Chuyện của những người lính trở về từ chiến trường, không chỉ có ký ức của ngày hôm qua.
Tôi may mắn được gặp họ, những cựu binh vẫn miệt mài với hành trình đi tìm đồng đội. Họ đã bao lần trở lại chiến trường xưa, có khi là những đỉnh núi mây giăng trắng quê nhà, có khi là hàng ngàn cây số ngược vào phương Nam, đưa các liệt sĩ trở về với quê hương xứ sở...
Hành trình không dừng lại
Bao năm rồi, mái đầu đã bạc, nhưng Đại tá Nguyễn Quang Ngọc - nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Tây Giang, người từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia vẫn đều đặn với những chuyến đi.
Ông miệt mài hành phương Nam, lặn lội đến những nghĩa trang xa nhất của Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Gia Lai... Có một ước nguyện vẫn luôn tha thiết trong ông: đưa những đồng đội ở chiến trường Campuchia trở về.
Tháng 7/2022, Đại tá Ngọc lặng lẽ dùng xe cá nhân của mình, đưa thân nhân của 2 liệt sĩ Bùi Tấn Tuất quê Thăng Bình và Võ Năm quê Duy Xuyên vào Nam, tìm lại mộ và đưa các anh về quê nhà.
Trước đó, năm 2021, cũng mình ông với chuyến đi ngược lên Tây Nguyên, sau hành trình dài tìm kiếm, xác minh. Có lẽ, chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu gian nan từ chuyện lập hồ sơ, xác minh nhân thân, điều chỉnh những sai lệch thông tin để đưa được hài cốt một liệt sĩ trở về.
Không phải chuyến đi nào cũng thuận lợi. Năm 2019, ông Ngọc nhận được điện thoại từ người thân liệt sĩ Nguyễn Đức Toán (quê Điện An, Điện Bàn), nguyên là lính Sư đoàn 307 hy sinh tại chiến trường Tây Nam. Gia đình đã lặn lội tìm kiếm nhiều năm nhưng bất thành, họ tìm đến ông với niềm hy vọng sau cùng.
Mang theo tờ giấy báo tử của liệt sĩ, ông Ngọc khoác ba lô ngược lên Tây Nguyên, đến từng nghĩa trang liệt sĩ, rà lại trong từng dòng danh sách. Ngày cuối cùng của chuyến đi tại nghĩa trang liệt sĩ Iagrai (tỉnh Gia Lai), ông Ngọc tìm thấy ngôi mộ với dòng chữ Nguyễn Đức Toan, năm sinh, năm nhập ngũ, đơn vị, ngày hy sinh trùng khớp, nhưng quê quán lại là ở Thanh Chương, Nghệ An.
Với linh cảm và kinh nghiệm của người lính từng nhiều năm ở chiến trường, ông Ngọc đoan chắc đó là mộ của liệt sĩ Nguyễn Đức Toán. Ông lại chở thân nhân liệt sĩ ngược lên Sư đoàn 307 (Quảng Ngãi) để xác nhận, sau đó ra tận Nghệ An, để có thêm một xác nhận nữa về việc Nghệ An không có liệt sĩ Nguyễn Đức Toan là lính của Sư đoàn 307. Nhờ những thông tin bổ sung đó, liệt sĩ Nguyễn Đức Toán được “trả lại tên”, hài cốt liệt sĩ được đưa về quê nhà.
“Đó là nghĩa tình, là trách nhiệm của chúng tôi, những người may mắn được sống, được trở về. Kinh nghiệm, linh cảm của một người lính, một người nhiều năm tìm kiếm mộ liệt sĩ đã giúp tôi tìm được nhiều đồng đội” - ông Ngọc nói.
Mãi tri ân đồng đội
Suốt những năm tháng hòa bình sau này, ông Mai Xuân Hương (nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Quế Sơn) nhiều lần trở lại Cấm Dơi - nơi ông từng là du kích xã Sơn Lãnh, thông thạo địa hình, nhớ kỹ từng trận đánh. Nhiều cựu chiến binh của Trung đoàn 31 (Sư đoàn 771) liên lạc, nhờ ông tìm hài cốt của đồng đội mình còn nằm lại.
Ông Hương kể, năm 1980, ông nhận được lá thư của thân nhân liệt sĩ Nguyễn Văn Bàng, hy sinh ở đồi Đá Trú (Quế Long). Ông nhanh chóng hồi âm cho gia đình, nhưng mãi đến năm 2013, người cháu của liệt sĩ mới trở lại Quế Sơn, mang theo lá thư của ông Hương từ năm đó.
Ông đích thân dẫn đường, và từ thông tin của ông, gia đình đã đưa được hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Bàng trở về quê nhà. Một lần khác, ông cùng các đồng đội tìm được mộ liệt sĩ, người giữ khẩu 12 ly 7 ở Hòn Chiêng hy sinh trong một căn hầm. Rất nhiều hài cốt liệt sĩ đã được tìm lại, từ những chuyến đi của người du kích Sơn Lãnh một thời...
Trên mảnh đất quê nhà, vẫn còn nhiều cựu binh bằng nghĩa tình, trách nhiệm, vẫn miệt mài với bao chuyến đi, để đưa các liệt sĩ trở về.