Phát huy tinh thần đoàn kết, những năm qua 6 xã ven hai bờ sông Thu Bồn thuộc huyện Duy Xuyên (gồm Duy Thu, Duy Tân, Duy Hòa) và huyện Đại Lộc (gồm Đại Cường, Đại Thắng, Đại Thạnh) đã đoàn kết, hỗ trợ nhau trong nhiều lĩnh vực, góp phần xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.
Chia ngọt sẻ bùi
Trong kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Đại Lộc và Đảng bộ huyện Duy Xuyên, cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang các xã ven sông Thu Bồn luôn kề vai sát cánh, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, bám trụ kiên cường, tương trợ lẫn nhau trong đấu tranh chính trị, binh vận, che giấu, dẫn đường cho cán bộ, du kích.
Ông Lương Công Tắc (xã Đại Thắng) nói: “Hồi kháng chiến chống Mỹ, tôi hoạt động cách mạng ở các xã vùng Tây Duy Xuyên và Đại Lộc. Du kích địa phương được nhân dân trong vùng đùm bọc, cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men, hỗ trợ vận chuyển đạn dược phục vụ kháng chiến. Tình nghĩa ấy mãi không quên!”.
Hằng năm, 6 xã ven sông Thu Bồn tổ chức họp mặt nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, sự hy sinh to lớn của cán bộ, nhân dân nói chung và 6 xã ven sông nói riêng. Cạnh đó, trao đổi thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, những định hướng lớn trong tương lai. Đồng thời thăm hỏi, tặng quà cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, đến nay 6 xã ven sông Thu Bồn chung tay hỗ trợ xây dựng 6 nhà tình nghĩa tặng 6 gia đình có công cách mạng.
Do nằm ven sông Thu Bồn nên các xã nêu trên trở thành đầu cầu trọng yếu trên tuyến hành lang vận tải của cả chiến trường Quảng Đà. Đạn dược, vũ khí từ đường mòn Hồ Chí Minh chuyển xuống các huyện đồng bằng Bắc Quảng Nam phần lớn đi qua vùng đất này. Thương binh từ chiến trường Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn cũng như gạo thóc do dân ủng hộ và mua từ vùng địch kiểm soát đều đi qua dòng sông Thu Bồn để lên chiến khu.
Ông Lê Yến (ở xã Duy Tân) chia sẻ: “Những năm chiến tranh, quãng sông Thu Bồn nhiều khi là đoạn sông sinh tử đối với cán bộ, du kích và người dân trong lúc chuyển thương binh.
Từ Vinh Cường, Duy Tân, chúng tôi chuyển thương qua Giảng Hòa, Phú Long, nhiều khi phải lên tới Xuân Nam của xã Đại Thắng để địa phương này tiếp tục chuyển cho Bệnh xá Y 10 của Tỉnh đội Quảng Đà. Bom tọa độ, pháo, trực thăng tuần tiễu, quân bộ phục kích… đã khiến không ít thương binh và người tải thương nằm lại trên dòng sông này. Dẫu vậy, chúng tôi luôn xác định còn sống là còn phục vụ cách mạng”.
Theo ông Lê Đắc Hà - Bí thư Đảng ủy xã Duy Hòa, vùng đất 6 xã ven sông Thu Bồn là nơi diễn ra nhiều trận đánh lớn trong chống Mỹ. Tiêu biểu là trận đánh đồn Duy Hòa, Phú Đa, Thạnh Xuyên, Xe Nước, Đá Núc, cùng nhiều chiến thắng vang dội khác đã làm cho quân thù khiếp vía.
Với sự đồng lòng, chung sức, quân dân 6 xã đã phối hợp chiến đấu, đánh tan chốt điểm của địch tại các làng, xã và cùng với bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực giải phóng quận lỵ Ái Nghĩa và quận lỵ Đức Dục. Qua đó, góp phần cùng cả nước làm nên cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Dựng xây quê hương
Những năm qua, phát huy lợi thế vốn có, bên cạnh xây dựng hàng loạt mô hình kinh tế vườn, trang trại, gia trại mang lại giá trị kinh tế cao, người dân 6 xã cũng chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, con vật nuôi. Đặc biệt, đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm.
Đơn cử, mỗi năm Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thắng liên kết với Công ty TNHH ThaiBinh Seed - Miền Trung & Tây Nguyên sản xuất 130 - 150ha giống lúa hàng hóa, giúp thu nhập của nông dân tăng thêm 850 triệu đồng so với canh tác lúa thương phẩm.
Cùng với đó, hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có bước đột phá và chiếm tỷ trọng cao. Trong đó, Duy Hòa được xem là điểm nhấn khi mức tăng trưởng bình quân hằng năm của ngành này đạt 17,7%, tổng giá trị sản xuất 5 năm qua đạt hơn 2.402 tỷ đồng, chiếm 58% trong cơ cấu kinh tế. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ của hầu hết 6 xã đều phát triển mạnh nhờ thực hiện tốt công tác đầu tư, kết hợp với các hoạt động bán lẻ dọc những trục đường chính...
Nhờ kinh tế có bước chuyển biến tích cực nên đến nay thu nhập bình quân đầu người ở mỗi xã ven sông Thu Bồn đạt hơn 45 triệu đồng/năm, tăng 23 triệu đồng so với thời điểm năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2% (theo chuẩn đa chiều), giảm hơn 9% so với cách đây 10 năm.
Đáng ghi nhận, cơ sở hạ tầng của 6 xã trên được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt, mới đây, UBND tỉnh khởi công dự án đường nối quốc lộ 14H đến tuyến ĐT609C với tổng mức đầu tư 340 tỷ đồng.
Dự án không chỉ đơn thuần là một công trình về hạ tầng giao thông, mà sâu xa hơn, sự hiện hữu của cây cầu và đường dẫn sẽ là biểu tượng kết nối xuyên suốt quá khứ, hiện tại và tương lai của một vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Đại Lộc - Duy Xuyên nói chung, 6 xã ven sông Thu Bồn nói riêng, đáp ứng niềm mong đợi của nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Minh Nam - Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh cho biết, hòa cùng phong trào xây dựng nông thôn mới, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ở mỗi khu dân cư tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công lao động xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhờ vậy, đến nay hệ thống điện - đường - trường - trạm rất khang trang. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Trong khi đó, ông Hồ Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND xã Duy Tân cho hay, với đặc thù gắn bó với dòng sông Thu, cuộc sống người dân vùng này có những nét sinh hoạt đậm chất văn hóa sông nước, trong đó lễ hội Bà Thu Bồn và lễ hội Bà Phường Chào là những lễ hội nổi tiếng của xứ Quảng, đã được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Phát huy lợi thế này, các địa phương thúc đẩy phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa tín ngưỡng.