Nghi vấn về một vị lãnh binh

LÊ TRÂM 28/03/2015 16:13

Cuối những năm 70 - đầu những năm 80 thế kỷ trước, các hợp tác xã bắt đầu cải tạo đồng ruộng để quy hoạch lại các cánh đồng. Nhiều khu mộ chôn giữa các cánh đồng đã được dời đi. Hồi ấy, cánh đồng phía tây xóm Đình thuộc thôn 4 (nay là thôn Trà Đình 2, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn) cũng nằm trong diện phải cải tạo, ngặt một nỗi ngay giữa cánh đồng là ngôi mộ một ông lãnh binh, nghe nói từng có công rất to với triều đình mà theo nhiều cụ già ở đây nói như thuộc nằm lòng “rằng năm ấy thuộc Hoàng triều Kiến Phong nguyên niên, ông đã tùng chinh, tử trận”(?) và được chôn cất ở đấy. Sau rồi cũng thống nhất rằng sẽ dời đi. Còn nhiều tồn nghi về cuộc dời mộ ông lãnh binh thời ấy! Nghe nói rằng có đại diện gia tộc ông chứng kiến khi công nhân cho xe ủi ngôi mộ. Cũng nghe nói lại rằng ngôi mộ xây bằng vôi bù ghè (đá vôi trộn với mật mía và vỏ bời lời) nên khá kiên cố. Mộ làm theo kiểu trong quan ngoài quách khá thịnh hành dành cho quan lại hoặc những gia đình giàu có thời trước. Người ta cố gắng đục để làm bật cho được nắp mộ lên nhưng cuối cùng thất bại. Sau, xe phải xúc bật nghiêng, quan tài mới lộ ra được. Cũng nghe nói rằng nằm dưới mộ là một vị võ quan với võ phục uy nghi, mão chạm rồng, dát vàng. Khá nhiều vàng được chôn theo người chết. Nghe kể rằng người ta đã nhào vào hôi khá nhiều vàng, cuối cùng chẳng còn lại gì ngoài di cốt vị quan của một triều đại xa xôi nào đó.

Theo lời chỉ dẫn của một cụ già chúng tôi quay lại nơi chôn cất vị lãnh binh. Vẫn còn ngôi mộ bằng đá vôi bị lật nghiêng nằm chơ vơ giữa cánh đồng. Nơi đây, nhìn ra phía bắc là biền Mông Lãnh một thời rộng mênh mông, nay đang cạn dần, xa một chút nữa là một nhánh sông nhỏ của sông Thu Bồn chạy từ Bà Rén xuống. Liệu có phải ngày trước vị lãnh binh được đưa đi bằng đường thủy và an táng ở đây? Hay, đã từng xảy ra một trận chiến nào đó tại đây và vị quan ấy đã tử trận? Nhưng như thế thì không thể có nhiều đồ tùy táng như vậy được.

Hài cốt ông lãnh binh đã được đưa đi cải táng ở nghĩa trang Đồng Tràm (thuộc thôn Đồng Tràm Bắc, xã Hương An, huyện Quế Sơn). Hiện nay vẫn còn bia mộ. Tuy nhiên, trên tấm bia bằng đá cẩm thạch (kiểu đá Non Nước người ta thường hay dùng làm bia) đã bị đục đi khá nhiều chữ (người ta cũng đặt nhiều nghi vấn về việc đục bia này). Phía dưới có tấm đá đen ghi dòng chữ:

PHẦN MỘ LÃNH BINH QUAN ĐỒNG PHƯỚC HUYÊN

đính phía dưới bia. Chúng tôi nhờ nhà nghiên cứu Phạm Thúc Hồng đọc giùm dù bia khá mờ, nhiều chữ khó đọc, bia ghi như sau:

ĐẠI NAM

Sắc thụ (?) nghĩa An Thọ xứ (?)  lãnh binh quan Đồng hầu chi mộ

Nam tử: Đồng Bá Tuần, tạo lập

Tạm dịch:Đại Nam

Nhận sắc phong (?) người xứ An Thọ (?) chức lãnh binh, tước Hầu, tộc Đồng, chi mộ

Con trai Đồng Bá Tuần, tạo lập.
Chúng tôi cũng đi tra thử niên hiệu Kiến Phong nhưng vẫn không thể nào tìm ra chút manh mối nào. Nếu nhớ nhầm từ Kiến Phúc nguyên niên ra thì đúng là năm 1883 nhưng cũng không có gì làm chắc chắn.

Quanh ngôi mộ ông lãnh binh quả thật còn khá nhiều nghi vấn:

1. Người nằm dưới mộ là ai, thuộc triều nào, hành trạng ra sao? Quốc hiệu Đại Nam được dùng từ năm 1838 (thời Minh Mạng) đến tận 1945 nên làm thế nào để xác định cụ thể thời gian lập bia? Lãnh chức lãnh binh, được phong tước Hầu nghĩa là một vị quan lớn, liệu có thể nghiên cứu ra hành trạng của vị quan này không?

2. Có liên quan gì giữa cái tên Đồng Phước Huyên với Đồng Bá Tuần, người lập bia? Có gì làm căn cứ để xác định người nằm dưới mộ là lãnh binh Đồng Phước Huyên?

3. Những chữ đã bị đục bỏ có thể đoán được hay không?

4. Tại sao người ta lại đục các chữ ấy?

5. Liệu có liên quan gì giữa nơi táng với vùng biền và nhánh sông chảy bên cạnh cánh đồng?

Đành xin dành lại những câu hỏi này cho các nhà nghiên cứu lịch sử.

LÊ TRÂM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghi vấn về một vị lãnh binh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO