Nguyên nhân nào gây ra tội lỗi của các nhân vật cộm cán trong vụ đại án mà dư luận cả nước quan tâm?
Ông tướng Nguyễn Thanh Hóa đứng đầu cơ quan phòng chống tội phạm về công nghệ cao nhưng lại là “trùm bảo kê” cho tội phạm loại này, rồi thản nhiên thú nhận trước tòa “tôi không am hiểu gì về công nghệ nhưng vẫn cố hết sức của mình”? Thế hóa ra làm tới chức đó chắc ông từng qua cao cấp lý luận chính trị, mà vẫn không thông công thức nổi tiếng của Lênin: Nhiệt tình + Dốt nát = Phá hoại?
Biện bạch về sự dốt nát nghe không xong, ông còn nói một câu đầy triết lý về sự nghịch lý: “Tạo hóa cho tôi một bộ não quá bé nhưng lại cho tôi một tham vọng quá lớn”. Đến đây sự nghịch lý đã chuyển thành vô lý và là tiền đề cho những việc làm trái đạo lý. Bởi vì nghịch lý là một khẳng định có vẻ như mâu thuẫn với chính nó, có thể đúng hoặc có thể sai, nhưng vô lý là ai đã giao cho ông việc ấy, rồi ông biết mình khả năng quá hạn chế mà vẫn nhận làm, để rồi phạm tội vì đồng tiền dơ bẩn.
Bản chất vấn đề ở đây là tính vị kỷ (hay sự tha hóa của cái tôi), lấy chủ nghĩa cá nhân, lợi ích cá nhân làm bệ phóng con đường danh vọng. Cho nên ông có thể từ nghịch lý, làm những việc phi lý, vô lý và chà đạp luôn đạo lý để kiếm lợi ích. Đây là điều mà các nhà nghiên cứu xã hội học đã đúc kết hiện tượng tha hóa trong xã hội là con người có quyền đòi hỏi nhiều hơn nhưng tự bớt đi nghĩa vụ của sự hiến dâng. Bằng tham vọng mà không có thực lực, sinh ra coi thường, bất chấp tất cả. Đến khi phạm tội ra tòa còn kêu khóc vì… mẹ già, vợ yếu, con thơ mà vẫn không thấy nhục. Con đường phạm tội của nhiều ông tướng như Nguyễn Thanh Hóa, Phan Văn Vĩnh sẽ cần luận giải nhiều góc độ, trong đó đặc biệt lưu ý là lỗ hổng nào để những nghịch lý, vô lý, dẫn đến việc làm trái đạo lý có đất dụng võ. “Bóng tối dưới chân đèn” có phải là nghịch lý đang tồn tại trong những “chân dung quyền lực”? Và nghịch lý “kiến trên dây cao su” cho thấy một con kiến bò trên sợi dây cao su có thể đạt đến điểm kết thúc ngay cả khi sợi dây kéo dài nhanh hơn nhiều so với kiến có thể bò. Có phải vì thế nên pháp luật thường có độ trễ hơn với cuộc sống, không kịp lấp kín những lỗ hổng khi trao quyền và giám sát quyền lực?
Những vụ án lớn vẫn đang tiếp tục được phanh phui, xét xử cho thấy có loại tội phạm thể hiện sự tha hóa quá lớn vì lợi ích vật chất. Nhiều quan chức giàu lên một cách bất thường và nhiều vụ việc vi phạm cho thấy “viên đạn bọc đường” đã làm gục ngã ngay cả cán bộ cấp cao. Trong hội nghị quán triệt về Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII) vừa diễn ra cuối tuần rồi, một thông tin cho biết 2 năm trở lại đây, Ủy ban Kiểm tra các cấp và các cơ quan chức năng đã kỷ luật nhiều tổ chức đảng cùng hàng nghìn cán bộ, đảng viên đương chức và về hưu. Đặc biệt đã có 59 cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có 13 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương, đã kỷ luật khai trừ đảng 1 Ủy viên Bộ Chính trị.
Có một cảnh báo đã hiện hữu, rằng nhiều vị quan chức giàu hơn về giá trị vật chất mà nghèo đi ghê gớm về giá trị sống. Nghịch lý này đang làm tha hóa đạo đức cá nhân dẫn đến suy đồi luân lý, đạo lý xã hội.
ĐĂNG QUANG