Xưa, trên các cánh đồng xứ Quảng vào mùa gặt thường thấy các bà già thủ trong tay cục đất sét vo tròn. Người nào không tìm được đất sét thì lấy đất bùn dẻo vo lại bằng nắm tay. Cầm cục đất ấy để làm gì vậy? Để mót lúa rụng.
Bông lúa chín dễ rụng hột. Khi quơ liềm cắt đùa tới bông lúa càng rụng hột phân tán xuống mặt đất ruộng. Người ta mới nghĩ cách vo cục đất sét để chấm chấm cho hột lúa dính vào rồi mới khảy lên mủng. Muốn mót nhanh hơn, nhiều hơn thì chuẩn bị nhiều miếng đất bùn dẻo cứ lăn đại chỗ nào thấy lúa hột rụng xong rồi đem chao rửa, lắng lấy hột. Mót kiểu ấy loanh quanh vài ba sào ruộng cũng được gần ang lúa. Có thể xem đó là cách sáng tạo sơ khai cho việc giảm tổn thất nông sản sau thu hoạch.
Ngày nay, có lẽ không quá đói cơm đến độ phải đi mót lúa nên lúa hột rơi vãi rất nhiều. Người viết bài này từng xót dạ khi thấy máy gặt đập chạy ào ào làm lúa rụng nhiều mà nông dân cũng bỏ luôn. Người đi gặt thủ công được trả tối thiểu 200 ngàn đồng/ngày lại được “ăn nửa buổi”, chiều lai rai, chẳng ai bỏ công đi mót.
Với mỗi nông hộ, thất thoát lúa hay nông sản có thể cho là chuyện nhỏ. Nhưng nếu nhìn toàn cảnh về tổn thất sau thu hoạch thì thành chuyện lớn. Ngay vựa lúa lớn như đồng bằng sông Cửu Long, mỗi mùa thu hoạch thất thoát cả ngàn tỷ đồng theo ước tính của Bộ NN&PTNT, và tính chung cả nước lượng lúa gạo tổn thất gần 20%. Với hơn 3 ngàn tỷ đồng tổn thất sau thu hoạch nông sản khiến thu nhập của nông dân mất đi 15 - 30%. Rộng ra nữa, nhiều chuyên gia ước tính lượng lương thực bị tổn thất sau thu hoạch hàng năm trên toàn thế giới đủ để nuôi sống 200 triệu người, quy đổi tương đương khoảng 48 tỷ USD.
Trước thực trạng tổn thất sau thu hoạch còn lớn, nhiều nước trên thế giới đã gia tăng đầu tư công nghệ cho sản xuất và chế biến, còn Việt Nam ta thì thế nào? Từ năm 2009, Bộ NN&PTNT đã có đề án cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch, đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với lúa gạo còn 5 - 6%, rau quả 10 - 12%, giảm mức tổn thất về chất lượng thủy sản dưới 10%... Đề án này còn đề xuất đầu tư khoảng 40.000 tỷ đồng để xây dựng các công trình kho chứa nông sản, trang bị máy móc hiện đại trong sản xuất và chế biến, đồng thời hỗ trợ trực tiếp 30% giá thành cho nông dân đầu tư các loại máy sấy, kho chứa tại gia đình. Bộ NN&PTNT cũng khuyến cáo áp dụng kỹ thuật bảo quản lúa gạo, bắp, đậu nành, đậu phụng bằng phương pháp sinh học và vật lý; chuyển giao những mẫu hình kho bảo quản tại gia đình theo hướng tiện ích, an toàn... Tuy nhiên, cho đến nay, ngay mặt hàng rau quả - thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, thu nhập của nông dân vẫn còn giảm khoảng 15 – 20% vì sản phẩm không được sơ chế, bảo quản, tiêu thụ kịp thời. Năng lực chế biến rau quả cũng còn khá yếu, vì với sản lượng khoảng 5 triệu tấn/năm chỉ chế biến được 300 ngàn tấn còn lại được sử dụng dưới dạng tươi sống rất dễ hư hại do tác động của thời tiết, công nghệ bảo quản kém, vận chuyển không kịp thời đến thị trường.
Việc hỗ trợ cho nông dân và nâng giá trị của nền nông nghiệp không nên nói chung chung quá xa vời mà cần những hành động, chương trình cụ thể. Ví như ở Malaysia, nhà nước hỗ trợ cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản bằng cách bỏ tiền xây dựng rất nhiều nhà lạnh bảo quản cho từng vùng khác nhau, bao gồm tất cả công đoạn từ rửa, phân loại, đo chỉ tiêu chất lượng, đóng gói,… trên dây chuyền hoàn toàn tự động.
Nếu không tiến đến áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chẳng lẽ ta phải quay lại cầm… cục đất sét để giảm tổn thất nông sản sau thu hoạch?
ĐĂNG QUANG