Nghĩ về những giấc mơ

PHÚ THẠNH 22/01/2023 07:57

(Xuân Quý Mão) -  Quảng Nam đang khẩn trương hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một giấc mơ đẹp cho gần mươi năm tới, và xa hơn, vào dịp kỷ niệm mốc son 100 năm thời đại Hồ Chí Minh đã được hình dung khá rõ nét, cụ thể với từng ngành, lĩnh vực, vùng miền. Chợt nghĩ đến một giấc mơ khác của đất Quảng, cũng đã gần một phần tư thế kỷ…

Cảng Trường Hải. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Cảng Trường Hải. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Giấc mơ thuở “hồng hoang”

Tôi may mắn được chứng kiến và theo dõi những cuộc thảo luận sôi nổi, lý thú của nhiều chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu đất nước về tương lai Quảng Nam cách đây gần một phần tư thế kỷ.

Một sự kiện đặc biệt kéo dài suốt 2 ngày tại đô thị cổ Hội An trong những ngày mưa dầm cuối năm 2000, nhằm củng cố, đúc kết những luận cứ khoa học và cả việc xác lập thêm niềm tin vào một đề án lớn, có tính lịch sử cho giấc mơ phát triển Quảng Nam, sắp trình Bộ Chính trị và Chính phủ: Đề án xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai.

Bối cảnh lúc đó, nói như Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, nguyên thành viên Tổ biên tập xây dựng đề án khu kinh tế mở, là thuở “hồng hoang” của Chu Lai bây giờ. Thực tế, cả một vùng đất rộng lớn để quy hoạch khu kinh tế mở, chẳng có gì khác ngoài cát trắng, cây bụi và nắng gió gắn với cái nghèo của cư dân bản địa đã hàng trăm năm.

Nhưng nói “hồng hoang” có lẽ cũng đúng với một thực tế khác. Tôi chắc rằng, thời điểm vừa tái lập tỉnh, ngoài một số rất ít lãnh đạo chủ chốt, một số thành viên Tổ biên tập đề án khu kinh tế mở, hầu hết người dân Quảng Nam không ai hình dung được sẽ phải làm gì; thậm chí, “kho báu” của cha ông để lại – một mô hình kinh tế trong lịch sử đã từng đưa Quảng Nam trở thành “vương quốc” của xứ Đàng Trong, và lợi thế địa chiến lược về kinh tế quốc tế của sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà, đã không mấy người biết đến, nhắc đến… Như ông Bùi Công Dụng – cũng là thành viên Tổ biên tập đề án kinh tế mở trước đây kể lại rằng, hồi đó “bảo qua làm đề án, là qua thôi, đâu biết gì!”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm THACO hồi tháng 3/2022. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm THACO hồi tháng 3/2022. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Thực tế là Quảng Nam lúc đó, đang phải gồng mình giải bài toán đói nghèo và hậu quả của thiên tai, dịch bệnh dồn dập. Một nền kinh tế thuần nông, tự cung tự cấp vốn kéo dài hàng trăm năm, dĩ nhiên xa lạ với công nghiệp, dịch vụ, du lịch, ngay cả trong nước chứ chưa nói gì đến quốc tế; càng xa lạ hơn với những cụm từ như “thể chế kinh tế”, “khu phi thuế quan”, “cảng trung chuyển”,.. và vô số khái niệm lạ lẫm khác.

Thực tế này, kéo theo một thực tế khác, cũng rất… logic, khi rất nhiều ý kiến phản đối, kể cả không ít chuyên gia, là Quảng Nam đang mơ mộng viển vông, hoang tưởng, nghèo đói giải quyết chưa xong mà lo “kinh tế mở”; và rồi, đất này lụt bão bời bời, sao mà làm công nghiệp, du lịch?

Nghèo thì phải lo, đói thì phải cứu đói, dịch bệnh phải tập trung xử lý cho dân. Nhưng không vì thế mà Quảng Nam không có quyền mơ những chuyện lớn. Hơn nữa, để thoát nghèo bền vững và làm giàu, càng phải nghĩ lớn, làm lớn. Phải biết chớp thời cơ để bứt phá nhằm nhanh chóng thay đổi hình ảnh Quảng Nam. Đó là lập luận của lãnh đạo chủ chốt lúc bấy giờ.

Thời cơ, chính là lúc Bộ Chính trị chủ trương xây dựng thí điểm mô hình đặc khu kinh tế ven biển. Và Quảng Nam đã kịp nắm bắt, trên cơ sở thức nhận từ giá trị lịch sử và nắm bắt lợi thế vị trí địa kinh tế đặc thù…

Và… một giấc mơ mới

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sắp trình Thủ tướng đề ra mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 hơn 9,5%/năm, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 7.500USD - 8.000USD. Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030 và tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, theo chuẩn quốc tế vào năm 2050. Thêm một giấc mơ đẹp!

