Hàng loạt hoạt động hỗ trợ liên kết phát triển kinh tế, xã hội giữa các đơn vị kết nghĩa trên toàn tỉnh trong năm qua tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực, tô thắm thêm tình đoàn kết giữa hai miền xuôi - ngược.
Các đơn vị thường xuyên thăm, tặng quà cho các xã kết nghĩa vùng cao. Ảnh: Phương Giang |
Kết nối nghĩa tình
Được mệnh danh là “xã 5 không”, cách duy nhất để đến với Chơ Chun (Nam Giang) là cuốc bộ hàng tiếng đồng hồ từ trung tâm huyện. Bằng những phần quà và cả tấm lòng, cán bộ, nhân viên đơn vị kết nghĩa - Sở Ngoại vụ đã đến với Chơ Chun, kịp thời hỗ trợ, động viên đồng bào trong xã vượt qua khó khăn. Chia tay sau đêm giao lưu văn nghệ thắm đượm nghĩa tình, trên tất cả là tinh thần kết nghĩa tương thân, sẻ chia gian khó được nhắc nhớ như một lời cam kết giữa hai đơn vị.
Không riêng Chơ Chun, những xã vùng sâu, vùng xa ở miền núi còn nhiều khó khăn đã kịp thời được sẻ chia bằng những hoạt động ý nghĩa, thiết thực của những đơn vị kết nghĩa. Đến nay, 68 xã miền núi, vùng cao đặc biệt khó khăn đã được 65 đơn vị kết nghĩa. Các đơn vị thường tổ chức thăm hỏi, nắm bắt tình hình đời sống, xây dựng và triển khai phương án giúp đỡ địa phương kết nghĩa càng tô thắm tình đoàn kết hai miền xuôi - ngược. Bà Lê Thị Thủy - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Từ chủ trương kết nghĩa, các đơn vị đã tích cực phối hợp, từng bước góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của các địa phương. Đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ, công chức các ngành của tỉnh có điều kiện tiếp cận, giao lưu và hiểu biết nhiều hơn về tập quán, văn hóa, tâm tư tình cảm của đồng bào miền núi”.
Cần xuất phát từ tấm lòng Tổng kết công tác kết nghĩa năm 2012, nhiều ý kiến cho rằng hoạt động kết nghĩa ở một số cơ quan, địa phương có nội dung còn đơn điệu, hiệu quả đạt được chưa cao, công tác phối hợp chưa thực sự hiệu quả. Do đặc thù cách trở địa lý của các xã vùng cao, hạn chế về mặt thông tin liên lạc khiến công tác này chưa đồng bộ, kết quả đạt được còn khiêm tốn. Một cán bộ xã ở miền núi chia sẻ, có đơn vị tổ chức lễ kết nghĩa trang trọng, hoành tráng, nhưng sau khi ký kết văn bản ghi nhớ thì chỉ gặp nhau vào dịp Tết Nguyên đán, dưới hình thức trao vài chục suất quà rồi thôi. Địa phương có đề xuất tổ chức giao lưu văn nghệ, bóng đá bóng chuyền... thì một vài sở, ngành lấy lý do bận chuyên môn, hứa sẽ sắp xếp, nhưng mãi không tổ chức được. Hiệu quả đạt được từ chủ trương kết nghĩa là không thể phủ nhận, song với cách làm hình thức, “nghĩa vụ” của một số đơn vị kết nghĩa đã phần nào đánh mất đi ý nghĩa của chủ trương này. Bà Lê Thị Thủy - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh nói: “Nhiều cơ quan, đơn vị còn nặng việc chuyên môn, giao trách nhiệm thực hiện công tác kết nghĩa cho Công đoàn nên việc liên hệ với xã kết nghĩa, sự phản ánh thông tin chưa kịp thời và thường xuyên, nặng về hỗ trợ vật chất. Có đơn vị chủ yếu thăm hỏi, tặng quà vào dịp lễ, tết... rồi thôi. Như vậy là chưa đúng với tinh thần mục đích, ý nghĩa của chương trình”. Theo bà Thủy, dù tình trạng này không nhiều nhưng phần nào sẽ tác động xấu, đi ngược lại với tình cảm của đồng bào miền núi. “Kết nghĩa là trở thành anh em, thành người một nhà. Việc giúp đỡ, hỗ trợ phải xuất phát từ tấm lòng, thể hiện tấm lòng với miền núi, với bà con” - bà Thủy nhấn mạnh. |
Đến với vùng cao, với những địa phương kết nghĩa, các đơn vị không chỉ trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, đoàn thể, chính quyền, nhiều lớp tập huấn cũng đã được tổ chức nhằm nâng cao công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành đối với chính quyền; tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước cho đồng bào. Công tác xã hội thông qua các đợt thăm hỏi dịp lễ, tết, tặng quà gia đình khó khăn, khám và cấp thuốc miễn phí cho bà con... của các đơn vị kết nghĩa đã tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng. Ông Nguyễn Công Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang khẳng định: “Dù kết quả còn khiêm tốn, nhưng ý nghĩa chủ trương kết nghĩa mang lại rất lớn. Đó là tinh thần đoàn kết, lá lành đùm lá rách được phát huy đúng lúc, kịp thời. Quan trọng hơn, chủ trương này đã đưa các đơn vị, các địa phương đến gần với nhau”.
