Dẫu giàu hay nghèo, dẫu là doanh nghiệp thành đạt hay làm công nhân vẫn còn chật vật với từng bữa cơm, cộng đồng người Quảng tại TP.Hồ Chí Minh vẫn luôn hướng về quê nhà bằng tấm lòng nặng nghĩa tình của người con xa xứ...
“Cho tui gửi chút tấm lòng!”
Những ngày trước khi khởi hành, Văn phòng đại diện Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại TP.Hồ Chí Minh liên tục nhận được điện thoại hỏi han của bà con, doanh nghiệp gốc Quảng đang sinh sống ở phía Nam. Người thì gửi thùng thuốc, người góp chút ít gọi là tấm lòng để chia sẻ với bà con quê nhà. Buổi chiều trước khi lên đường, trong khi các thành viên đoàn đang tập trung sắp xếp lại hàng hóa, thuốc men, anh Nguyễn Văn Hạnh - Ủy viên Ban Chấp hành Hội đồng hương Đà Nẵng tại TP.Hồ Chí Minh còn khệ nệ mang về một thùng thuốc siro ho và viên ngậm của Nhật Bản. Anh khoe: “Đây là của một đồng hương xin giấu tên, muốn gửi chút lòng thành về để san sẻ khó khăn với bà con. Có thể ở đồng bằng những viên ngậm, những lọ siro ho là thứ bình thường nhưng nó sẽ quý giá đối với bà con vùng núi cao, nơi mà thời tiết thay đổi thất thường và đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn”. Cả đoàn nhìn nhau vui mừng và nhận ra rằng chuyến trở về này, ngoài nhiệm vụ phải thăm khám chữa bệnh cho bà con quê nhà, mỗi người còn mang tấm lòng của nhiều đồng hương xa xứ hướng về nơi chôn nhau cắt rốn.
Tặng quà cho người nghèo và trao học bổng cho học sinh hiếu học tại quê nhà.Ảnh: M.KIỆT |
Bỏ công việc nhà qua bên, ông Trần Châu Khanh - Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh những ngày trước khi đoàn khởi hành đã cặm cụi lên danh sách công việc cần phải làm ở quê nhà, gọi điện nhờ người tiền trạm, làm việc với huyện Bắc Trà My về lịch trình khám chữa bệnh cho người dân... “Chuyến về quê lần này đâu phải đơn thuần là của riêng cá nhân tôi. Đó là tấm lòng của hơn 1 triệu người Quảng đang sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh. Việc làm này là sự đồng lòng, gắn kết của một tập thể hay nói đúng hơn là của những tấm lòng đồng hương luôn nhớ về quê nhà. Chính vì vậy mà chuyến đi còn mang nhiều ý nghĩa” – ông tâm sự.
Bắt xe buýt từ Gò Vấp lên Tân Bình, bà Nguyễn Thị Lành (một đồng hương Quảng Nam 72 tuổi) tìm đến Văn phòng Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng gửi cái phong bì 500 nghìn đồng đóng góp để chi phí khám chữa bệnh ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Bà xúc động nói: “Tui không giàu có chi mô! Vì hoàn cảnh phải bỏ quê đi từ hồi 20 tuổi tới chừ, không được như họ, giờ tui vẫn còn phải buôn gánh bán bưng để nuôi sống mình. Chưa bao giờ tui gửi về cho quê mình được cái chi cả! Nghe tin hội đồng hương tổ chức đoàn bác sĩ về khám chữa bệnh cho bà con mình, tui mừng quá, đóng góp một chút gọi là của ít lòng nhiều”.
Ấm tình quê hương
Máy bay hạ độ cao để chuẩn bị đáp xuống sân bay Đà Nẵng, nhìn những dòng sông quê lặng lờ trôi, những cánh đồng xanh mướt hiện dần ra phía dưới, chị Hồ Thị Hoa (bác sĩ đang công tác ở Bệnh viện Từ Dũ, người con gốc Duy Xuyên) tâm sự: “Mỗi lần đi công tác về Quảng Nam-Đà Nẵng là một lần được ước ao ở lại thật lâu với quê hương, muốn được làm gì đó nhiều hơn nữa cho mảnh đất này. Gặp bất cứ ai nói giọng Quảng tôi cũng nghĩ đó là người thân của mình, thấy ai đau ốm, thấy người đàn bà Quảng nào khổ cực là lại ước gì có thể được tận tay chăm sóc họ tốt hơn”.
Bao nhiêu năm qua, Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại TP.Hồ Chí Minh không chỉ đóng vai trò kết nối đồng hương mà còn tổ chức nhiều chuyến trở về với quê nhà sau mùa bão lũ. Nhiều ngôi làng ở Điện Bàn, Quế Sơn, Thăng Bình hay Duy Xuyên mọc lên những ngôi trường khang trang hơn từ sự đóng góp của những người con xa quê hướng về quê nhà với mong muốn quê mình ngày giàu đẹp hơn, con cháu mình sẽ được ngồi học trong những ngôi trường có nhà vệ sinh sạch sẽ… Theo ông Võ Duy Khương - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Đà Nẵng, những việc làm của hội đồng hương đáng được chính quyền và người dân Quảng Nam-Đà Nẵng tôn vinh. “Họ đã trở về và góp sức mình với quê hương bằng chính tấm lòng chân chất của người Quảng. Họ nhắc nhở cho chúng ta thấy rằng Quảng Nam và Đà Nẵng là anh em ruột thịt một nhà. Cách nhau cả 1.000km nhưng đồng bào xa quê vẫn luôn hướng lòng mình về quê hương huống chi mình ở cạnh nhau như môi với răng” – ông Khương nói.
Đón đoàn công tác xã hội của Hội đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng tại TP.Hồ Chí Minh, bà Huỳnh Thị Thùy Dung - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My xúc động cho biết: “Hằng năm chúng tôi đón nhiều đoàn về làm công tác từ thiện ở huyện nhà. Nhưng với đoàn đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng tại TP.Hồ Chí Minh chúng tôi thật sự cảm nhận được cái tình người xứ Quảng. Các thành viên trong đoàn đã lo lắng chu đáo từng phần quà làm sao cho hợp với bà con, rồi thuốc gì bà con cần nhất, trẻ con trong huyện thiếu gì nhất… Tất cả tình yêu thương đó đều thiêng liêng mà chỉ khi nào coi như người thân trong gia đình họ mới thể hiện như vậy”.
MINH KIỆT