Khi Tòa soạn báo Tiếng Dân (93 đường Huỳnh Thúc Kháng, Huế) của cụ Huỳnh Thúc Kháng bị đóng cửa (1943), các ông Tống Quyền - Hội trưởng, Quảng Phong - Hội phó đã kịp thời hợp pháp hóa cơ sở này cho Hội đồng châu Quảng Nam. Thời gian đầu, nơi đây vừa là văn phòng liên lạc của hội, vừa làm chỗ ở tạm cho học trò xứ Quảng ra Huế học hành, thi cử.
Cổng vào Nghĩa địa Hội đồng châu Quảng Nam hiện nay. Ảnh: PHÚ THIỆN |
Sau Cách mạng Tháng Tám, Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền ở miền Nam, văn phòng hội bị Ngô Đình Cẩn chiếm đoạt làm kho thóc cho tư gia (1956- 1963). Khi anh em Diệm - Nhu bị đảo chính (1963) cũng là lúc Hội đồng châu Quảng Nam có thời cơ để lấy lại cơ sở hội. Từ đầu năm 1964 đến tháng 4.1975, cơ sở này chính thức trở thành Cư xá Huỳnh Thúc Kháng, mỗi năm có hơn 30 sinh viên quê Quảng Nam tá túc khi ra Huế học tập…
Nghĩa địa Hội đồng châu Quảng Nam là phần di sản còn lại hiện nay của Hội đồng châu Quảng Nam ở đất kinh đô Huế. Một số bài báo trước đây đã phản ánh về hội này, nhưng hình như chưa xác định đúng xuất xứ và đối tượng thành lập hội.
Thông tin thêm về hội
“Hội đồng châu” là tên gọi có phần cũ kỹ, tương tự “Hội đồng hương” bây giờ. Thực sự chưa rõ chữ “châu” này trong trường ngữ nghĩa nào: Châu quận hay châu ngọc? Nhưng điều chắc chắn đây là tổ chức hội tự nguyện của những nho sinh, quan lại người Quảng Nam theo học và làm việc tại kinh đô Huế.
Trước đây, trên tạp chí Hồn Việt có bài viết “Di sản của Hội đồng châu Quảng Nam tại Huế” của ông Lê Tự Hỷ (số ra ngày 21.12.2017). Theo tác giả bài báo, “Hội chính thức thành lập năm nào? Do ai? Tôi không rõ. Gần đây có một nhà báo ở Quảng Nam cho biết là vào khoảng 1925 - 1926, do một số trí thức trẻ Quảng Nam làm việc tại Huế. Trong đó có các ông Lương Trọng Hối, Đỗ Quì, Lê Quang Sung đã lập ra Nhà hội Quảng Nam…”. Nhân đọc bài viết này, tôi đến TP.Huế để tìm hiểu thêm. Rất may mắn, không chỉ tôi được trực tiếp “sở thị” khu nghĩa địa của Hội đồng châu Quảng Nam mà còn được biết nhiều thông tin về sự ra đời, tồn tại của hội.
Lần theo chỉ dẫn của người thân ở Huế, tôi tìm được 2 nhân chứng là ông Lê Văn Tình (91 tuổi) ở phường Vĩnh Lợi và cụ bà Võ Thị Thuận (82 tuổi) ở số nhà 12 đường Tam Thai, phường An Tây. Cụ Lê Văn Tình đã quá già yếu, không còn nhớ rõ những chuyện xưa, chỉ nhớ mình là người gốc Quảng và mộ của ông thân sinh hiện còn nằm ở nghĩa địa người Quảng. Còn cụ Võ Thị Thuận vẫn khá minh mẫn, hiện là người trông coi khu Nghĩa địa Hội đồng châu Quảng Nam.
Qua một số nguồn tin thu nhận được nơi đây cho thấy: Hội đồng châu Quảng Nam ở Huế được lập ra trong những năm đầu của thế kỷ 20. Cụ bà Võ Thị Thuận cho biết: “Từ lúc còn nhỏ, mệ đã nghe tên, gặp mặt ông Đông Viên - một nhà buôn người gốc Quảng ở Huế - làm Hội trưởng Hội đồng châu Quảng Nam”. Cũng theo lời kể của bà cụ, ông Đông Viên không phải là người làm Hội trưởng đầu tiên, mà trước đó bà được biết có một ông quan người Quảng Nam làm việc trong thành nội lập ra hội này. Nghe đâu thuở ấy ở trong Quảng liên tiếp nổ ra chính biến, nên nhiều người ra Huế học tập hoặc làm quan trong triều quyết định ở lại, lấy vợ sinh sống luôn nơi này. Từ đó, họ đứng ra tổ chức một hội đoàn riêng của người Quảng để “tương tế” lẫn nhau…
Dẫu không có cứ liệu cụ thể, nhưng những gì bà cụ Thuận kể lại, ta có thể hình dung được từ thực tế lịch sử. Điều bà cụ gọi là “chính biến” ở Quảng Nam, rất có thể là cuộc biểu tình “chống sưu, cự thuế” (1908) và phong trào hưởng ứng vua Duy Tân khởi nghĩa (1916). Khi ở quê nhà bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu, một số người làm quan hoặc đi học ở kinh kỳ đã “ẩn cư” trên đất Huế, họ cùng nhau đứng ra lập hội và lấy tên Hội đồng châu Quảng Nam. Hội ban đầu chủ yếu để tiện liên lạc, nương tựa bảo vệ nhau để cùng làm ăn, buôn bán. Dần dà về sau, hội tổ chức có quy củ, bầu ra hội trưởng, hội phó và trở thành tổ chức đỡ đầu cho sĩ tử, sinh viên Quảng Nam (bao gồm cả Đà Nẵng) ra Huế thi cử, học tập.
Nghĩa địa Hội đồng châu Quảng Nam
Khu nghĩa địa này là nơi chôn cất thành viên trong Hội đồng châu Quảng Nam khi tạ thế, hiện nằm cạnh trục đường Tam Thai, thuộc phường An Tây, TP.Huế. Với diện tích chừng 1.000m2, khu nghĩa địa có gần 100 ngôi mộ lớn nhỏ. Cổng vào nghĩa địa được xây bằng gạch, lớp vôi vữa đã rêu phong, bên trên 2 trụ cổng có xây tấm biển hình chữ nhật, với hàng chữ lớn: NGHĨA ĐỊA HỘI ĐỒNG CHÂU QUẢNG NAM. Từ cổng vào cách 5m, dựng một tấm bia đá lớn ở vị trí trung tâm, trên mặt bia khắc bài minh bằng chữ Hán và ghi năm dựng bia là 1917.
Nhà bia dựng ở khu nghĩa địa ghi thành lập từ năm 1917. Ảnh: PHÚ THIỆN |
Ngôi nhà cụ bà Võ Thị Thuận đang sống nằm ở bên kia hàng rào của khu nghĩa địa này. Cụ Thuận cho biết, toàn bộ khu đất (gồm nhà bà và nghĩa địa) trước kia thuộc sở hữu của tổ tiên bà. Năm 1917, ông của bà đã bán hơn một nửa khu đất này cho Hội đồng châu Quảng Nam. Khế ước mua bán bà đang giữ, còn ghi rõ diện tích bán là 1.000m2, với giá tiền thời ấy là 40 đồng bạc.
Bà cụ Thuận là người Huế, lấy chồng là một ông giáo làng, gốc Quảng. Chồng bà mất sớm, cũng được chôn cất trong khu nghĩa địa này. Từ đó, bà cụ về sống cùng nhà ngoại và được ông Tống Quyền (hội trưởng) lúc ấy giao việc lo hương khói cho khu nghĩa địa này. Khi được hỏi về việc cúng tế, chăm sóc mộ phần nơi đây, bà cụ buồn rầu đáp: “Trước năm 1975, năm nào hội cũng linh đình tổ chức tế lễ xuân thu nhị kỳ. Nhưng sau năm 1975, nhất là khi ông Nguyễn Mẫn (hội trưởng) qua đời đến nay, không còn thấy ai đứng ra tổ chức cúng tế chi nữa”. Được biết, ông Nguyễn Mẫn là con trưởng của ông Nguyễn Văn Mai, có quê gốc ở huyện Đại Lộc; cha con nối tiếp nhau giữ chức Hội trưởng Hội đồng châu Quảng Nam suốt thời gian dài cho đến giải phóng năm 1975.
Quang cảnh khu nghĩa địa nhìn từ bên ngoài có vẻ hoang tàn, vắng lạnh. Chung quanh bờ rào đã có dấu hiệu bị cư dân nơi đây lấn chiếm sâu và vứt đổ rác thải nhếch nhác. Thế nhưng, khi vào bên trong từng ngôi mộ, nhận thấy khí sắc khác hẳn. Tất cả mộ phần ở đây, dù lớn hay nhỏ đều có lối kiến trúc cầu kỳ, tinh tế, rất đặc trưng của phong cách cổ điển Huế. Không gian mỗi phần mộ đều khá rộng, sạch sẽ và tôn nghiêm. Một số ngôi mộ lớn chạm khắc văn bia bằng chữ Hán, còn phần nhiều văn bia viết bằng chữ quốc ngữ. Từ nhiều loại văn bia này cho thấy, những người an nghỉ ở đây thuộc nhiều đẳng cấp xã hội và đã từng sống trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Đặc điểm bia mộ nơi đây là không ghi năm dựng bia như nhiều nơi khác, nên khó xác định thời điểm xây cất mộ phần. Tuy vậy, căn cứ những dòng bi ký bằng chữ quốc ngữ trên những ngôi mộ hạng trung, có thể nhận biết Hội người Quảng Nam đã được thành lập khá sớm ở Huế. Vì có lập Hội đồng châu Quảng Nam mới có thành viên qua đời và đã an nghỉ nơi đây từ năm 1917. Cũng căn cứ trên văn bia bằng quốc ngữ thì những người Quảng Nam nằm lại nơi này chủ yếu quê ở các địa phương Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn và Thăng Bình; trong đó họ Nguyễn ở huyện Đại Lộc chiếm đa số.
Trước tiên, người viết bài này ngoài chia sẻ thông tin còn mong muốn ngành hữu quan của tỉnh Quảng Nam và các gia tộc ở Quảng Nam tiếp nối các quan hệ hiện thời để xác minh thêm về Nghĩa địa Hội đồng châu Quảng Nam tại Huế. Điều cốt yếu nữa, có lẽ cần tra cứu rõ hơn về lai lịch, quá trình hình thành của hội và tình cảnh đáng buồn hiện nay của khu Nghĩa địa Hội đồng châu Quảng Nam.
NGÔ PHÚ THIỆN