? Chính là Bộ Nội vụ phải làm việc đó trình Chính phủ. Phải thay đổi như thế nào để việc từ chức dễ chịu, dễ làm, dễ thực hiện.
Đúng rồi, từ chức là chuyện không “dễ chịu, dễ làm, dễ thực hiện”. Bởi chức vụ quyền hạn thường gắn với lợi ích, tự dưng từ bỏ lợi ích vật chất là không dễ dàng. Còn ý nghĩa “văn hóa” thì cốt yếu ở tập tính, thói quen, dư luận. Nghe ai từ chức ta lại tưởng có vấn đề gì (?!), vì thế người ta sợ từ chức thì “mang tiếng”, lại thêm áp lực từ gia đình, bạn bè, đồng sự... Người quen sống trong cái hộp sang trọng, bóng loáng dễ gì ra ngoài làm anh phó thường dân, không được “lên xe xuống ngựa”, không được đưa rước dự tiệc khởi công, khánh thành, không được đi “học tập” xúc tiến đầu tư nước ngoài mỗi năm mà thực chất là đi chơi miễn phí (?).
Một bài học có tầm phổ quát ở nhiều nước là phải biết nghĩ ra ngoài cái hộp (think out of the box) thì mới có tự do tư duy sáng tạo và phát triển quốc gia. Chính phủ có “kiến tạo” điều gì mới, các cơ quan công sở có “sáng kiến” gì hay, mỗi cán bộ công chức hay một người bình thường muốn công việc có gì “mới mẻ”, tất thảy đều phải biết nghĩ ra ngoài cái hộp mình đang ở, đang bị bó buộc.
Cái hình ảnh chú dế mèn trong chiếc hộp ngày xưa có còn ám ảnh chúng ta?
NGUYỄN ĐIỆN NAM