Mùa tuyển sinh năm nay, Bộ GD-ĐT có nhiều thay đổi đối với các thí sinh thi vào ngành sư phạm theo hướng nâng cao chất lượng đầu vào.
Có một nghịch lý là xã hội luôn luôn đòi hỏi thầy cô mặt nào cũng tốt nhất để làm gương cho học trò mình nhưng lại quên mất rằng, sự đãi ngộ của xã hội đối với thầy cô không hơn nhiều so với những người lao động chân tay. Với mức lương như hiện nay, đối với một thầy/cô mới ra trường là (2,34 x 1.250.000 đồng) + 30/35% đứng lớp thì tổng thu nhập không bằng lương công nhân. Trong khi đó, làm công nhân thì dễ xin việc và chỉ tốn 1/2 thời gian học nghề so với học sư phạm.
Nghèo, khó thì xã hội coi thường. Vì thế, nhiều thầy cô phải “bán cháo phổi” để tăng thêm thu nhập, lo cho gia đình. Vậy nhưng, xã hội coi thầy cô dạy thêm như là sai phạm; nhiều nơi thanh tra tổ chức… bắt quả tang thầy cô dạy thêm. Có một thực tế rằng, tiền lương cho thầy cô quá thấp nhưng xã hội đòi hỏi ở họ quá cao. Và từ đây nảy sinh ra nhiều bi kịch.
Vì vậy, mấu chốt để nâng cao chất lượng giáo dục là trước hết phải cải cách mang tính hệ thống và đồng bộ chứ không thể cải cách theo kiểu “giật gấu vá vai” như hiện nay. Bộ GD-ĐT cho dù cải cách gì đi nữa mà đề án tăng lương cho giáo viên vẫn không thực thi thì chắn chắn một điều chất lượng giáo dục sẽ không được cải thiện. Chẳng thể trả cho người ta 1 đồng mà bắt người ta làm xứng đáng 10 đồng.
Nghề sư phạm là một nghề đặc thù. Thầy cô không chỉ dạy cho học sinh kiến thức mà còn góp phần hoàn thiện nhân cách học sinh bằng chính nhân cách, tình yêu thương của mình.
Nghề giáo đòi hỏi thầy cô phải ứng xử khác với những người bình thường. Một người bình thường, giận có thể la hét. Buồn vui thì thể hiện cảm xúc theo đúng bản năng gốc mà không gặp sự phản ứng nào từ xã hội. Trong khi đó, thầy cô không được như vậy. Có những lúc, giận tím mặt nhưng cũng phải bậm môi, hạ giọng để ứng xử cho đúng, cho chuẩn mực. Để làm được như vậy đòi hỏi thầy cô không chỉ trách nhiệm mà còn phải thực sự có niềm đam mê với nghề, tình yêu thương học sinh hơn cả bản thân mình.
Đã là thầy cô, khi còn trên giảng đường sư phạm, ai cũng được học và tham gia xử lý tình huống sư phạm đặt ra. Nhưng, cái cơ bản là cuộc đời này có quá nhiều tình huống xảy ra và xảy ra không theo ba-rem nào cả. Và cái khó nhất, khổ nhất có lẽ là thầy cô phải sống, phải dạy dỗ, phải yêu thương học trò mình trong một xã hội mà đồng tiền có quá nhiều quyền lực. Trong vòng vây ấy, họ khó có thể có một quyết định theo đúng chuẩn mực nhà giáo.
Liên tiếp những chuyện buồn xảy ra cho ngành giáo dục thời gian vừa qua khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng. Phụ huynh bắt thầy cô quỳ xin lỗi. Phụ huynh đánh thầy cô. Và gần đây nhất là cô giáo phạt học sinh súc miệng bằng nước giặt khăn lau bảng... Chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra?
Ai đúng, ai sai trong từng vụ việc cụ thể rất dễ phân định. Nhưng nguyên nhân sâu xa dẫn đến những chuyện buồn trong ngành giáo dục thì rất khó để phân tích một cách chính xác.
Có một điều chắc chắn rằng, những bất cập trong giáo dục hiện nay là hậu quả của việc làm giáo dục theo cảm tính và thiếu khoa học.
Giáo dục là môn khoa học về CON NGƯỜI và nó quyết định tương lai của một dân tộc. Trong khi đó, cách làm giáo dục của chúng ta hiện thời có quá nhiều bất cập và cách giải quyết các bất cập hiện nay của nhà quản lý giáo dục cũng tạm bợ, chắp vá và cảm tính.
NGUYÊN KHÔI