Trong rất nhiều câu chuyện chia sẻ trên hành trình tìm kiếm liệt sĩ, những cựu chiến binh thị trấn Tân An (Hiệp Đức) không chủ tâm kể về nỗi vất vả mà “Đội tìm kiếm liệt sĩ Tân An” đã trải qua, có chăng chỉ là những câu chuyện bên lề như một kỷ niệm. Nhưng họ nói rất nhiều về liệt sĩ và hành trình đầy nước mắt của người thân liệt sĩ trong nhiều năm tìm kiếm với sự cảm thông sâu sắc.
|
“Đội xe máy nghĩa tình” của cựu chiến binh thị trấn Tân An (Hiệp Đức) trong một chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ. Ảnh: VÂN HƯƠNG |
Chuyện ở Đắk Đoa
Hành trình tìm kiếm liệt sĩ đôi khi như một cuộc chiến đấu thực sự, không thể bỏ cuộc, đầu hàng, bởi trong tâm tưởng của mình, những cựu chiến binh thị trấn Tân An vẫn luôn tin rằng, ở nơi nào đó, dù gần gũi hay xa xôi, những chiến sĩ đã hy sinh cũng đang dõi theo và hỗ trợ đội. Như câu chuyện về liệt sĩ Lê Văn Tá qua lời kể của ông Đặng Ngọc Nga (thường gọi Sáu Nga): “Trong một lần cải táng liệt sĩ ở nghĩa trang Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai, tranh thủ thời gian rảnh tôi đi quanh nghĩa trang tìm xem thử có còn ai là người con Hiệp Đức hy sinh được chôn cất ở đây. Tôi đã đi rất lâu, tìm trong các dãy mộ để ghi chép thông tin cho kỹ càng, nhưng không hiểu vì sao, khi ngang qua một dãy mộ tự dưng tôi cảm thấy đôi chân mình nặng trĩu như có ai níu bước nên không đi tiếp được mà cứ đứng tại đó một hồi lâu cho tới khi có người đi đến. Người này nhìn thấy trong dãy mộ có tấm bia ghi tên liệt sĩ Lê Văn Tà quê ở Hiệp Đức nên bảo tôi hình như chưa ghi tên liệt sĩ trên bia mộ kia phải không. Lúc đó tôi kiểm tra thông tin mới hay rằng mình đã không nhìn thấy mộ liệt sĩ Lê Văn Tà nên đi qua. Và thật trùng hợp, lúc đó đôi chân tôi không còn cảm thấy nặng trĩu nữa”.
“Một đợt tìm kiếm có thể kéo dài vài tháng hay vài năm, do đó, nếu nản lòng, bỏ cuộc thì chẳng khác gì bỏ rơi đồng đội của mình. Trong khi đó, thân nhân liệt sĩ đang ngày đêm mong tin, mà ngay trong thâm tâm của chúng tôi cũng ray rứt, như thiếu một món nợ ân tình”. (Cựu chiến binh Đặng Ngọc Nga) |
Sau khi thông tin về liệt sĩ Lê Văn Tà được đội đăng lên trên trang facebook, chỉ một thời gian ngắn đã tìm thấy thân nhân liệt sĩ, đồng thời xác minh liệt sĩ Lê Văn Tà ở nghĩa trang Đắk Đoa chính xác là liệt sĩ Lê Văn Tá, người con của xã Quế Tân, nay là xã Hiệp Thuận, Hiệp Đức. Liệt sĩ Lê Văn Tá hy sinh năm 1978 ở chiến trường Gia Lai, được quy tập vào nghĩa trang Đắk Đoa nhưng người thân không ai hay biết. Sắp đến hài cốt liệt sĩ Lê Văn Tá sẽ được đưa về quê an táng khi mọi thủ tục cần thiết đang trong giai đoạn hoàn thành.
Nỗi đau thời bình
Mới đây nhất, vào tháng 6.2017, trường hợp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Quốc Khánh quê ở Tiên Lãng, Hải Phòng, hy sinh trên chiến trường Thăng Phước, huyện Hiệp Đức là một câu chuyện mà mỗi khi nhắc đến, các cựu chiến binh Tân An cảm thấy rất đau lòng. Liệt sĩ Khánh có người em ruột là Nguyễn Duy Tư, hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhà rất nghèo, con gái phải chạy thận hơn 19 năm nay, gia đình rơi vào khánh kiệt nhưng vẫn luôn đau đáu nỗi mong mỏi tìm được hài cốt anh trai. Ông Nguyễn Duy Tư cho biết đã một lần khăn gói đến Hiệp Đức tìm mộ anh trai nhưng thất bại, lần này vay mượn được ít tiền, ông tiếp tục lên đường tìm đến nơi anh mình hy sinh tại xã Thăng Phước và nhận được sự hỗ trợ của “Đội tìm kiếm liệt sĩ Tân An”.
Lần theo thông tin trên giấy báo tử, ông Tư và “Đội tìm kiếm liệt sĩ Tân An” đã tìm được nơi có mô đất bên trái một ngôi miếu, giống hệt những gì mà ông Tư kể rằng anh mình đã chỉ dẫn trong một lần báo mộng trước đây (!). Ai nấy đều hết sức vui mừng, tràn đầy hy vọng, thế nhưng cuối cùng qua bao nỗ lực vẫn không tìm thấy được hài cốt. Một số người dân sinh sống lâu năm tại đây bảo rằng, vùng này trước đây quả thật có 5 ngôi mộ, nhưng một đợt mưa lớn kéo dài, nơi này bị rửa trôi, hài cốt có lẽ cũng đã bị trôi đi, rất có thể trong số đó là xương cốt của liệt sĩ Khánh. Nghe những lời ấy, cả đội không ai dám kể lại với ông Tư vì nếu đó là sự thật thì quá đau đớn. Nhìn khuôn mặt khắc khổ, thất vọng của ông Tư khi không tìm được hài cốt anh trai, không ai có thể cầm lòng.
Mất mát trong chiến tranh đau đớn đã một lẽ, mất mát trong thời bình như gia đình ông Nguyễn Duy Tư và biết bao trường hợp tương tự càng đau đớn hơn.
Còn tiếp tục bước đi…
Những câu chuyện về liệt sĩ Lê Văn Tá, Nguyễn Quốc Khánh và một số trường hợp khác trên hành trình kiếm tìm liệt sĩ có thể nhuốm một chút yếu tố tâm linh nhưng đó hoàn toàn không phải là sự mê tín mà chính là niềm tin và tình yêu thương của những con người dành cho nhau, đáng để trân trọng chứ không phải để phán xét hay bình phẩm thực hư.
Thời gian càng qua đi, tuổi ngày càng cao, sức khỏe cũng một giảm sút nhưng trên hành trình kiếm tìm liệt sĩ, những cựu chiến binh Tân An, Hiệp Đức, vẫn luôn căng tràn nhiệt huyết cùng ý chí vững vàng. Bởi họ hiểu rằng, còn đó biết bao đồng đội của mình vẫn chịu lạnh lẽo, và vô vàn thân nhân liệt sĩ phải đau khổ vì không tìm được người thân. Mặc dù theo thời gian, hành trình ấy sẽ lại càng gian nan hơn, nhưng còn ấm áp nghĩa tình đồng đội thì chắc chắn rằng, họ sẽ còn tiếp tục bước đi. Đó chính là phẩm cách cao quý của những Bộ đội Cụ Hồ mà dù trong chiến tranh hay thời bình cũng luôn được gìn giữ, phát huy, như lời tâm sự của ông Sáu Nga: “Một đợt tìm kiếm có thể kéo dài vài tháng hay vài năm, do đó, nếu nản lòng, bỏ cuộc thì chẳng khác gì bỏ rơi đồng đội của mình. Trong khi đó, thân nhân liệt sĩ đang ngày đêm mong tin, mà ngay trong thâm tâm của chúng tôi cũng ray rứt, như thiếu một món nợ ân tình”.
Hành trình tri ân liệt sĩ của những cựu chiến binh như ông Sáu Nga và “Đội tìm kiếm liệt sĩ Tân An” chính là tấm gương sáng tiêu biểu, thiết thực của việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
VÂN HƯƠNG