Nhà máy THACO. Ảnh: LÊ DIỄM
Nhà máy THACO. Ảnh: LÊ DIỄM

Hướng tới tương lai, Quảng Nam khát vọng hình thành không gian phát triển toàn diện, hiện đại, bền vững cả vùng đất, vùng nước, vùng trời với mô hình 2 vùng, 3 cửa ngõ, 3 cụm động lực, 8 hành lang kinh tế, trở thành cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung – Tây Nguyên và trung tâm phát triển năng động, toàn diện của Vùng trọng điểm kinh tế miền Trung.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói, với nền tảng sẵn có, và tiềm năng, lợi thế, Quảng Nam xác định rõ trách nhiệm, sẵn sàng gánh vác sứ mệnh đối với công cuộc phát triển của miền Trung.

So với một phần tư thế kỷ trước, giấc mơ lần này, có lẽ không “hoang tưởng, viển vông”, khi thế và lực của Quảng Nam đã khác. Lợi thế về kết nối không gian chiến lược vùng và quốc tế bước đầu đã được minh chứng từ những dự án đầu tư lớn của doanh nghiệp và các quyết sách của Chính phủ gần đây. Nhưng, nói thế không phải là sự khởi đầu xuôi chèo, mát mái…

Nhớ lại, khi thảo luận về chỉ tiêu tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2025 để chuẩn bị cho Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, lúc đầu, tỉnh khá dè dặt khi đề ra mức tăng trưởng bình quân 7,5%/năm. Nhiều ý kiến của các cơ quan tham mưu hoạch định chính sách, lúc đó, biện giải rằng quy mô kinh tế của Quảng Nam đã lớn, mà càng lớn thì tăng trưởng hàng năm khó duy trì ở mức cao.

Trong khi, trước đó và sau này khi làm quy hoạch tỉnh, nhiều chuyên gia kinh tế quả quyết, trong 10 năm đến, Quảng Nam hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng bình quân hai con số. Cuối cùng, quyết nghị của đại hội xác định tăng trưởng 7,5-8%/năm.

Lần này, quy hoạch tỉnh đề ra mức tăng cho cả giai đoạn 2021-2030 bình quân hơn 9,5%/năm. Trong khi, suốt từ năm 2016 đến nay, nền kinh tế Quảng Nam tăng trưởng không ổn định, khó dự báo; thêm vào đó, những chỉ dấu về cản ngại càng nhiều.

Môi trường đầu tư, như nhận xét của nhiều người, không còn hấp dẫn so với trước; các chỉ số cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tụt dần; cạnh tranh giữa các địa phương ngày càng quyết liệt; bối cảnh kinh tế thế giới dự báo nhiều bất ổn, khó lường; chính sách về thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng hẳn sẽ nhiều thay đổi; cả sự vắng bóng của những con “sếu đầu đàn” với các dự án đầu tư quy mô lớn trong những năm qua.

Đó là chưa nói đến nhân tố có ý nghĩa quyết định – con người, mà trực tiếp là đội ngũ cán bộ, khi đứng trước những “ám ảnh vô hình”, kể cả tâm lý tự thỏa mãn, bằng lòng với hiện tại. Năm 2022 vừa qua, Quảng Nam đạt mức tăng trưởng GRDP ước 11,2%, nhưng Chủ tịch UBND tỉnh nói, phải phấn đấu quyết liệt, mới có thể đạt mức tăng 9% năm 2023 mà HĐND tỉnh đề ra.

*
*        *

Chiêm nghiệm về kinh tế mở Chu Lai, ông Nguyễn Ngọc Quang – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, người đã từng ngày đêm lăn lộn xuống từng hộ dân lo chuyện bồi thường, giải phóng mặt bằng để giao Trường Hải làm khu công nghiệp lắp ráp ô tô (năm 2003 ông Nguyễn Ngọc Quang là Bí thư Huyện ủy Núi Thành) đúc kết: “Đó là thành công từ sự quyết tâm, đoàn kết đi liền với đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Lúc mới tái lập tỉnh, Quảng Nam với cơ sở hạ tầng và nền kinh tế như vậy, nếu không nhờ đội ngũ cán bộ trưởng thành bắt đầu từ những người từ Đà Nẵng vào, từ các huyện điều lên với tràn đầy nhiệt huyết, thì rất khó…”.

Và gần đây, nhân câu chuyện về quy hoạch tỉnh, khi được hỏi về nhân tố có ý nghĩa quyết định cho quá trình hiện thực hóa giấc mơ mới của Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cũng chỉ nói ngắn gọn: “CON NGƯỜI”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghĩ về những giấc mơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO