Nghĩ về lệ cúng đất

NGUYỄN ĐIÊN NAM 31/01/2021 06:35

Bước vào những ngày cuối cùng của năm âm lịch, theo lệ, từ các làng xóm, nhà thờ tộc họ đến nhà riêng, người ta bày biện mâm cúng đất trong dịp tất niên. Ở vùng đất cũ của tiên nhân Chàm, như Quảng Nam, rất nhiều nơi gọi đây là cúng tá thổ nhằm tri ân chư thần cai quản xứ sở cùng các bậc khai khẩn, khai canh, khai cơ cho người sau thụ hưởng đất này.

Vì sao gọi cúng đất là cúng tá thổ (tức “mượn đất”, “thuê đất”)? Lịch sử ghi từ năm 1402, nhà Hồ lấy đất Chiêm Động của Chiêm Thành lập thành châu Thăng, châu Hoa, thuộc lộ Thăng Hoa.

Theo đó, nhà Hồ đã gửi lại một phần quân đội và thực hiện chính sách di dân từ miền Bắc vào Nam khai khẩn. Tiến sĩ Nguyễn Văn Mạnh (khoa sử Đại học Khoa học Huế) cho đó là thời điểm người Việt “bắt đầu tụ cư” sinh sống, chủ yếu ở các vùng đồng bằng ven biển Quảng Nam.

Còn trong nhiều công trình nghiên cứu của “nhà Quảng Nam học” Nguyễn Văn Xuân, đã minh định vùng đất bờ bắc sông Thu Bồn, thuộc địa giới phủ Điện Bàn cũ, có lịch sử sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt từ sau sự kiện Huyền Trân công chúa (triều Trần) được gả cho vua Chiêm Thành. Cũng có nghĩa là một phần đất của Quảng Nam ở phía bắc đã có hành trình di dân lập làng cách đây gần 700 năm.

Như vậy là vào năm 1306 (nhà Trần), hay năm 1402 (nhà Hồ), hoặc muộn hơn là 1471( khi vua Lê Thánh Tông bình Chiêm thắng lợi và đặt ra đạo thừa tuyên Quảng Nam), các làng mạc người Việt bắt đầu hình thành trên đất của Vương quốc Chiêm Thành.

Đã hơn nửa thiên niên kỷ trôi qua, dù theo sau những cuộc chinh phạt phương Nam để dựng làng lập ấp, nhưng tâm thế lưu dân người Việt vẫn coi đây là “mượn đất”, “thuê đất” của tiên nhân để làm ăn sinh sống. Đó là một ứng xử rất độc đáo, thể hiện tầm nhìn nhân văn của người Việt buổi đầu mở nước đến hôm nay.

Do đó, lưu dấu trong bài văn tế cúng tá thổ, ngoài việc “cung thỉnh thổ công, thổ hầu, thổ bá…” có cả bái thỉnh các vị “thổ Lồi” (tương truyền Lồi là sắc tộc của Chàm), đồng thời mời luôn “ma Chăm, ma chợ, ma mọi, ma rợ, lỵ mỵ vong lượng âm hồn, hương hồn, thập loại cô hồn” về chứng dự.

Trong bài cúng còn bái thỉnh từ Chủ Ngung Man nương đến các vị tiên nhân, đồng thời tinh tế thể hiện lòng biết ơn với các vị thủy tổ khai khẩn, khai canh, khai cơ là tiền hiền, hậu hiền các họ tộc người Việt.

Lịch sử khai khẩn Quảng Nam - “vùng đất mở rộng về phương Nam” lưu bao nhiêu dòng họ từ miền Bắc vào đây lập làng. Như gia phả họ Phan ở Phong Thử, Điện Thọ (Điện Bàn) khắc lên bia truyền lại cho biết năm Đinh Mùi, Quang Hòa thứ 15 (1547), thủy tổ họ Phan đem theo vợ con ở bến sông Linh Giang tiến đến xứ Quảng Nam để mở đất.

“Tại nơi đó, ông thấy rừng có thể trồng cây, suối có cá bơi lội, đất có thể thành ruộng tươi tốt, cỏ nhiều có thể chăn nuôi. Vì thế ông rất vui vẻ có chí kiến lập làm chỗ an cư, bèn quay về đón dân vào lập ruộng cày bừa, yên tâm sinh sống lập nghiệp” (bản dịch của Phạm Thùy Vinh).

Theo phát hiện của Viện sử học, có “Bài từ tâu về đất Bắc” (Bắc địa tấu từ), viết vào tháng 5.1492 (triều Hồng Đức), xác định 24 người trong 24 tộc họ từ các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hải Dương vào khai phá vùng bắc sông Cái (Thu Bồn) tâu về đất Bắc đã khai phá bao nhiêu khoảnh ruộng, lập ra thôn giáp, bao nhiêu làng mạc (xã hiệu).

Tuy công khai phá biết bao khó nhọc vậy, nhưng nhiều họ tộc vừa ghi ơn tiền hiền, thủy tổ của mình mà vẫn khiêm cung khi gọi cúng đất là “tá thổ”, bày biện cả vật thực như các loại khoai, đậu, mắm… để cúng vọng tiên nhân bản địa.

Xét ở góc độ văn hóa, lễ lệ cúng đất lưu dấu tín ngưỡng, tập tục, xem ra có nhiều điều lý thú trong hương vị mạn đàm dịp tất niên.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghĩ về lệ cúng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO