Nghĩ từ... chiếc bánh mì

NGUYỄN ĐIỆN NAM 11/09/2016 07:35

Mấy ngày qua, khi ngài Francois Hollande - Tổng thống Pháp thăm Việt Nam, giới truyền thông đã tìm nhiều góc độ để đề cao một sự hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia từng có “vấn đề lịch sử” quan hệ phức tạp trong quá khứ.

Minh họa: VĂN THỌ
Minh họa: VĂN THỌ

Rất hồ hởi khi nhắc lại các bài báo mô tả hợp đồng thỏa thuận mua hàng loạt máy bay.

Rất tươi vui khi thấy hình ảnh Tổng thống Pháp cùng giáo sư Ngô Bảo Châu đi bộ tham quan phố cổ Hà Nội.

Rất mừng khi ngài Hollande, hứa sẽ tăng học bổng cho sinh viên Việt Nam (hiện đã 7.000 người du học Pháp và sẽ tăng thêm nữa).

(...)

Giữa một rừng tin tức đó, tôi lại chú ý đến một bài báo có vẻ “lạc đề” của Hãng tin AFP, viết về một nét ẩm thực Pháp đã ghi đậm dấu ấn ở Việt Nam - chiếc bánh mì mà người dân vẫn thường hay ăn sáng.

Trong “tám mươi năm đô hộ” trước đây, thực dân Pháp đã vơ vét không biết bao nhiêu tài nguyên của đất Việt. Ngay ở xứ Quảng, còn có câu ca để lại “Từ ngày Tây lại Cửa Hàn - Đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bồng Miêu”. Nhưng người Pháp, đặc biệt dưới thời toàn quyền Paul Doumer (1897 - 1902), cũng để lại một số công trình kiến trúc, cầu đường, nhà cửa. Ấn tượng là ông Doumer đã cho xây dựng và cấp điện chiếu sáng Hà Nội hay đã quyết định cho xây cầu Long Biên. Nguyên cây cầu này mang tên ông, trước 1945 là cầu dài nhất cõi Đông Dương. Cùng với công cuộc xâm lược và đô hộ, người Pháp đã mang vào Việt Nam loại bánh mì, petit pain. Bánh mì ban đầu phục vụ cho lính Pháp sau lan ra dân chúng. Theo Erica Peters, một cây viết chuyên về ẩm thực Việt Nam, vào khoảng năm 1910, petit pain được bán ngoài phố và người Việt hay mua trên đường đi làm để ăn sáng.

Người Việt Nam nhanh chóng nắm lấy kỹ thuật làm bánh mì và đã cải biên đủ loại. Bánh mì kiểu Pháp đặc ruột còn bánh mì kiểu Việt thì vỏ giòn ruột rỗng. Người Sài Gòn đã cải biên bánh mì  baguette của Pháp thành bánh mì đặc trưng của Sài Gòn với chiều dài ngắn hơn, chỉ khoảng 30 - 40cm. Tùy các loại nhân kẹp trong ruột mà bánh mì mang tên gọi khác nhau. Bây giờ khó thống kê hết các loại bánh mì kẹp, phổ biến khắp nước, là món ăn bình dân với giá rẻ, chỉ khoảng nửa đô la cho chiếc bánh kẹp thịt.

Từ bánh mì của người Pháp, rồi du nhập thêm những loại bánh mì của nước khác nữa, người Việt đã biến chế tài tình thành món ăn cho “hợp gu” của mình. Thậm chí bánh mì Việt đã trở nên nổi tiếng còn hơn cả nơi xuất xứ. Như một tài liệu cho biết, vào tháng 3 năm 2012, chuyên trang du lịch của The Guardian, một tờ báo nổi tiếng củaVương quốc Anh, đã bình chọn Bánh mì Sài Gòn thuộc 10 món ăn đường phố ngon và hấp dẫn du khách nhất thế giới. Trước đó, vào tháng 3 năm 2011, từ Bánh Mì, nhằm để chỉ món bánh mì kẹp thịt của người Việt Nam, đã có mặt trong từ điển Oxford. Nhiều tờ báo cũng bình chọn bánh mì kẹp Việt Nam là một trong những thức ăn đường phố ngon nhất thế giới.

Khi người Pháp trở lại mang theo thông điệp về sự hợp tác làm ăn thời bình, người Việt đã mau chóng đón nhận. Năm 2015, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 4,3 tỷ USD. Và Pháp là nước đứng thứ ba châu Âu, đứng thứ 16 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 3,4 tỷ USD. Nếu trong lịch sử người Pháp chỉ mang đến chiếc bánh mì mà không mang súng đạn xâm lược thì có lẽ công cuộc làm ăn đã khởi phát tốt đẹp từ thế kỷ 19.

Bánh mì, theo tôi, cũng là một trong những biểu tượng cho sự hội nhập sáng tạo của người Việt. Nếu tận dụng được cơ hội thời toàn cầu hóa và biết biến tấu theo cách của mình, người Việt sẽ tạo ra thương hiệu.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghĩ từ... chiếc bánh mì
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO