(QNO) - Chiều 15.5, tại TP.Tam Kỳ, Sở KH&CN thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả đề tài “Nghiên cứu đánh giá các giải pháp kè mềm bảo vệ bờ biển Cửa Đại, TP.Hội An hiện nay và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả”. ThS. Nguyễn Ngọc Thế - Trường Cao đẳng Công nghệ kinh tế và thủy lợi miền Trung làm chủ nhiệm đề tài.
Toàn cảnh buổi phản biện đề tài. Ảnh: K.L |
Báo cáo đề tài cho biết, trong khoảng 10 năm gần đây, tình trạng xói lở bờ biển Cửa Đại, Hội An diễn ra rất phức tạp, có nơi xói lở đã lấn sâu vào đất liền gần 200m. Đặc biệt, từ ngày 23.11.2015 do ảnh hưởng đợt gió mùa đông bắc, bờ biển Cửa Đại xói lở nghiêm trọng hơn và bắt đầu dịch chuyển dần về phía bắc, đe dọa xóa sổ hoàn toàn các bãi tắm đẹp và các khu resort du lịch ven biển.
Để khắc phục, năm 2014 tỉnh Quảng Nam đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng 400m kè mềm bằng bao tải địa kỹ thuật tại khu vực bãi tắm Cửa Đại; các resort ven biển cũng đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng các công trình kè, mỏ hàn bảo vệ bờ biển bằng các vật liệu bê tông, đá lát dọc bờ biển và túi địa kỹ thuật cách bờ biển 60 - 80m nhằm hạn chế tác động của biển xâm thực. Đến năm 2016 nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xử lý khẩn cấp tình trạng xói lở bờ biển Cửa Đại, bằng các giải pháp kè mềm và túi địa kỹ thuật Geotube cách bờ biển 60 - 80m.
Bờ biển Cửa Đại sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: K.L |
Tính đến nay khu vực bờ biển Cửa Đại đã được nhà nước và doanh nghiệp sử dụng rất nhiều giải pháp, hình thức, kết cấu để phòng chống xói lở. Nhưng nhìn chung cũng chỉ là tình thế giải pháp và cục bộ, chưa có cơ sở khoa học, không đồng nhất, không giải quyết được tổng thể tình trạng xói lở toàn tuyến bờ biển. Đồng thời cũng không thể khẳng định chắc chắn các công trình được đầu tư xây dựng này, nhất là giải pháp kè mềm, ống geotube bố trí dọc theo bờ biển hiện đang thi công áp dụng dọc bờ biển có phát huy hiệu quả và ổn định trong thời gian tới hay không.
Đề tài được thực hiện hướng đến 3 mục tiêu: đánh giá hiệu quả các giải pháp kè mềm hiện nay tại bờ biển Cửa Đại; đưa ra những khuyến nghị cần thiết về chủ trương đầu tư các dự án kè mềm tại bờ biển Cửa Đại; đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của các giải pháp kè mềm tại bờ biển Cửa Đại, đồng thời đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả cho các giải pháp kè mềm này thời gian tới.
Đề tài hướng đến nâng cao hơn nữa hiệu quả giải pháp kè mềm. Ảnh: K.L |
Tại buổi nghiệm thu, đa phần ý kiến phản biện đều đánh giá đề tài ở mức tương đối xuất sắc. Đặc biệt, sau khi nghiệm thu, Sở KH&CN sẽ tham mưu UBND tỉnh công nhận, bàn giao ứng dụng cho Sở NN&PTNT và TP.Hội An nghiên cứu đề xuất ứng dụng đề tài vào thực tế.
Được biết, đề tài nghiên cứu được thực hiện trong khoảng thời gian 18 tháng, kinh phí 777 triệu đồng từ ngân sách sự nghiệp khoa học. Ban đầu đề tài được thực hiện theo đơn đặt hàng của TP.Hội An, sau đó Hội An đã đề xuất chuyển đề tài từ cấp thành phố thành đề tài cấp tỉnh.
KHÁNH LINH