Không khí chân tình, nồng ấm nghĩa đồng bào đã ắp đầy trong ngày gặp gỡ kiều bào về quê ăn tết.
Lãnh đạo Quảng Nam mở rượu sâm banh chúc mừng tại cuộc giao lưu với kiều bào. Ảnh: T.DŨNG |
Ấm áp tình nghĩa
Những cái bắt tay thân mật, những lời chúc một năm mới an khang thịnh vượng kèm theo nụ cười tươi tắn, ấm áp của nhiều kiều bào đã tạo ra không khí rất đặc biệt trong ngày hội ngộ do Đảng bộ, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức tại Khách sạn ven sông Bàn Thạch. Hơn 100 kiều bào tham dự cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa này đã xúc động trước những thước phim về hành trình phát triển của quê hương, đất nước. Nhiều người đã vỗ tay không ngớt trước những màn “diễn xướng” nghệ thuật hát bả trạo, tham dự cuộc chơi hô hát bài chòi, rồi chợt “xốn xang” trước một bữa tiệc buffet gánh với những thức quà dân dã Quảng Nam dành cho những người con xa xứ. Ông Phạm Chuyên (người Hiệp Đức, định cư tại Hoa Kỳ) tâm sự, kiều bào cảm thấy rất ấm áp trước sự đón tiếp nồng hậu của Quảng Nam khi trở về quê nhà. Chương trình văn nghệ giao lưu hay ẩm thực đã kéo họ về với ký ức…
Theo ông Võ Xuân Ca - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nhiều năm qua, kiều bào đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, tiếp tục có những thành công trên nhiều lĩnh vực và luôn gắn bó với quê hương, đất nước. Kiều bào đã thể hiện mạnh mẽ lòng yêu nước, kề vai sát cánh cùng đồng bào trong nước đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Người Việt ở nước ngoài là bộ phận không tách rời; tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau của họ đã trở thành cầu nối xây dựng hợp tác và phát triển. Sự phát triển của Quảng Nam có phần đóng góp không nhỏ từ nguồn lực của kiều bào thông qua các chương trình viện trợ, đầu tư. Cuộc gặp gỡ này không chỉ kết nối tình thân giữa người Quảng Nam ở quê nhà với kiều bào khắp nơi mà còn là kênh lắng nghe, mong ước kiều bào có cuộc sống ổn định ở các nước sở tại.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng Quảng Nam đã kiên trì định hướng, phát triển thành công công nghiệp - dịch vụ - thương mại - nông nghiệp. Tuy nhiên các huyện miền núi còn khá nhiều hộ nghèo. Quảng Nam đang phấn đấu nhiều hơn nữa để cải thiện cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, nhân lực và đưa ra các chương trình phát triển với động lực mới. Thông qua sự kết nối của kiều bào, Quảng Nam đã nhận rất nhiều dự án phát triển và đầu tư. Chính quyền Quảng Nam sẽ có nhiều hoạt động cụ thể để tăng cường, phát triển hơn nữa mối quan hệ với kiều bào đang sinh sống trên toàn thế giới. Người Quảng ở nước ngoài chính là một trong những nguồn lực của cộng đồng người Quảng và cộng đồng dân tộc Việt Nam, thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị với nhân dân các nước.
Nguồn lực kiều bào
Hầu hết kiều bào đến dự cuộc gặp gỡ này đều cảm nhận về sự quan tâm của Nhà nước với những người Việt xa xứ. Những thông điệp của Chính phủ thể hiện sự trân trọng vai trò kiều bào trong công cuộc đại đoàn kết và xây dựng đất nước đã được tiếp nhận rộng rãi trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Họ đã nhìn thấy nghĩa đồng bào khi trở lại quê hương, thấy cơ hội làm ăn, sẵn sàng và nuôi ý định đầu tư ngay chính quê nhà.
Chương trình văn nghệ, ẩm thực tại cuộc gặp gỡ với kiều bào. |
Theo thống kê của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, hiện có hơn 10.000 người Quảng Nam sinh sống và làm việc tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Không ít kiều bào đã giữ vai trò trọng yếu, trở thành những nhà trí thức, khoa học, chuyên gia hàng đầu trên nhiều lĩnh vực quan trọng đã trở thành “gia tài tiềm lực” của Quảng Nam, mong muốn đóng góp vào sự phát triển của tỉnh. Không có một con số chính thức lượng kiều hối về Quảng Nam mỗi năm là bao nhiêu nhưng qua thống kê trên cả nước, nếu như năm 1991, chỉ có chừng 35 triệu USD kiều hối chuyển về thì năm 2015 đã tăng lên 12,25 tỷ USD. Tốc độ tăng trung bình hằng năm là hơn 38%. Khoản kiều hối này tương đương với nguồn ODA các nước giàu cho vay và viện trợ cho Việt Nam hằng năm, gần bằng số tiền do các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Có thể nói kiều hối chính là một trong những nguồn tài chính có thể giúp nền kinh tế phát triển thông qua các kênh kinh tế dân doanh của mỗi hộ gia đình, có thể góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế Quảng Nam.
Tại cuộc hội ngộ này, nhiều kiều bào tâm sự rằng thế hệ thứ hai, thứ ba của cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng nhạt nhòa tình cảm với quê hương cũng như thân nhân trong nước. Vì vậy, để cho các thế hệ người Việt ở nước ngoài “xa mặt nhưng không cách lòng” và gắn bó với quê nhà thì nên tạo dựng bền vững niềm tự hào dân tộc và lòng tin vào tương lai của đất nước. Ông Bùi Kiến Quốc, một kiều bào Pháp đã về sống và làm việc ở Hội An nhiều năm cho rằng kiều bào về nước đầu tiên chỉ là nhớ nhà, sau đó là tìm kiếm cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, để trở thành gốc rễ bền chặt thì tạo dựng được niềm tự hào dân tộc mới là điều quan trọng. Ông vốn là kiến trúc sư, viện sĩ viện hàn lâm kiến trúc Pháp nhưng bao giờ cũng tự hào mình là người nhà quê Quảng Nam, một người Việt Nam có hộ chiếu Pháp. Vấn đề quan tâm của kiều bào chính là sự bảo tồn di sản Việt Nam (kể cả các lũy tre), đừng để biến mất trong đau xót. Nếu văn hóa được giữ gìn thì không khó để kiều bào đầu tư vốn, kiến thức, khoa học công nghệ… lan tỏa, đưa tinh thần dân tộc phát triển!
TRỊNH DŨNG