Nghĩ từ cái... bụng

NGUYỄN ĐIỆN NAM 08/10/2017 09:22

Nhà nghiên cứu ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân đã chỉ ra rằng “trong tâm thức người Việt, cái bụng và lục phủ ngũ tạng chứa đựng tinh thần”.

Rất nhiều ví dụ liên quan hình ảnh cái bụng. Chuyện xưa Cao Bá Quát tự hào bụng chứa ba bồ chữ, hay như nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng diễn đạt “cái gì mình muốn viết nó nằm trong bụng rồi, chỉ cần khui ra thôi”.

Trong đời sống bình dân, nhiều khi muốn diễn đạt trạng thái tinh thần thầm kín người ta thường dùng hình ảnh cái bụng chứ ít dùng... cái đầu. Ví như cái bụng tôi ưng lắm, thích lắm, bụng bảo dạ, bụng thấy thương thấy ghét, suy bụng ta ra bụng người... Vậy, bụng cũng có thể nghĩ, dùng cái bụng biểu đạt tư duy.

Không lan man nữa mà xin đề cập hình ảnh cái bụng cả nghĩa đen và nghĩa bóng, gắn liền với câu chuyện thời sự: học sinh miền núi bỏ học vì... cái bụng.

Số là, do tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi thay đổi theo quyết định của Chính phủ nên một số địa bàn xem như thoát khỏi danh sách này. Như thế, con em đồng bào ở một số nơi sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn nữa. Cái bụng đồng bào chưa ưng chuyện này, nên xuất hiện nguy cơ con em họ bỏ học giữa chừng.  

Thông tin trên Báo Quảng Nam xác thực ít nhất có hai địa phương miền núi đang băn khoăn làm sao cho yên cái bụng. Một là Bắc Trà My, hai là Tây Giang.

Ở Bắc Trà My, năm học này hầu hết học sinh Trà Kót bị cắt toàn bộ chế độ, chỉ còn học sinh của 2 thôn đặc biệt khó khăn (thôn 3 và 5A) vẫn giữ nguyên mức hỗ trợ. Trước đây theo Nghị định 116 của Chính phủ, học sinh Trà Kót được hỗ trợ tiền ăn hàng tháng (bằng 40% mức lương cơ sở, 15kg gạo, 10 nghìn đồng mua sắm dụng cụ phục vụ học tập) và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Nhờ chế độ đó,Trường Tiểu học Bế Văn Đàn và THCS xã Trà Kót có thể bố trí cho học sinh học bán trú. Bây giờ, thoát khỏi danh sách thôn đặc biệt khó khăn thì có 93 học sinh của hai cấp học không còn được hưởng chế độ, nên không thể ở bán trú. Đồng thời thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho học sinh cũng không còn. Sợ không có tiền đóng học phí, tiền ăn nếu học bán trú và mua thẻ bảo hiểm y tế nên chỉ có vài người cho con em ở lại trường. Và, nỗi lo sẽ có nhiều học sinh bỏ học.

Còn ở Tây Giang, toàn huyện có 381 học sinh thuộc diện bán trú ở 9 xã bị cắt các chế độ liên quan (tổng số tiền hỗ trợ trước đây hơn 1,8 tỷ đồng). Theo lãnh đạo ngành giáo dục huyện, việc bị cắt chế độ dẫn đến điều kiện học tập, ăn ở của các em hết sức khó khăn vì gia đình hầu hết là hộ nghèo, các em đi học xa, rất vất vả. Tình trạng bỏ học, không ra lớp đã xuất hiện như Trường THPT Tây Giang có 128 em bị cắt chế độ, trong đó hơn 60 em đã không ra lớp dù nhà trường cố gắng đến từng nhà vận động. Trước tình hình đó, huyện chọn giải pháp tạm thời là sẽ trích khoảng 800 triệu đồng từ nguồn ngân sách dự phòng hỗ trợ 5 tháng đầu năm học này. Theo đó, mỗi học sinh sẽ được hỗ trợ 360 nghìn đồng và 10 ký gạo/tháng. Bên cạnh đó, 9 xã sẽ tiết kiệm các nguồn chi tiêu, nhất là nguồn dự phòng, chia sẻ số gạo cứu trợ cho các trường. Các em học sinh gần trường thì gia đình lo việc ăn ở, tự đi lại, huyện chỉ hỗ trợ tiền mua sách vở. Các em ở xa được ở lại, hỗ trợ sách vở, gia đình đóng góp gạo...

Dự báo được tình hình, từ 20.9, UBND tỉnh  đã có công văn yêu cầu Sở GD-ĐT phối hợp với các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức, Quế Sơn, Tiên Phước, Núi Thành, Đại Lộc, Thăng Bình có các phương án tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn tiếp tục đến trường, không để xảy ra tình trạng bỏ học giữa chừng. UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện chủ động hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm phục vụ học tập từ nguồn ngân sách địa phương để tạo điều kiện cho học sinh các vùng trên tiếp tục đến trường, không để xảy ra tình trạng bỏ học giữa chừng do không hưởng chính sách hỗ trợ; trường hợp quá khó khăn, báo cáo UBND tỉnh xem xét hỗ trợ một phần. Đây có thể xem là cách xử lý rất nhân văn trong bối cảnh tình hình nghèo khó còn đeo bám miền núi.

Rõ ràng “bụng đói đầu gối phải bò” đi kiếm miếng ăn trước hết rồi mới nghĩ việc tìm cái chữ. Cái tiêu chí “3 đủ” (đủ ăn, đủ quần áo, đủ sách vở) vẫn là ưu tiên hàng đầu cho học sinh các vùng khó khăn. Chúng tôi từng nhiều lần đề cập về cái vòng tròn: nghèo thì thất học, không có học thì nghèo. Vậy nên, chương trình xóa đói giảm nghèo và đầu tư giáo dục ở miền núi, chỉ đạt hiệu quả bền vững khi song hành thực thi.

Nghĩ từ cái bụng, không thể mãi bao cấp cho mọi thứ kể cả giáo dục. Nhưng dù Nhà nước nuôi hay dân nuôi, cách gì cũng phải làm cái bụng yên thì cái đầu mới sáng ra mà tiếp thu cái chữ. Cái bụng mình nghĩ rứa, ưng rứa!

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghĩ từ cái... bụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO