Do công việc, tôi được tham dự một số phiên tòa xét xử án ly hôn. Kết thúc mỗi phiên tòa, đôi mắt đau đáu buồn của những đứa trẻ cứ ám ảnh tôi cả trong giấc ngủ...
Sau nhiều biến cố gia đình, vì không thể tiếp tục hòa hợp trong cuộc sống chung, chị B.T.L, 43 tuổi và anh H.T.C, 38 tuổi, trú tại thôn 5, xã Tiên An, huyện Tiên Phước dẫn nhau ra tòa xin ly hôn. Như nhiều phiên tòa xử ly hôn khác, hội trường xét xử hôm ấy chỉ có hội đồng xét xử, nguyên đơn, bị đơn và đứa con chung của anh chị. Ngồi lọt thỏm giữa những dãy bàn ghế trống hoác, thân hình gầy gò của cậu bé 14 tuổi càng thêm nhỏ bé. Sau phiên tòa này, em sẽ về sống với cha hoặc mẹ. Chỉ có thể là một trong hai lựa chọn. Và mái nhà chung sẽ chỉ còn trong ký ức... Phiên tòa kết thúc, khuôn mặt ngơ ngác, đôi mắt đau đáu buồn của cậu bé cứ ám ảnh tôi. Rồi đây em sẽ sống ra sao, lớn lên như thế nào và đặc biệt cuộc sống hôn nhân của em trong tương lai sẽ chịu những ảnh hưởng như thế nào.
Ảnh minh họa. |
Nếu ví cuộc sống lứa đôi là một bản nhạc nhiều cung bậc thì giai đoạn yêu nhau và kết hôn là một chương mở đầu đầy du dương, hạnh phúc. Thế nhưng cuộc sống chung đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi 2 cá thể riêng biệt phải tìm tiếng nói chung trong sự tôn trọng cá tính của nhau để cùng vun đắp hạnh phúc gia đình. Nhiều người dù đã yêu, hiểu nhau trước khi kết hôn và đã cố gắng chấp nhận rất nhiều nhưng không thể vượt qua những thử thách mà cuộc sống chung đặt ra, bắt buộc chọn giải pháp ly hôn thì cũng đã đành. Thế nhưng không ít người trẻ vội vàng yêu, vội vàng cưới và lại vội vàng… đưa nhau ra tòa ly dị. Hậu quả để lại cho cuộc tình vội vàng ấy là những cuộc đời dang dở, chắp vá và những đứa con không bao giờ được hưởng trọn tình yêu thương của cha mẹ.
Trong năm 2014, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh đã giải quyết 2.230 vụ ly hôn, tỷ lệ gần 99 %. Trong đó, các tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tỉnh giải quyết, xét xử 28/29 vụ, tỷ lệ hơn 96%. Tòa án cấp huyện giải quyết, xét xử 2.202/2.224 vụ, tỷ lệ trên 99%. |
Đến bây giờ tôi vẫn không quên được khuôn mặt hốc hác, muộn phiền của người vợ trẻ trong phiên tòa xét xử án ly hôn ấy. Ấn tượng bởi hai vợ chồng có một sự chênh lệch ngoại hình khá lớn. Anh chồng rất điển trai, cao to, bảnh bao còn người vợ thì không được ưa nhìn. Hai người có với nhau một cháu chưa đầy 3 tuổi nhưng người vợ một mực xin tòa thuận tình ly hôn vì không chịu nổi tính trăng hoa và bạo hành của chồng. Chia sẻ với tôi ngoài lề phiên tòa, người vợ trẻ không giấu được nước mắt khi nói rằng: “Sau khi lấy nhau em mới biết anh ấy lên kế hoạch cưới mình chỉ vì gia sản của gia đình vợ. Khi biết không xơ múi được gì, anh ấy lộ nguyên bản chất… Em thà nuôi con một mình chứ không thể kéo dài cuộc sống địa ngục này được…”. Nuôi con một mình, điều đó người vợ ấy có thể làm được… Nhưng đứa trẻ thì sao? Không ai dám nói trước điều gì về cuộc sống hôn nhân nhưng nếu cô ấy có đủ bản lĩnh để “nhận diện” rõ hơn bản chất của người đàn ông mà mình định gửi gắm cả cuộc đời thì có lẽ hôm nay không phải lỡ dở một chuyến đò, không phải vừa làm mẹ vừa làm cha khi mới vừa 27 xuân xanh.
Ông Dương Xuân Thịnh - Chánh án Tòa án nhân dân huyện Tiên Phước, người không ít lần tham gia xét xử các vụ án ly hôn cho biết: “Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây tỷ lệ ly hôn gia tăng nhanh và độ tuổi ly hôn chiều hướng trẻ hóa. Với những vụ án này, chúng tôi luôn thực hiện triệt để các biện pháp hòa giải nhằm hàn gắn những đổ vỡ trong hôn nhân của các đương sự, giảm thiểu hệ lụy sau ly hôn. Chỉ khi hòa giải không thành, chúng tôi mới xem xét các yếu tố và thuận tình cho ly hôn”. Tính riêng trong năm 2014, tòa án nhân dân 2 cấp đã giải quyết đoàn tụ thành 367 vụ án ly hôn, chiếm tỷ lệ gần 16,5 %.
Không phải cặp vợ chồng nào dẫn nhau ra tòa cũng hòa giải thành công. Ly hôn đưa 2 người về hai phía, chỉ những đứa con chung là đứng giữa ngã ba đường. Ở với mẹ nhưng cũng lại muốn về với ba. Ở với ba thì thiếu hơi ấm của mẹ. Cuộc sống rồi sẽ đưa những người vợ, người chồng ấy đến những bến đỗ mới, chỉ những đứa con chung là phải chịu thiệt thòi.
Hôn nhân tan vỡ không chỉ để lại những hệ lụy cho gia đình đặc biệt là sự phát triển tâm sinh lý và quá trình trưởng thành của những đứa trẻ mà còn để lại những hậu quả đáng tiếc cho xã hội. Theo thống kê, một trong những nguyên nhân dẫn đến con đường ăn chơi, hư hỏng, vi phạm pháp luật, làm mất trật tự trị an xã hội của nhiều thanh thiếu niên có nguồn gốc từ những đỗ vỡ trong hôn nhân của cha mẹ, sự thiếu vắng tình thương và giáo dục của gia đình. Bởi vậy, nếu vì một lý do nào đó phải tìm đến giải pháp ly hôn thì các cặp vợ chồng hãy suy nghĩ thật thấu đáo trước khi quyết định, để con cái được sống hạnh phúc trong tình thương yêu của cả cha lẫn mẹ.
LAN UYÊN