Nghĩ về nhiệm vụ "khai dân trí" của Phan Châu Trinh

VU GIA 14/01/2023 10:49

(Xuân Quý Mão) - Về tư tưởng Phan Châu Trinh (1872 - 1926), tôi nghĩ cốt lõi vẫn là chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của ông.

Lãnh đạo tỉnh thực hiện nghi thức khởi công dự án tu bổ, nâng cấp, mở rộng Nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh tại Phú Ninh, tháng 9/2022. Ảnh: T.C
Lãnh đạo tỉnh thực hiện nghi thức khởi công dự án tu bổ, nâng cấp, mở rộng Nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh tại Phú Ninh, tháng 9/2022. Ảnh: T.C

Theo Phan Châu Trinh, nhiệm vụ cấp bách ngày ấy là phải:

Khai dân trí: Bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ Quốc ngữ cùng kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa.

Chấn dân khí: Thức tỉnh tinh thần tự lực, tự cường, mọi người giác ngộ được quyền lợi và nghĩa vụ của mình, giải thoát khỏi tư tưởng chuyên chế phong kiến.

Hậu dân sinh: Phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội địa hóa,...

Khi nhiệm vụ cấp bách này cơ bản hoàn thành, thì đông tay “vỗ nên bộp” đòi lại lợi quyền của dân tộc.

Vẫn cần tiếp tục “xóa mù”

Bây giờ nghiệm lại, tôi thấy “khai dân trí” vẫn là nhiệm vụ cấp bách. Bởi vì chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa; thời đại “chạm màn hình”; thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chứ không phải thời đại của ông cha hơn 100 năm về trước.

Cách nhìn của chúng ta ngày nay cần mở rộng hơn trên nền tảng ông cha ta để lại. Chẳng hạn, năm 1945, khi Việt Nam giành được độc lập, 95% dân Việt Nam mù chữ. Đây là một trong các quốc nạn đối với một quốc gia mới giành độc lập.

Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3/9/1945 tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị mở chiến dịch “Chống nạn mù chữ”, vì “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.

Bây giờ, chúng ta không thể ngồi rung đùi, sung sướng và tự hào rằng chiến dịch “Chống nạn mù chữ” đã xong lâu rồi; những người có trình độ cử nhân, thạc sĩ chạy xe ôm đầy đường; bưng bê cà phê, thức ăn phục vụ khách khắp phố… mà quên rằng nhiều người trong chúng ta, nhất là lớp dân số vàng đang “mù ngoại ngữ”, “mù tin học”, “mù nghề” (chưa được đào tạo bài bản). Nếu chúng ta mãi sống với hào quang quá khứ, thì khó mà “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong muốn của Bác Hồ, của dân tộc.

Tỷ phú Bill Gates - người cùng thời với chúng ta, nói một câu rất thú vị, chúng ta cũng cần suy gẫm: “Thành công là một người thầy tồi tệ. Nó mê hoặc những người thông minh với suy nghĩ rằng họ không thể thất bại”​ (Success is a lousy teacher. It seduces smart people into thinking they can’t lose).

Nói vậy, có người cho rằng tôi nói sai. Suốt thời gian qua, chúng ta chưa lơ là trong việc khai dân trí, thậm chí khai dân trí ở tầm cao, hết đề án 20.000 tiến sĩ, liền tiếp đến đề án 9.000 tiến sĩ. Những người có học hàm, học vị ở nước ta đếm không xuể.

Đúng như thế thật. Trước Cách mạng Tháng Tám (1945), trên tạp chí Nam Phong, Phạm Quỳnh viết: “…Có nhà danh sĩ Pháp đã nói rằng nước Pháp sở dĩ là nước Pháp, cũng chỉ nhờ bởi bốn năm mươi người đại trí. Nếu không có bọn ấy thì nước Pháp không còn là nước Pháp nữa”. Đó là những người ở Hàn lâm viện của Pháp. Bây giờ, nhìn số lượng “người đại trí” ở Hàn lâm viện của ta, nếu Phạm Quỳnh còn sống sẽ chết khiếp.

