Hàng nghìn chuyến đi lên vùng cao, là chừng ấy nghĩa tình được mang theo, cả về vật chất lẫn tinh thần. Từ Chỉ thị 23-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, người vùng cao xứ Quảng đã và đang tiếp tục đón nhận sự hỗ trợ từ các sở, ban ngành và các địa phương trong tỉnh. Vì thế, nhiều người nói, nghĩa tình anh em hai miền xuôi - ngược ngày càng thêm nối dài.
Sẻ chia tấm lòng
Bí thư Đảng ủy xã Trà Vân (Nam Trà My) - Hồ Văn Tình nhắc đi nhắc lại câu chuyện gắn kết giữa đồng bào địa phương với đơn vị kết nghĩa Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam trong ngày khánh thành, bàn giao công trình đường bê tông nông thôn mới về nóc Ông Ruộng (thôn 2) cách đây vài tháng trước.
Năm 2017, cũng từ nguồn hỗ trợ của chính quyền địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, một tuyến đường khác dài gần cây số đi vào khu dân cư Măng Lin (thôn 1) được đầu tư xây dựng, đảm bảo nhu cầu đi lại của đồng bào địa phương.
Là một trong số địa bàn xa xôi nhất của huyện Nam Trà My, nhiều năm qua, hệ thống mạng lưới giao thông nông thôn ở Trà Vân luôn cách trở, khiến việc giao thương, đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, do địa hình đồi núi phức tạp, nguồn lực kinh tế của địa phương hạn chế, nên việc đầu tư mạng lưới giao thông chỉ tập trung đảm bảo tuyến đường chính vào trung tâm xã. Còn toàn bộ các tuyến giao thông nông thôn đều phải huy động nguồn lực xã hội hóa, hoặc lồng ghép từ các chương trình mục tiêu nông thôn mới.
“Không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại được thuận lợi hơn, chính những con đường như thế này được đầu tư sẽ tạo động lực để đồng bào địa phương phát triển kinh tế, mở rộng các hoạt động giao thương, buôn bán ra bên ngoài” - ông Tình chia sẻ.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Trà My - ông Trần Văn Quang cho hay, sau hơn 10 năm thực hiện công tác kết nghĩa với xã Trà Vân, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện rất nhiều chương trình tình nguyện, trao quà hỗ trợ cho đồng bào địa phương. Ngoài phối hợp thực hiện 2 công trình đường dân sinh đi vào khu tái định cư, thời gian gần đây, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh còn tổ chức trao bò giống cho các hộ khó khăn, giúp đồng bào có thêm điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
“Trước đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng đã xây dựng công trình nhà tình nghĩa để trao cho một hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Trà Vân, góp sức cùng chính quyền địa phương trong việc ổn định nhà ở cho đồng bào miền núi” - ông Quang cho biết.
Động lực để miền núi phát triển
Dấu ấn sau thời gian triển khai công tác kết nghĩa giữa các địa phương, đơn vị đồng bằng với các xã miền núi đặc biệt khó khăn theo Chỉ thị 23-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là hàng nghìn công trình dự án dân sinh ý nghĩa được hình thành và đầu tư, tạo động lực để đồng bào phát triển. Trong đó, có rất nhiều dự án, mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, mở hướng chuyển giao khoa học công nghệ cho miền núi được triển khai, giúp đồng bào có thêm điều kiện tiếp cận và áp dụng công nghệ vào cuộc sống.
Như mô hình trồng xen canh cây dược liệu đảng sâm trên đất rẫy cho đồng bào Cơ Tu ở xã Ch’Ơm (Tây Giang) của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, sau gần 5 năm triển khai, đã cho năng suất cây trồng ngày càng nâng cao, góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Theo ông Bríu Hồ - Chủ tịch UBND xã Ch’Ơm, thông qua phương pháp hỗ trợ trồng xen canh giữa cây bắp nếp lai với đảng sâm, mô hình giúp đồng bào làm quen với phương thức sản xuất mới từ cây dược liệu sẵn có, mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích đất nà, đất rừng bỏ hoang, đất nương rẫy cũ hoặc đất rẫy mới sang trồng xen canh cây dược liệu. Từ đó, vừa giúp nâng cao thu nhập trên diện tích đất trồng, vừa góp phần đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, mở hướng thoát nghèo bền vững.
“Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn giúp chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ triển khai mô hình vườn ươm cây giống đảng sâm tại chỗ, vừa giúp chủ động nguồn giống cây đảng sâm đạt chất lượng, vừa góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân miền núi” - ông Hồ nói.
Sau nhiều năm triển khai thực hiện công tác kết nghĩa theo Chỉ thị 23-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong số nhiều địa phương, đơn vị làm tốt, đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội cho miền núi, đâu đó vẫn còn tình trạng thực hiện với nhiều phương thức chưa phù hợp nhu cầu phát triển, cũng như đời sống thực tiễn của đồng bào. Vì thế, nhiều địa phương miền núi mong muốn, thời gian đến, cùng với thay đổi phương thức hỗ trợ thông thường theo hình thức trao quà, các địa phương, đơn vị kết nghĩa cần chú trọng đến việc chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ lồng ghép phát triển sinh kế bền vững, đảm bảo với nhu cầu thực tế trong đời sống hiện nay của đồng bào vùng cao. Việc hỗ trợ cũng cần bám sát theo các mục tiêu cụ thể của tinh thần Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về phát triển miền núi.