Nghịch lý cầu treo

TRẦN HỮU 11/11/2015 08:57

Hơn 10 cầu treo dân sinh ở khu vực miền núi đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong mùa mưa năm nay, song vẫn quá ít ỏi so với nhu cầu thực tế địa phương. Bất cập là nhiều nơi cấp bách đầu tư thì lại mỏi mòn chờ đợi, trong khi chỗ chưa thực sự cần thiết tranh thủ “hút” hết dự án...

Cầu treo Trà Giang (Bắc Trà My). Ảnh: h.phúc
Cầu treo Trà Giang (Bắc Trà My). Ảnh: H.Phúc

Nhanh tay thì được nhờ(!)

Năm 2014, Bộ GTVT phê duyệt đề án Xây dựng cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía bắc và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Theo kế hoạch năm 2015, Quảng Nam có tổng cộng 14 cây cầu treo thi công, nhưng Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đầu tư 12 cầu treo tại 4 huyện Tiên Phước, Bắc Trà My, Tây Giang và Hiệp Đức. Trong đó, riêng huyện Tiên Phước chiếm đến 9 cầu, còn lại mỗi địa phương xây dựng 1 cầu treo. Theo đề án, có nhiều tiêu chí đưa ra để xây cầu treo, nhưng ưu tiên lựa chọn vùng miền núi khó khăn, vượt sông, suối có nguy cơ mất an toàn cao, những nơi kết nối với các công trình phúc lợi (trường học, trạm y tế...), đặc biệt các vị trí học sinh phải đến trường bằng bè mảng. Vị trí vượt sông, suối có bề rộng lòng sông, suối lớn hơn 40m, địa hình hiểm trở, có cây trôi... Tuổi thọ công trình thiết kế không quá 25 năm.

Theo đề án xây dựng cầu dân sinh để đảm bảo an toàn giao thông cho vùng đồng bào các dân tộc ít người sinh sống trong phạm vi cả nước, số lượng cầu cần xây dựng là 7.800 cầu với tổng mức vốn 12.600 tỷ đồng. Theo đề án này, giai đoạn 1, Tổng cục Đường bộ sẽ thực hiện 186 cầu treo tại 28 tỉnh, thành phố và 295 cầu trong giai đoạn 2 với tổng nguồn vốn lên đến hơn 8.000 tỷ đồng. Tại Quảng Nam, năm 2015, 12 cây cầu treo có chiều dài từ 60 - 120m được xây dựng theo kết dây võng, hệ thống trụ cầu, mố cầu bằng bê tông cốt thép, hệ thống bản mặt cầu, hệ thống cáp treo bằng vật liệu thép chịu lực. Hiện, toàn bộ công trình đưa vào sử dụng.

Trong khi đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao mơ những nhịp cầu thì vùng trung du Tiên Phước đã hiện thực hóa được dự án cầu vào mùa mưa năm nay. Cầu treo sông Tiên (xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) là một trong 9 cây cầu vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ở các xã Tiên Ngọc, Tiên An, Tiên Sơn, Tiên Cảnh (Tiên Phước), cầu treo đã tạo sự thuận tiện, an toàn cho người dân địa phương trong việc đi lại bằng phương tiện thô sơ. Tuy nhiên, theo một số người dân, việc xây dựng cầu treo ở khu vực có địa hình bằng phẳng là chưa cần thiết; cái họ cần là cây cầu bê tông cốt thép hay cầu bản có quy mô mặt cắt ngang rộng hơn để các loại xe cơ giới có thể qua lại vận chuyển hàng hóa, nông sản. Thực tế, nếu không xây dựng cây cầu này, bà con bên kia sông vẫn có đường đi lại bình thường. Mục đích của dự án xây dựng cầu treo dân sinh được Bộ GTVT đưa ra là phục vụ nhu cầu đi lại cấp thiết cho người dân vùng núi. Trong khi đó, đầu tư 9 cây cầu ở vùng trung du Tiên Phước, chủ đầu tư là Tổng cục Đường bộ Việt  Nam có vẻ chú trọng chức năng giao thông với kết hợp phát triển du lịch hơn. Nếu đem rà soát các tiêu chuẩn của đề án, thì nhiều vùng ở vùng cao Nam Trà My, Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Hiệp Đức...  thì “xứng đáng” được đầu tư cầu treo cấp bách hơn địa phương này.

