Năm 2019, trong khi tàu cá vỏ gỗ truyền thống hoạt động hiệu quả, doanh thu cao thì ngược lại tàu vỏ thép hiện đại sản xuất kém, nợ xấu ngân hàng khó giải quyết.
Yên tâm tàu vỏ gỗ
Những ngày cận tết, nhiều tàu cá khai thác hải sản xa bờ của ngư dân Quảng Nam liên tục cập bờ bán hải sản.
Ngư dân Phạm Xuân Anh (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ 2 tàu cá vỏ gỗ QNa-91759 và QNa-90359 cho biết, năm nay nghề lưới vây sản xuất hiệu quả, sản lượng hải sản cao, bán được giá hơn năm trước. Tính trung bình với hơn 15 chuyến biển xa bờ, ông Anh thu được hơn 7 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, chủ tàu có nguồn thu gần 2 tỷ đồng/năm, mỗi bạn biển có thu nhập hơn 120 triệu đồng/năm.
“Nhờ các thiết bị mà việc dò tìm các luồng cá nục, cá ngừ tương đối chính xác, đánh bắt đạt sản lượng cao. Khâu bảo quản hải sản sau đánh bắt cũng rất tốt nhờ trang bị hầm bằng công nghệ PU” - ông Anh nói.
Nhiều tàu cá vỏ gỗ hoạt động với nghề lưới chụp cũng thu được hiệu quả kinh tế cao sau 1 năm kiên trì bám biển.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, sản lượng khai thác hải sản của ngư dân Quảng Nam trong năm 2019 đạt 89 nghìn tấn, vượt so với kế hoạch. Một trong những khó khăn của nghề cá trong thời gian qua là Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ đầu năm 2019 với quy định mức xử phạt vi phạm hành chính rất cao. Do vậy, mong các cấp, ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền đến ngư dân, giúp cho việc triển khai luật được thuận lợi hơn trong năm 2020.
Ngư dân Trần Công Hùng (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) - chủ tàu cá QNa-94779 có công suất 750CV cho biết, ngoại trừ thời điểm mực xà bị ách tắc do phía Trung Quốc yêu cầu phải truy xuất nguồn gốc thì đầu ra loại hải này đều thông suốt với giá bán 140 - 160 nghìn đồng/kg.
Có chuyến biển trong vòng gần 15 ngày, tàu vỏ gỗ QNa-94779 đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng, chủ tàu thu được gần 400 triệu đồng, mỗi bạn biển được chia gần 20 triệu đồng/người.
“Thuận lợi lớn nhất của nghề này là mực xà có trữ lượng rất lớn nên sản lượng khai thác luôn đạt. Vậy nên, khi đầu ra ổn định thì thu nhập của ngư dân cải thiện. Tàu vỏ gỗ có ưu thế là xoay xở rất nhanh, thao tác thuận lợi, phù hợp với tập quán sản xuất của ngư dân nên hiệu quả” - ông Hùng nói.
Năm qua là năm đầy phấn khởi đối với nghề câu mực khơi của ngư dân trên địa bàn tỉnh. Nghề này chủ yếu phân bố ở xã Tam Giang (Núi Thành) và Bình Minh (Thăng Bình).
Ông Phạm Văn Châu - Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết, sản lượng mực xà khô ngư dân thu được trong năm 2019 là gần 12 nghìn tấn, tương đương với năm 2018; nhưng nhờ được giá nên ngư dân có nguồn thu nhập cao, có chủ tàu thu được vài tỷ đồng chỉ sau 1 chuyến biển có thời gian 2 - 3 tháng.
Thê thảm tàu vỏ thép
Năm 2019, nhiều tàu vỏ thép phải hoạt động cầm chừng vì khai thác kém hiệu quả; một số phương tiện xuống cấp nhưng ngư dân không có nguồn vốn để bảo dưỡng, tu sửa.
Đơn cử như trường hợp của ngư dân Trần Công Chi (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) - chủ tàu vỏ thép QNa-94989. Ông Chi kê ra hàng loạt khoản nợ xấu do không đủ tiền trả nợ BIDV chi nhánh Quảng Nam khi đến hạn.
“Trước đây, tôi đầu tư tàu vỏ gỗ, mỗi chuyến bám biển ít nhất cũng dư được vài chục triệu đồng. Nhưng với tàu vỏ thép, mỗi năm đi 4 - 5 chuyến thì lỗ tất thảy. Bán tàu vỏ gỗ, vay vốn ngân hàng đóng tàu vỏ thép, kỳ vọng bao nhiêu thì ê chề bấy nhiêu. Thậm chí, tàu nằm bờ, hư hỏng mà không biết làm sao để sửa chữa được” - ông Chi ngậm ngùi.
Trường hợp của ngư dân Nguyễn Đình Châu (phường Cẩm Nam, TP.Hội An) - chủ tàu vỏ thép QNa-93089 cũng bi đát không kém. Sản xuất thua lỗ triền miên, tàu nằm bờ, anh Châu đã phải vào Vũng Tàu để làm bạn biển. Anh Châu càng lo lắng hơn vì tàu vỏ thép nằm bờ thì sẽ xuống cấp nhanh chóng, hoen gỉ, hư hỏng máy móc, thiết bị.
Theo Sở NN&PTNT, thất bại của các tàu vỏ thép có lỗi lớn từ thiết kế, Bộ NN&PTNT thông qua 21 mẫu tàu vỏ thép để ngư dân chọn lựa, đóng mới mà chưa qua thử nghiệm, thí điểm. Thực tế sản xuất đã cho thấy, rất nhiều tàu vỏ thép không hoạt động được trong điều kiện có gió mà tàu vỏ gỗ vẫn đánh bắt được. Nhiều ngư dân khi đóng mới tàu vỏ thép đã hết vốn mà ngân hàng không cho vay thêm nên không thể có nguồn lực để sửa chữa các lỗi thiết kế.
Theo ông Nguyễn Bách Thọ - Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam, theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (nay là Nghị định 17), không có nội dung nào cho ngư dân vay thêm vốn để sửa chữa thiết kế tàu vỏ thép nên ngân hàng đành chịu.
Bởi vậy, thông qua Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, BIDV chi nhánh Quảng Nam kiến nghị các Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ hỗ trợ chi phí để sửa chữa các lỗi thiết kế, giúp các chủ tàu vỏ thép được đi biển sản xuất trong thời gian đến.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, đến nay nguồn trả nợ ngân hàng của các chủ tàu vỏ thép là từ tiền hỗ trợ dầu theo Nghị định 48 của Chính phủ. Ngoài lỗi thiết kế, nguyên nhân khác khiến tàu vỏ thép sản xuất kém, theo Sở NN&PTNT là nghề không phù hợp, ngư lưới cụ còn bất cập, trữ lượng hải sản ở các vùng biển xa suy giảm.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, các cơ quan của Bộ NN&PTNT cần có các dự báo chính xác về ngư trường, nguồn lợi, giúp quá trình đánh bắt hải sản trên các vùng biển xa của ngư dân thuận lợi hơn.