Số lượng và chất lượng 

Cách đây mấy năm, nhiều báo đưa tin: “Theo thống kê của ngành GD-ĐT, đến năm 2017 cả nước có 24.500 tiến sĩ, trong đó có hơn 16.500 tiến sĩ đang làm việc trong các trường đại học và cao đẳng.

Đồng thời năm học 2016 - 2017, hệ thống các trường đại học và học viện có quy mô đào tạo gần 13.590 nghiên cứu sinh, tăng 25% so với năm học trước; còn các viện nghiên cứu có số lượng nghiên cứu sinh (tính đến tháng 7/2017) khoảng hơn 1.600 người.

Đến nay, trong số tiến sĩ đang công tác tại các trường đại học và viện nghiên cứu thì số có chức danh khoa học giáo sư và phó giáo sư khoảng hơn 11.000 người.

Phải nói rằng, số lượng tiến sĩ của Việt Nam (kể cả các trường hợp giáo sư và phó giáo sư) so với các nước khu vực Đông Nam Á, ta không thua kém, thậm chí còn cao hơn cả Thái Lan, Philippines, nhưng số lượng công trình khoa học hàng năm được công bố trên các tạp chí đạt chuẩn ISI/Scopus của Việt Nam còn rất thấp...

Ngay Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam với đội ngũ nhân lực hơn 210 giáo sư và phó giáo sư, khoảng 800 tiến sĩ nhưng năm 2017 chỉ có 688 công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế đạt chuẩn ISI/Scopus.

Theo Bộ GD-ĐT, tổng số giảng viên làm việc toàn thời gian của cả nước tính đến 31/12/2021 là hơn 85.000 người. Trong đó, số giảng viên có chức danh giáo sư chỉ là 757 người (đây là số lượng giáo sư đang giảng dạy, không tính những người đã về hưu hoặc không tham gia giảng dạy), chiếm tỷ lệ chỉ 0,89%.

Vì dân tộc, đừng vì thành tích

Trong buổi diễn thuyết ở Sài Gòn (đêm 19/11/1925) - cũng là bài nói chuyện cuối cùng của mình, Phan Châu Trinh nói: “Ngày xưa thì bọn ấy là bọn Nho học đã đỗ được bằng cử nhân, tiến sĩ, ngày nay thì bọn ấy là bọn Tây học đã được cái chức ký lục, thông ngôn; có khi bồi bếp dựa vào thân thế của chủ cũng ra làm quan nữa. Những bọn quan lại đã nói ở trên này chỉ còn một tiếng chỉ đúng hơn là lũ ăn cướp có giấy phép vậy”.

Thời mất nước, nhân dân ta lâm vào thế “một cổ hai tròng” đành phải chịu cảnh “có khi bồi bếp dựa vào thân thế của chủ cũng ra làm quan”, nhưng qua báo chí đương thời, tôi cứ nghĩ cụ Phan là bậc tiên tri, vì trong thời đại này, ta cũng có chuyện “từ một lái xe trở thành Phó Viện trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam”. Ai muốn tìm hiểu kỹ hơn thì vào trang mạng tìm kiếm sẽ thấy rất nhiều bài phản ánh chuyện thực mà như bịa này.

Từ những chuyện thật không vui này, tôi mong rằng chúng ta tiếp tục xem “khai dân trí” là nhiệm vụ cấp bách như Phan Châu Trinh đã đề xướng, nhưng phải thật lòng thật dạ vì dân tộc, vì đất nước chứ không vì thành tích như kết luận còn chưa ráo mực của Bộ GD-ĐT về một trường đại học ở TP.Hồ Chí Minh dùng học phí của sinh viên thuê người ngoài trường (70%) viết những bài báo khoa học.

Chúng ta cũng cần có chính sách thỏa đáng để những tinh hoa dân tộc (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ) không vì những việc tế toái mà bị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, điểm mặt chỉ tên trong thời gian gần đây. Mong thay!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghĩ về nhiệm vụ "khai dân trí" của Phan Châu Trinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO