Nghĩa trủng Thăng Bình qua vết thời gian

HOÀNG LIÊN 13/06/2023 04:36

Tại làng Hà Lam (nay là thị trấn Hà Lam) và xã Bình Quý (Thăng Bình) đến nay vẫn còn sót lại khu nghĩa trủng quan và miếu âm linh có lịch sử hình thành hàng trăm năm, câu chuyện cúng tế nghĩa trủng đã trở thành đạo lý tốt đẹp, thể hiện nếp sống nhân nghĩa trên đất Thăng Bình…

Cổng nghĩa trủng quan ở xã Bình Quý, huyện Thăng Bình. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Cổng nghĩa trủng quan ở xã Bình Quý, huyện Thăng Bình. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Nghĩa trủng và miếu âm linh

Theo nhiều tài liệu, làng Hà Lam là một trong những ngôi làng cổ của Quảng Nam, được thành lập vào năm 1471, thời vua Lê Thánh Tông. Thời Tự Đức, năm 1874, dân làng Hà Lam cũng như nhiều làng quê khác đã tổ chức quy tập những mộ vô chủ về chôn chung tại một khu vực của làng, lập nơi thờ tự, hằng năm tổ chức tế lễ cúng tế người đã khuất. Khu vực chôn cất tập thể này được gọi là khu nghĩa trủng, cạnh đó dân làng cũng lập miếu âm linh của làng.

Khu nghĩa trủng này hiện nay nằm ở cuối đường Nguyễn Thuật. Nhiều đoạn trong một số văn bia Hán Nôm của làng Hà Lam còn sót lại đã được các dịch giả, nhà nghiên cứu giải mã.

Văn bia nghĩa trủng có đoạn: “Làng ta được lập từ lâu đời, dân cư đông đúc, lại thêm người từ các nơi khác đến ngụ cư, người buôn bán khách vãng lai, những kẻ lỡ độ đường, gặp hồi mất mùa đói kém thương tật dịch bệnh mà chết.

Tấm thân vùi chôn bên đường, xếp ngổn ngang bên gò đất lạnh, không người quét dọn sửa sang, không ngọn khói hương nói chi đến chuyện nướng gà rót rượu mà cúng tế” (bản dịch của Nguyễn Bằng, Nguyễn Văn Hà). Qua đó, có thể thấy, đạo lý nhân văn của dân làng Hà Lam được phát huy, truyền từ xưa đến nay.

Ngày trước, khu nghĩa trủng Hà Lam quy tụ hơn 200 ngôi mộ hoang nằm ở phía tây của làng, khuôn viên đắp bằng bờ đất rào trụ tre. Về sau, những ngôi mộ đất này được đắp cao thành vồng trong khuôn viên rộng cả mẫu đất, nằm bên cạnh đường bê tông lớn khang trang, sạch đẹp. Cạnh đó là miếu âm linh trải qua nhiều lần tu sửa.

Theo tài liệu của các nhà nghiên cứu, các dịch giả thì người có công xây dựng, trùng tu lại miếu âm linh, nghĩa trủng của làng là cụ Phó bảng Nguyễn Thuật và gia đình. Công trình được trùng tu năm 1893, khi ông Nguyễn Thuật đang làm Tổng đốc Thanh Hóa.

Nếp sống nhân nghĩa

Xưa nay, dân làng ở xã Bình Quý sống gần nghĩa trủng quan (tọa lạc ở vùng giáp ranh Bình Quý và Hà Lam) đã chung tay lo liệu việc cúng tế vào dịp tiết thanh minh, dịp giỗ chạp, các rằm lớn trong năm.

Bà Nguyễn Thị Niên (60 tuổi, tổ 8, thôn Bình Quý) có nhà sống gần nghĩa trủng chia sẻ: “Trước ngày cúng tế, mọi người cùng nhau đi giẫy mả trủng, cắt bớt cỏ rậm rạp xung quanh các ngôi mộ, hương khói. Ngày trước, khu mộ trủng này toàn là mộ đất, vốn là những ngôi mộ hoang lạnh, do dân làng Bình Quý chăm sóc, cúng bái.

Ai có gì đóng góp nấy, người có tiền góp tiền, người có công góp công, nấu nướng, phát quang mộ trủng. Bên cạnh nguồn đóng góp của làng, bà Hồ Thị Đạo, một giáo viên về hưu ở xã Bình Quý đã bỏ tiền, vận động thêm nguồn lực trùng tu lại toàn bộ khu nghĩa trủng và miếu âm linh”.

Cô giáo Hồ Thị Đạo còn sử dụng mạng xã hội kêu gọi bạn bè, người thân chung tay góp sức xây mộ bằng bê tông, xây mộ chung và trùng tu miếu âm linh, làm tường rào, cổng ngõ, hệ thống điện chiếu sáng năng lượng mặt trời. Từ sức dân và nguồn vận động các nhà hảo tâm, lễ cúng tế nghĩa trủng hằng năm diễn ra bài bản.

Ông Nguyễn Văn Hà - thành viên Ban bảo tộc tiền hiền làng Hà Lam chia sẻ, nghĩa trủng Hà Lam có 2 khu vực gồm khu nghĩa tự, tức nơi thờ tự và khu mả trủng liền kề.

Từ nguồn vận động, làng đã trùng tu khu nghĩa tự nhưng mấy trăm ngôi mộ vẫn còn là mộ đất, rất khó tìm nguồn lực xây mới. Riêng nghĩa trủng quan ở Bình Quý có quy mô là nghĩa trủng của huyện đã được xây mới, trùng tu cách đây 3 - 4 năm từ sức dân với nguồn lực lên tới hàng trăm triệu đồng.

Tục cúng tế nghĩa trủng ở Thăng Bình là câu chuyện đẹp về văn hóa làng, thể hiện tinh thần nhân văn của cư dân bản địa đối với người đã khuất không có người thờ tự và cần được bảo tồn, gìn giữ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghĩa trủng Thăng Bình qua vết thời gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO