Nghĩ về bảo trì đường bộ

SÁU CÒI 11/10/2016 08:25

1. Bảo trì đường bộ (BTĐB) để bảo vệ hạ tầng giao thông đang sử dụng và hạn chế xây dựng công trình mới là rất cần thiết. Thực tế cho thấy, công việc này gần đây được triển khai hiệu quả hơn nhiều so với những năm về trước, nhất là từ khi Quỹ BTĐB tỉnh đưa vào hoạt động. Thời gian qua, Quỹ BTĐB tỉnh đã thực hiện đúng tôn chỉ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật; chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quá trình phân bổ sử dụng vốn, thực hiện dự toán thu phí, dự toán chi từ nguồn phí để lại, kế hoạch dự toán cấp kinh phí đường bộ, lập báo cáo, xét duyệt quyết toán kinh phí hoạt động, quyết toán thu - chi nguồn vốn của quỹ đều được tiến hành theo đúng thời gian quy định.

Bên cạnh thuận lợi, Quỹ BTĐB tỉnh cũng gặp khó khăn trong việc huy động nguồn kinh phí cho duy tu, bảo dưỡng. Vì vậy, những nơi xuất hiện tình trạng hư hỏng, cần sửa chữa lớn cũng đành phải vá víu như bảo trì thường xuyên. Có trường hợp, tỉnh lộ (ĐT) đầy “ổ voi” lấp bằng đá cấp phối, trong khi trên tuyến có nhiều phương tiện tải trọng lớn lưu thông nên chỉ vài ngày chỗ “gia công” bị xuống cấp. “Nhiều trường hợp kế hoạch vốn địa phương trình lên thì nhiều, song khi trên đưa nguồn xuống lại không tương xứng khiến mọi tính toán ở cơ sở bị đảo lộn” - lãnh đạo một huyện cho hay.

2. Điểm trừ lớn nhất trong công tác này lại thuộc về phía địa phương. Người đứng đầu dường như chỉ quan tâm dồn mọi nguồn lực cho khâu đầu tư xây dựng mới, hoặc nâng cấp, mở rộng từng đoạn đường. Trong khi đó, không bố trí kinh phí “đối ứng” bảo trì mà chỉ trông chờ vào quỹ ở tỉnh cấp xuống. Sự thiếu quan tâm sâu sát, xử lý ngay từ khi đường mới có dấu hiệu hư hỏng của người có trách nhiệm làm cho sự việc diễn tiến ngày càng xấu; tình trạng người dân lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ diễn ra thường xuyên…

Với thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng cần xã hội hóa duy tu, bảo dưỡng. Vậy nhưng, giải pháp nào để tháo “nút thắt” của bài toán huy động nguồn lực. Cũng có người đề xuất nên chăng nghiên cứu đấu thầu bảo trì thường xuyên cho từng đoạn, từng tuyến ĐT đang triển khai theo hình thức đặt hàng. Nhưng việc bảo trì thường xuyên cho 16 tuyến ĐT với chiều dài 361,5km suốt 12 tháng mà chỉ được cấp khoảng 7, 8 tỷ đồng thì chia ra như thế nào để đấu thầu. Về lý, doanh nghiệp trúng thầu “giá thấp” nhưng liệu năng lực có đạt như đơn vị truyền thống lâu nay. Còn về mặt tình, nhà thầu truyền thống luôn sẵn sàng triển khai mọi nhiệm vụ khẩn cấp khi lãnh đạo tỉnh yêu cầu, mặc cho nguồn vốn thực hiện chưa biết bố trí từ đâu, miễn là nhân dân đi lại an toàn. Vấn đề đặt ra cho người có trách nhiệm không phải là chọn ông này, bỏ ông kia. Nói như Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng: “Sở Giao thông vận tải sớm nghiên cứu, tham mưu HĐND tỉnh về cơ chế quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực BTĐB”.

SÁU CÒI

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghĩ về bảo trì đường bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO