Nhiều năm nay, Ban liên lạc bộ đội Trường Sa Đà Nẵng giai đoạn 1984 - 1988 (gọi tắt là ban liên lạc) vẫn luôn miệt mài tìm kiếm và giúp đỡ các cựu binh hoặc thân nhân các liệt sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ tại huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa).
Ban liên lạc cùng thân nhân và những cựu binh Gạc Ma trong chuyến dự khánh thành Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma. Ảnh: LAM PHƯƠNG |
Thôi thúc từ trái tim
Trưởng ban liên lạc Nguyễn Văn Tấn cho biết, việc thành lập ban liên lạc nhằm kết nối các cựu binh Trường Sa với nhau. Ban đầu, khi hoàn thành nghĩa vụ từ Trường Sa trở về, những cựu binh kết nối với nhau trong Hội đồng hương Đà Nẵng - Hội An và lấy ngày 22.12 làm ngày gặp mặt hàng năm. Đến năm 2012, khi tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng do Trung Quốc gia tăng các hành động gây hấn, ông Tấn bàn với một số đồng đội về việc thành lập ban liên lạc, đồng thời xin ý kiến chính quyền và được đồng ý. “Lúc đó chúng tôi có một chút băn khoăn là bộ đội Trường Sa quá nhiều nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn kết nối. Mà ý nguyện của chúng tôi là cần kết nối những cựu binh ở trận Gạc Ma nên mới có tên là Ban liên lạc bộ đội Trường Sa Đà Nẵng giai đoạn 1984 - 1988” - ông Tấn cho biết. Nhiệm vụ của ban liên lạc là kết nối lại những cựu binh còn sống sau trận Gạc Ma (3.1988) cũng như những người từng đi làm nhiệm vụ ở Trường Sa giai đoạn 1984 - 1988. Thông qua việc kết nối này, ban liên lạc kêu gọi sự ủng hộ để giúp đỡ các cựu binh Gạc Ma vượt qua những khó khăn; thăm hỏi, động viên, giúp đỡ thân nhân những liệt sĩ Gạc Ma. “Chúng tôi nghĩ đó là việc nên làm, vì anh em, đồng đội của mình đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo” - ông Trần Văn Xuất, Phó ban liên lạc tâm sự.
Trở lại câu chuyện về việc thành lập ban liên lạc, ông Tấn cho rằng, điều đó đã thôi thúc từ rất lâu trong trái tim ông. Bởi khi xảy ra trận Gạc Ma vào 3.1988, ông và khoảng 30 đồng đội đang bám đảo Tốc Tan, cách đảo Gạc Ma hơn 30km. “Nhưng cái hôm từ đất liền ra, chúng tôi cũng xuất phát cùng 72 anh em trên tàu HQ604. Theo phân công của cấp trên, 72 anh em làm nhiệm vụ ở Gạc Ma, còn chúng tôi đi tàu khác đến làm nhiệm vụ ở đảo Tốc Tan. Trưa 14.3.1988, qua chiếc radio (thời điểm đó mỗi đảo được phát một chiếc radio để theo dõi tin tức - PV), chúng tôi nghe thông tin đảo Gạc Ma vừa bị Trung Quốc đánh chiếm và 72 chiến sĩ đã hy sinh. Đến bản tin tiếp theo, đài thông báo lại là có 64 chiến sĩ hy sinh, còn số còn lại đang bị Trung Quốc bắt giữ” - ông Tấn nhớ lại. Vì thế, ông Tấn và những người còn sống luôn đau đáu với suy nghĩ “làm những điều gì đấy cho đồng đội” nên đã thành lập ban liên lạc.
Nặng tình đồng đội
Từ khi được thành lập vào năm 2012, Ban liên lạc bộ đội Trường Sa Đà Nẵng giai đoạn 1984 - 1988 đã có nhiều hoạt động nhằm chia sẻ những khó khăn của đồng đội, gia đình đồng đội. Nhưng quan trọng nhất, là tổ chức những đêm tri ân 64 chiến sĩ Gạc Ma đã anh dũng hy sinh ngày 14.3.1988 hằng năm. “Đó là ngày mà chúng tôi vô cùng xúc động, khi anh em nhiều nơi ở mọi miền Tổ quốc tề tựu đông đủ. Sáu mươi bốn ngọn nến, 64 hoa đăng, như gửi lời thăm hỏi của chúng tôi đến với 64 đồng đội đã hy sinh. Và qua đó, chúng tôi muốn nhắn nhủ rằng, đất nước không quên các bạn, đồng đội không quên các bạn và sẽ luôn tìm đến, động viên hay ở bên gia đình các bạn những lúc khó khăn” - ông Tấn xúc động.
Câu chuyện cảm động nhất của những cựu binh Trường Sa có lẽ là làm thỏa nguyện ước muốn gặp lại tất cả đồng đội còn sống sau trận Gạc Ma của cựu binh Dương Văn Dũng (ở quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng). Người cựu binh này biết mình sẽ không vượt qua căn bệnh ung thư. Ông là một trong 9 chiến sĩ của ta bị Trung Quốc bắt giam gần 4 năm sau trận chiến Gạc Ma. Trở về, người cựu binh này phải làm lụng vất vả để nuôi vợ con. Tháng 7.2015, ông Dũng được bác sĩ chẩn đoán ung thư da đầu và đã di căn lên não. Ông muốn được gặp mặt tất cả đồng đội còn sống sau trận Gạc Ma lần cuối. Khi biết ý nguyện đó, ban liên lạc kêu gọi sự giúp đỡ của anh em báo chí Đà Nẵng và một cuộc hội ngộ đầy nước mắt của những cựu binh Gạc Ma tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng vào ngày 19.11.2016.
“Từ chiến tranh trở về, anh em mỗi người mỗi nơi, vất vả lo toan với cuộc sống thường ngày, gặp nhau như thế, giúp đỡ nhau như thế thật là quý” - ông Tấn chia sẻ. Mới đây, ban liên lạc cũng có thêm hành động nặng nghĩa tình đồng đội nữa, là kêu gọi hỗ trợ để đưa thân nhân các liệt sĩ Gạc Ma ở Đà Nẵng và các cựu binh Gạc Ma vào khánh thành Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma ở Cam Ranh (Khánh Hòa). Ban liên lạc đã động viên thân nhân các liệt sĩ hiến tặng hiện vật cho bảo tàng để nhiều người hiểu thêm về sự hy sinh của 64 chiến sĩ Gạc Ma.
XUÂN THỌ