Sẻ chia khó khăn
Hưởng ứng chủ trương kết nghĩa, giúp đỡ các xã, huyện miền núi, góp phần giúp các địa phương vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương kết nghĩa đã và đang lan tỏa sâu rộng tới các cấp, các ngành. Nhiều địa phương tổ chức kết nghĩa giữa các phòng, ban của huyện tới các thôn, xóm khó khăn. Các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, giao lưu, học tập được thực hiện định kỳ hằng tháng, hằng quý. “Xây dựng và phát triển sinh kế, hướng đến nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào thể hiện rõ nhất sự quan tâm, tình cảm và trách nhiệm của các đơn vị với miền núi. Hiệu quả thiết thực từ các hoạt động này đã giúp cho chủ trương kết nghĩa gần gũi, thiết thực và ý nghĩa hơn” - bà Lê Thị Thủy nói.
Chung tay xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân là một trong những mục tiêu của các đơn vị kết nghĩa. Hàng loạt các hoạt động như hướng dẫn nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; hỗ trợ vốn, cây con giống, dụng cụ sản xuất... đã được các đơn vị triển khai tại địa bàn các xã, huyện kết nghĩa. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm, các sở, ban ngành của tỉnh đã giúp đỡ hơn 7,2 tỷ đồng thông qua hỗ trợ sản xuất cho các xã nghèo; trao tặng 2.400 suất quà cho đồng bào. Ngoài ra, các đơn vị kết nghĩa theo chương trình riêng như Sở GDĐT, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Khoa Toán - Tin trường Đại học Quảng Nam... cũng đã tích cực giúp dân xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập. Nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả phù hợp với điều kiện miền núi được giới thiệu, thí điểm như mô hình trồng lúa nước của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, dự án phát triển cao su tiểu điền của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, hướng dẫn sản xuất phân vi sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số của Sở Khoa học - công nghệ... Hay như công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua kênh kết nghĩa giữa các đơn vị, tiêu biểu như Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam, đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống...
Các cụm bản biên giới kết nghĩa Bên cạnh việc tổ chức kết nghĩa giữa các sở, ban ngành, các huyện với miền núi, trong năm 2012, có 27 thôn của 6 xã biên giới huyện Tây Giang đã tổ chức kết nghĩa với 7 bản của 2 cụm bản thuộc huyện Kà Lừm và 1 bản của huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông Lào).
Nhân dân các thôn, bản vùng biên đã phối hợp tham gia 37 đợt với tổng số 892 ngày công cùng lực lượng chuyên trách của mỗi bên tuần tra song phương, vận chuyển lương thực, thực phẩm và vật liệu phục vụ nhiệm vụ tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới. UBND huyện Tây Giang cũng đã trích ngân sách 500 triệu đồng để mua 33 tấn gạo, 200 thùng mỳ tôm, 1 tấn muối và các nhu yếu phẩm hỗ trợ cho 173 hộ (gồm 1.079 nhân khẩu) của các thôn Bhanoon, Abưl, Tiloong, Babing, Avơl, Hoài Lây thuộc các cụm bản Căn Trứp, Tà Vàng của huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông. |
PHƯƠNG GIANG