Nghịch lý giải ngân vốn đầu tư

NHẬT PHONG 30/07/2014 10:30

Theo công bố của các cơ quan quản lý, các dự án không thể giải ngân hết vốn kế hoạch đều phải bị điều chuyển hoặc rút vốn và chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm hay nếu không thanh toán khối lượng để giải ngân sẽ bị tính lãi. Điều này sẽ cải thiện việc nợ đọng kéo dài và thúc đẩy tiến độ giải ngân. Tuy nhiên, các biện pháp ấy cũng chỉ là một hy vọng.

Tốc độ giải ngân đã được cải thiện dần theo hướng thực chất, nhưng nghịch lý “không xài hết vốn đầu tư” vẫn như một con bệnh đã lờn thuốc. Thực tế, không loại trừ cả việc năng lực một số nhà thầu lẫn chủ đầu tư yếu; không ít công trình xây dựng cơ bản nợ vốn thi công nhiều năm chưa trả được, dẫn đến tình trạng các nhà thầu không “mặn mà” đẩy nhanh tiến độ thi công khi chưa được rót vốn… Mặt khác, chi phí đền bù tăng cao, thời gian thanh toán kéo dài, vượt thời gian quy định nhà nước, công tác tạm ứng, hoàn ứng chưa đúng quy trình hay yếu kém… cũng là những tác nhân cản trở tốc độ giải ngân vốn đầu tư theo như dự định. Nếu những chương trình, dự án mới được cho là chưa đủ thời gian và kinh nghiệm để hấp thụ vốn và triển khai chương trình thì những biện giải của các chủ đầu tư (kế hoạch vốn thông báo chậm, giải phóng mặt bằng yếu, chưa thể nghiệm thu khối lượng hoàn thành…) dẫn tới tỷ lệ giải ngân thấp vẫn là chuyện đã cũ, không hề thay đổi được là tại điều gì? Cơ chế hay năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu?

Không phải đến bây giờ chuyện nợ lưu cữu và không xài hết vốn đầu tư mới xảy ra. Con số thống kê hiện ngân sách còn nợ hơn 4.000 tỷ đồng của hơn 1.800 dự án đầu tư chưa có cách giải quyết, trong khi không ít chủ đầu tư không thể giải ngân được nguồn vốn đã bố trí cho các dự án mới có sẵn là một nghịch lý lớn trong chuyện đầu tư công. Năm nào chính quyền và cơ quan quản lý cũng đã phải kêu gọi, thậm chí chế tài các dự án tạm ứng quá hạn, nhưng kết quả vẫn không có gì thay đổi. Tuyên bố giám sát chặt chẽ của các chủ đầu tư hay sự kiên quyết của cơ quan quản lý khi tính lãi trên số dư nợ đọng hay điều chuyển vốn với các dự án không thể giải ngân được, chỉ có tác động đến những nhà thầu thiện chí, còn các doanh nghiệp cố tình lảng tránh hay chây ì hiện vẫn chưa thể có cách giải quyết hữu hiệu. Dư luận vẫn không thể hiểu được rằng chính quyền luôn tuyên bố là sẽ gắt gao kiểm tra, kiểm soát khối lượng thực hiện của các nhà thầu để thu hồi tạm ứng. Xác định rõ nguyên nhân các bên liên quan trong việc chậm trễ hợp đồng để kéo dài nhiều năm và quy trách nhiệm cho các chủ dự án không chịu hoàn ứng, giải ngân vốn đầu tư. Lần nào chính quyền cũng nói là ai để thất thoát vốn nhà nước thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng tình trạng không xài hết vốn đầu tư, thậm chí có dự án không thể giải ngân được vẫn cứ xảy ra, mất vốn hoặc bị điều chuyển thường xuyên xảy ra mà công luận chưa thấy ai bị kỷ luật? Có phải là do cơ chế trách nhiệm tập thể, rốt cuộc không ai chịu trách nhiệm cụ thể nên tình trạng này như một con bệnh đã lờn thuốc? Vì vậy, cần ghi rõ trách nhiệm chủ đầu tư, chế tài hoặc kể cả cách chức khi để xảy ra thất thoát, mất vốn nhà nước thì mới may ra chấm dứt tình trạng này.

NHẬT PHONG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghịch lý giải ngân vốn đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO