Mừng Đảng, đón xuân Nhâm Dần, Thành đoàn Tam Kỳ phối hợp tổ chức khánh thành các bia tưởng niệm phong trào thanh niên - học sinh - sinh viên giải phóng Quảng Nam.
Theo dấu lịch sử
Năm 1963 phong trào cách mạng miền Nam lớn mạnh nhanh chóng. Chủ trương của Đảng là khẩn trương củng cố, phát triển các tổ chức thật vững mạnh ở từng địa bàn, đủ khả năng tiếp quản thành phố, thị xã khi có thời cơ.
Với yêu cầu đó, Hội Liên hiệp thanh niên - học sinh - sinh viên giải phóng được thành lập ở hầu khắp các tỉnh thuộc khu vực Trung Trung Bộ, nhất là tại Đà Nẵng và Huế.
Tại Tam Kỳ từ cuối năm 1963, tổ chức này được bắt đầu gầy dựng. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn (tức Sơn Hải) hoạt động ở Đà Nẵng nhưng bị địch phát hiện vây bắt, được tổ chức điều vào Tam Kỳ và bố trí ở tại nhà bà Nguyễn Thị Giáo (xã Tam Ngọc).
Đây là cơ sở hoạt động cách mạng vững chắc, che chở nuôi giấu cán bộ chiến sĩ và tổ chức Hội Liên hiệp thanh niên - học sinh - sinh viên giải phóng Quảng Nam hoạt động an toàn và tuyệt mật.
Tại đây, hội bắt nối một số thanh niên tiến bộ để hình thành tổ chức tại Trường THPT Trần Cao Vân và Trường nữ Trung học Quảng Tín. Nhiệm vụ chính của tổ chức này là tuyên truyền, viết thư và thêu khăn tặng chiến sĩ; phát triển cơ sở, làm báo; nắm tình hình phục vụ các trận đánh, rải truyền đơn kêu gọi sĩ quan, binh sĩ bỏ hàng về với gia đình, người thân.
Ông Nguyễn Nhung - nguyên Phó Tổng Thư ký Ban chấp hành Hội Liên hiệp thanh niên - học sinh - sinh viên giải phóng tỉnh Quảng Nam tại Tam Kỳ, hiện ở tại thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) cho biết, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam hiện nay trước đây là Trường nữ Trung học Quảng Tín. Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, trước năm 1975 là Trường THPT Trần Cao Vân.
Hội ra đời vào năm 1963 thì 2 năm sau, ngày 6.6.1965, Chi đoàn thanh niên hội được thành lập với 10 đoàn viên.
Ngày 28.8.1965 Hội Liên hiệp thanh niên - học sinh - sinh viên giải phóng tỉnh Quảng Nam tại Tam Kỳ vinh dự được Thị ủy Tam Kỳ kết nạp 4 đoàn viên ưu tú vào Đảng và thành lập Chi bộ Đảng “dự bị” do đồng chí Nguyễn Văn Sơn làm Bí thư.
Ngày 28.10.1965 tổ chức bị lộ, thầy giáo Nguyễn Lương Ý địch bị bắt thủ tiêu và giam giữ 3 thanh niên cùng 6 học sinh khác. Tuy bị địch dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man nhưng tất cả đều giữ trọn khí tiết cách mạng, phong trào tiếp tục phát triển cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tiếp nối truyền thống
Ông Võ Thanh Cung - Bí thư Thành Đoàn Tam Kỳ cho biết, để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau, năm 2010 Ban liên lạc Hội Liên hiệp thanh niên - học sinh - sinh viên giải phóng tỉnh Quảng Nam tại Tam Kỳ phối hợp với Thành đoàn đã xây dựng hai tấm bia tưởng niệm tại cổng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản và Trường THPT Trần Cao Vân (nay là Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam).
Sau thời gian, các tấm bia này đã bị xuống cấp, thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy Tam Kỳ, Thành đoàn vận động Chi đoàn Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam và Đoàn cơ sở Bưu điện Quảng Nam cùng đoàn viên, thanh niên thành phố đóng góp xây dựng mới hai tấm bia và hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng (3.2.1930 - 3.2.2022) với tổng kinh phí hơn 20 triệu đồng.
Ngoài hai tấm bia đã được xây dựng tại hai ngôi trường gắn liền với phong trào thanh niên - học sinh - sinh viên giải phóng, tại nhà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Giáo cũng đã được Thành ủy và Thành Đoàn Tam Kỳ tạo điều kiện để Ban liên lạc Hội Liên hiệp thanh niên - học sinh - sinh viên giải phóng Quảng Nam tại Tam Kỳ xây dựng bia tưởng niệm. Đây là những địa chỉ đỏ nhằm giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước cho các thế hệ mai sau.