Theo Phòng Triển khai dự án thuộc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông (Sở GTVT), mỗi cây cầu treo có giá trị xây lắp cao nhất 6 tỷ đồng, thấp nhất gần 3 tỷ đồng. Lãnh đạo chính quyền một số huyện vùng cao cho rằng, do địa hình miền núi cách trở, tốn thời gian và chi phí xây dựng nên chủ đầu tư ngại đưa tới các nơi xa xôi mà chọn huyện Tiên Phước đầu tư để thuận lợi hơn. Chính điều này đã đi ngược với tinh thần “nhịp cầu yêu thương” khi thực hiện đề án cầu treo dân sinh. Nói như ông Nguyễn Duy - Trưởng phòng Triển khai dự án Ban Quản lý dự án các công trình giao thông thuộc Sở GTVT thì dù đã tuân thủ các tiêu chí đề án của Bộ GTVT, nhưng huyện nào “nhanh tay” thì được nhờ!

Trà Tập lại lỡ hẹn...

Người dân ở Trà Tập phải vượt sông bằng ruột xe bơm căng nguy hiểm như thế này. Dự án xây dựng cầu treo dù đưa vào kế hoạch năm 2015 nhưng vẫn chưa thi công.
Người dân ở Trà Tập phải vượt sông bằng ruột xe bơm căng nguy hiểm như thế này. Dự án xây dựng cầu treo dù đưa vào kế hoạch năm 2015 nhưng vẫn chưa thi công.

Nhiều năm nay, ông Trương Quang Diệu (làng Tắc Rối, xã Trà Tập, Nam Trà My) vẫn giữ thói quen thắp nén nhang trước khi xuống thuyền đưa dân làng vượt qua Tranh. Bát hương đặt ngay đầu dốc làng Tắc Rối. Không phải ông thờ thần linh như tục người Ca Dong mà là tưởng nhớ những người đã chết đuối tại đây, trong đó có học sinh và cả thầy giáo khi vượt sông. “Tôi thắp hương vì nghĩ đơn giản, cầu mong sự bình yên cho trẻ em qua lại sông” - ông Diệu nói. Giữa tháng 3, Báo Quảng Nam đã từng đăng bài “Cả làng vượt sông” phản ánh việc 70 hộ dân làng Tắc Rối và Tu Nương liều mình qua sông trên những con thuyền và ruột xe được bơm đầy hơi. Sau đó, Tổng cục Đường bộ đã quyết định triển khai đầu tư xây một cây cầu treo dân sinh trị giá hơn 4 tỷ đồng tại đây. Nhưng, bây giờ mùa lũ lại về nhưng cầu vẫn chưa thấy rục rịch. Lãnh đạo chính quyền huyện Nam Trà My cho biết, ngành giao thông, chủ đầu tư đã đến đây khảo sát nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa động thổ, địa phương không nắm rõ nguyên do chậm triển khai.

Ông Nguyễn Thanh Lũy – Bí thư Đảng ủy xã Trà Tập cho biết đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao mỏi mòn chờ cầu bắc qua sông. Trong các cuộc họp dân, lãnh đạo địa phương không biết phải giải thích thế nào cho người dân hiểu về việc kéo dài thời gian thi công cầu. Ngay cả những người có trách nhiệm của Sở GTVT và Ban Quản lý dự án các công trình giao thông, cũng không biết được đến bao giờ thì 2 cây cầu treo còn lại trong kế hoạch năm 2015 (ở xã Trà Tập - Nam Trà My  và xã Dang - Tây Giang) mới triển khai? Ông Nguyễn Duy thông tin thêm, tỉnh đã từng đề xuất xây dựng 90 cây cầu trước khi có đề án của Bộ GTVT, nhưng năm 2015 chủ đầu tư mới bố trí xây dựng 12 cầu treo. Và mới đây nhất, ngày 8.9.2015, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu ký văn bản (số 4001/UBND-KTN) đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam đầu tư 6 cầu treo dân sinh trên địa bàn tỉnh thuộc giai đoạn 2 của đề án. Trong đó, huyện Nam Trà My có 4 cầu (xã Trà Tập 2 cầu, Trà Dơn 1 và Trà Don 1), Hiệp Đức và Tiên Phước mỗi huyện có 1 cầu.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghịch lý cầu treo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO