Nghĩ từ một bảo tàng

LÊ QUÂN 23/11/2017 09:14

Hơn 30 bộ sắc phục truyền thống của các dân tộc đang sinh sống ở Việt Nam được “triệu hồi” về bảo tàng của một người nước ngoài. Với tên gọi “bảo tàng Di sản vô giá” đặt tại Hội An, người Pháp nọ khiến chúng ta phải suy ngẫm...

Bộ trang phục bằng vỏ cây của già làng Clâu Nâm và bức ảnh của ông ở bảo tàng Di sản vô giá. Ảnh: L.Q
Bộ trang phục bằng vỏ cây của già làng Clâu Nâm và bức ảnh của ông ở bảo tàng Di sản vô giá. Ảnh: L.Q

Thật khó nghĩ, khi những điều được coi là “di sản vô giá” của Việt Nam lại không được thực hiện bởi một cư dân bản địa?

Ấn tượng đầu tiên về những bộ sắc phục các dân tộc Việt mà Réhahn - nhiếp ảnh gia người Pháp đang sở hữu, là sự phong phú, tinh xảo, đặc sắc mà các bộ trang phục truyền thống có được. Thứ nữa, là tinh thần của một không gian văn hóa mà Réhahn bài trí, khiến cho những ai dẫu vô tâm vẫn phải tự khựng lại vài nhịp, để cảm nhận. Ở đó, gian của miền Bắc, miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên được sắp xếp riêng biệt, với những đặc tính khác nhau của mỗi vùng văn hóa. Đi cùng mỗi bộ trang phục truyền thống gần như duy nhất cũng là cuối cùng của mỗi dân tộc thiểu số là một bức ảnh của chủ nhân trang phục để “làm bằng chứng”. Và Réhahn, quá thông minh khi “dẫn dụ” cả xúc cảm lẫn mắt nhìn của người thưởng lãm. Mỗi bộ phục trang mang câu chuyện về chính vùng đất mà người trải nghiệm cũng là người sưu tầm thu nhận được. “Vào tháng 7.2017, tôi có dịp dành thời gian với người Thái đen. Những người già ở đây cùng chia sẻ về nỗi buồn văn hóa đang bị mai một khi mà thế hệ trẻ chỉ thích lối sống hiện đại và bỏ qua những truyền thống của dân tộc mình. Nhà sàn dần bị thay thế bởi những ngôi nhà bằng tường gạch; những tấm vải lụa kém chất lượng được sử dụng thay cho vải lanh nhuộm chàm truyền thống. Nhưng có một hình ảnh luôn xuất hiện khi tôi nghĩ về người Thái là chiếc nón lá như đang trôi lơ lửng trên mái tóc búi cao ở đỉnh đầu của họ” - Réhahn chia sẻ câu chuyện trong những chuyến đi của anh.

Các chi tiết trong những bộ sắc phục, nhìn lướt qua, có vẻ bình thường. Nhưng hàm chứa trong đó là ý nghĩa về sự kết nối giữa đời sống con người với thiên nhiên, có cả những câu chuyện huyền thoại ẩn trong mỗi một bộ trang phục. “Truyền thống không nhất thiết phải dừng lại với thời gian. Như quy luật thay đổi của thời trang phương Tây, trang phục của người dân tộc thiểu số Việt Nam cũng dần có những thay đổi. Hầu hết họ hiện nay mặc những trang phục giống người Kinh” - Réhahn chia sẻ thêm. Và cùng với sự ra đời của những bộ ảnh, là việc kiếm tìm những bộ trang phục truyền thống, như để gìn giữ một vốn quý sẽ dần mất đi. Lý giải vì sao mở bảo tàng này, Réhahn nói khi anh học được vài từ tiếng Việt, anh cảm thấy mình bị thu hút bởi những người già trong cộng đồng và những kho chuyện đầy mê hoặc thú vị của họ. Khi nghe những người già kể về truyền thống và văn hóa của mình, anh cảm nhận đôi mắt họ trở nên lấp lánh. Khi nhớ lại những câu chuyện quá khứ, hoặc khi khoác lên trên mình những bộ trang phục truyền thống của dân tộc, anh thấy họ toát lên vẻ tự hào mà trước đó không có biểu hiện. Những câu chuyện đó đã truyền cảm hứng cho anh đến tận hôm nay. Và anh nhận ra, có một vài tộc người thiểu số Việt Nam đang suy giảm văn hóa truyền thống một cách nhanh chóng. Sự hòa nhập với cuộc sống hiện đại đã tạo nên nhiều ảnh hưởng theo những cách mà không ai lường trước được. “Những người trẻ rời bỏ làng để tạo dựng cuộc sống của riêng mình, bỏ lại sau lưng những di sản văn hóa có nguy cơ biến mất mãi mãi. Bảo tàng này mục đích để ghi nhận, bảo tồn và tôn vinh những nét văn hóa độc đáo của Việt Nam và giới thiệu đến bạn bè thế giới” - Réhahn chia sẻ.

Người ta thường thấy điều gì đẹp hơn, khi điều đó sắp mất đi. Có phải vậy không, khi những bộ trang phục truyền thống trong bảo tàng của Réhahn có sức hút kỳ lạ. Nó không chỉ khiến những người ngoại quốc chăm chú nhìn ngắm, mà còn khiến những người Việt trẻ trầm trồ. Biết trầm trồ, hẳn sẽ ít nhiều khơi gợi nên một chút “mặc cảm”, vì sao là của ta mà ta không làm. Tôi đã chạnh lòng như vậy, khi nhìn thấy bộ trang phục bằng vỏ cây của già làng Clâu Nâm, cùng với bức ảnh chụp ông khoác trên người chính bộ trang phục đó - bộ trang phục vỏ cây cuối cùng của người Cơ Tu, bây giờ.

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghĩ từ một bảo tàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO