Những ngày tháng Tư, hai đoàn cán bộ, y bác sĩ của Quân khu 5 đã tổ chức khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho người dân nghèo trên địa bàn 4 huyện của 2 tỉnh đông bắc Campuchia. Việc làm này góp phần vun đắp tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân và quân đội hai nước.
Đoàn công tác Quân khu 5 tặng quà cho người dân nghèo khu vực đông bắc Campuchia. Ảnh: ĐỖ KIẾM |
Trên đất nước Chùa Tháp, Đoàn cán bộ Quân khu 5, y - bác sĩ Bệnh viện Quân y 13 và Bệnh viện Quân y 17 cùng đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông đã vượt chặng đường hàng trăm cây số, cắt rừng, băng suối để đến tận các phum (làng) xa xôi, cách trở, nghèo khó nhất thuộc các xã biên giới giáp Việt Nam, gồm Noọng-khi-lâk (huyện Cô-nhéc), Bu-sờ-ra (Béc-chan-đa), Nhang (Ôn-đông-mia), Bọ-nhay (Ô-gia-đao). Đây là các địa phương thuộc 2 tỉnh Môn-đôn-ki-ri và Rat-ta-na-ki-ri. Đợt này, Đoàn công tác tổ chức tặng 500 suất quà (250 nghìn đồng/suất, gồm gạo, dầu ăn, nước mắm, muối, mì chính) cho các hộ nghèo, thiếu đói).
Biết tin bộ đội Việt Nam đến khám bệnh, cấp thuốc, hàng nghìn người dân tại làng Chai, xã Nhang, huyện Ôn-đông-mia (tỉnh Rát-ta-na-ki-ri) và làng Co-ma-dơn-croom của xã Noọng-khi-lâk huyện Cô-nhéc (tỉnh Môn-đôn-ki-ri) - những địa phương xa nhất, khó khăn nhất - cũng đã tìm đến để được giúp đỡ. Đời sống kinh tế khó khăn, mùa màng thất bát, hạn hán triền miên khiến cuộc sống của người dân nơi đây càng khó khăn hơn. Người dân vùng này thường mắc các bệnh về tiêu hóa, hô hấp, đỏ mắt, da liễu... nhưng lâu nay điều kiện khám chữa bệnh của các cơ sở y tế địa phương quá hạn chế. Khi nghe tin có đoàn y - bác sĩ Việt Nam sang khám bệnh, cấp thuốc, bà con vui mừng đến điểm đoàn tập kết. Và đoàn đã khám, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 4 nghìn lượt người dân với hàng chục cơ số thuốc, trị giá hơn 600 triệu đồng. Những việc làm của bộ đội Quân khu 5 nhằm cứu đói, cứu đau cho dân nghèo trong thời điểm các địa phương nước bạn đang phải đối mặt với cơn đại hạn hán dữ dội nhất từ trước đến nay có ý nghĩa thiết thực và thắm đượm nghĩa tình, để lại những ấn tượng sâu sắc.
Trung tá, bác sĩ Đồng Thị Huệ (Bệnh viện Quân y 13) cùng 20 đồng nghiệp tranh thủ khám bệnh cả giờ nghỉ cho nhân dân địa phương. Chị cho biết: “Thời gian ngắn, ngôn ngữ bất đồng, thời tiết nắng nóng, điều kiện khám bệnh hạn chế, song cán bộ nhân viên quân y đã dốc sức để khám được nhiều người, cấp thuốc đúng bệnh và hướng dẫn điều trị chu đáo”. Bà Hơn Lên ở phum Co-ma-lơn-croom xã Noọng-khi-lắk vừa nhận quà và khám bệnh xong, phấn khởi cầm tay các bác sĩ Bệnh viện Quân y 13 nói: “Hơn 30 năm rồi bà con trong phum mới được đón bộ đội Việt Nam trở lại. Trước đây bộ đội Việt Nam sang giúp Campuchia thoát họa diệt chủng, xây dựng cuộc sống mới. Nay bộ đội lại về với phum làng xa xôi hẻo lánh này. Bộ đội cho lương thực, thực phẩm rất quý, rất cần vì đang vào mùa giáp hạt. Bộ đội lại tận tình khám bệnh, cho cái thuốc điều trị. Dân trong phum mình biết ơn Bộ đội Cụ Hồ Việt Nam lắm!”.
Khám bệnh cho người dân. |
Ông Nop Bươn - Phó Chủ tịch huyện Cô-nhéc khẳng định: “Năm tháng qua, các địa phương trong huyện phải đối mặt với hạn nặng, ruộng đồng nứt nẻ, mất mùa, đời sống bà con vô cùng khó khăn, bệnh tật lại phát sinh. Nay có bộ đội Quân khu 5 về cứu đói cứu đau, chính quyền và nhân dân trong xã, trong huyện Cô-nhéc rất vui mừng. Đây cũng là một minh chứng cho tình đoàn kết giữa nhân dân, quân đội hai nước luôn được giữ gìn, củng cố và phát triển”.
Theo Thiếu tướng Đoàn Kiểu - Phó Tư lệnh, Trưởng đoàn công tác của Quân khu 5 triển khai công tác xã hội ở khu vực tỉnh Môn-đôn-ki-ri, cán bộ, y bác sĩ trong đoàn đã làm việc hết sức mình để có thể khám được cho nhiều bệnh nhân. Công tác chuẩn bị, tiền trạm và bảo đảm cho chuyến đi được triển khai chặt chẽ, chu đáo với sự phối hợp của các cơ quan chức năng ở nước bạn. Việc tổ chức thăm, tặng quà, khám bệnh của Đoàn công tác Quân khu 5 có ý nghĩa thiết thực, góp phần tích cực vào việc vun đắp tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa nhân dân và quân đội hai nước nói chung, trên địa bàn các xã và các huyện có chung đường biên giới với các địa phương 4 tỉnh Tây Nguyên nói riêng.
ĐỖ KIẾM