Nghiêm túc từng khâu, chọn người xứng đáng

NGUYÊN ĐOAN – VINH ANH 09/03/2021 07:46

Sáng 8.3, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị với đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh khóa X nhiệm kỳ 2021 - 2026 để hướng dẫn về nội dung, trình tự, thủ tục và cách làm hồ sơ ứng cử theo quy định tại bước 2 Quy trình hiệp thương.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Phi Hùng (giữa) trao đổi với các đại biểu dự hội nghị về việc giới thiệu người ra ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: ĐOAN VINH
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Phi Hùng (giữa) trao đổi với các đại biểu dự hội nghị về việc giới thiệu người ra ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: ĐOAN VINH

Sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất và điều chỉnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã thông báo đến 9 cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ giới thiệu 10 người (chưa kể 3 người ứng cử của Trung ương) ra ứng cử để bầu 7 ĐBQH khóa XV thuộc đơn vị tỉnh Quảng Nam và phân bổ cho 58 cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu 95 người ra ứng cử để bầu 57 đại biểu HĐND tỉnh khóa X (nhiệm kỳ 2021 – 2026).

Ba bước giới thiệu người ra ứng cử

Ông Nguyễn Phi Hùng – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, hội nghị được tổ chức nhằm bảo đảm việc giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh khóa X đúng số lượng, cơ cấu, thành phần theo thông báo của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Thời gian hoàn thành việc giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh khóa X chậm nhất ngày 13.3.2021.

Về quy trình giới thiệu người ứng cử, theo ông Nguyễn Phi Hùng gồm có ba bước: Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị họp để dự kiến người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV; tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị để giới thiệu ứng cử. Trên cơ sở ý kiến nhận xét và tín nhiệm của hội nghị cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc, của người được dự kiến giới thiệu ứng cử, hội nghị ban lãnh đạo mở rộng để thảo luận, giới thiệu người ứng cử ĐBQH.

Cũng theo ông Nguyễn Phi Hùng, ở bước 2, trường hợp người được giới thiệu ứng cử ĐBQH không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi công tác thì ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức việc giới thiệu người khác. Tương tự việc giới thiệu người ra ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026 bao gồm ba bước như nêu trên. Căn cứ vào kết quả của hội nghị ban lãnh đạo mở rộng, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm hướng dẫn người của cơ quan, tổ chức, đơn vị làm hồ sơ ứng cử và nộp về Ủy ban Bầu cử (UBBC) tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chậm nhất 17 giờ ngày 14.3.2021.

“Hội nghị cử tri nơi công tác để lấy ý kiến đối với người ứng cử được tổ chức ở nơi người ứng cử đang công tác hoặc làm việc. Trường hợp người ứng cử có nhiều nơi công tác hoặc nơi làm việc thì tổ chức lấy ý kiến của cử tri nơi người đó công tác hoặc làm việc thường xuyên” – ông Hùng lưu ý.

Phải đảm bảo cơ cấu

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca – Phó Chủ tịch UBBC tỉnh nhấn mạnh, việc giới thiệu người ứng cử là bước quan trọng để Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 đủ số lượng, đúng cơ cấu, thành phần theo dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực HĐND tỉnh để trình tại hội nghị hiệp thương lần thứ hai xem xét, quyết định vào ngày 18.3.2021. Nhất là phải đảm bảo cơ cấu: phụ nữ, trẻ tuổi, dân tộc thiểu số, người ngoài Đảng.

Về trình tự tổ chức hội nghị giới thiệu người ứng cử của cơ quan, tổ chức, đơn vị, theo ông Võ Xuân Ca, hội nghị giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XV tổ chức trước, sau đó tiến hành hội nghị giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa X. Đối với những người có nhiều chức danh, nhiều nơi công tác thì việc tổ chức lấy ý kiến của cử tri nơi công tác thường xuyên nhất; sau này hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú cũng sẽ tổ chức ở nơi người ứng cử có mặt thường xuyên.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca cho rằng, trải qua nhiều kỳ bầu cử nên nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử đại biểu dân cử đã có kinh nghiệm, tuy nhiên hiện một số tổ chức mới như bệnh viện, Trường PTDT nội trú tỉnh được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phân bổ giới thiệu người ứng cử - có khi sẽ còn lúng túng. Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tư vấn cụ thể, hoặc cử người xuống hỗ trợ nếu cần thiết nhằm đảm bảo việc tổ chức giới thiệu người ra ứng cử được thực hiện chặt chẽ, đúng trình tự, đúng luật định.

“Chúng ta phải hết sức nghiêm túc từng khâu, từng công việc, nhằm giới thiệu người ứng cử thật sự xứng đáng, chất lượng để cử tri Quảng Nam lựa chọn ra những người ĐBQH và đại biểu HĐND đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình” – ông Ca nói.

Theo ông Ca, có những người hăng hái ra ứng cử, song cũng sẽ có người ngần ngại, vì bản thân thấy rằng mình chưa thể đáp ứng được sự mong đợi mà cử tri gửi gắm, nên cần có sự động viên, ủng hộ người được giới thiệu ra ứng cử. Đặc biệt đối với phụ nữ và người ngoài Đảng ứng cử đại biểu dân cử nhiệm kỳ 2021 – 2026.

“Bám theo từng mốc thời gian gắn với mỗi nội dung công việc được quy định, Mặt trận sẽ làm hết sức để tổ chức cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, chọn được 7 ĐBQH khóa XV và 57 đại biểu HĐND tỉnh khóa X” – Phó Chủ tịch UBBC tỉnh Võ Xuân Ca nói.

Quy định vận động, tiếp nhận ủng hộ thiên tai, dịch bệnh sẽ có nhiều thay đổi

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa tổ chức hội nghị góp ý dự thảo nghị định thay thế Nghị định 64 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Nghị định 64 được cho đã bộc lộ nhiều điểm bất cập với tình hình hiện nay. Từ thực tiễn đó, dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định 64 đã nêu ra các điểm mới để đảm bảo sự phù hợp, tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan tại thời điểm hiện nay. Một trong số đó là quy định về cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện đảm bảo nghị định khi ban hành thể hiện được tính công khai, minh bạch, sử dụng hiệu quả nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân hỗ trợ khắc phục khó khăn, từ đó tạo dựng niềm tin, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân khi có thiên tai, dịch bệnh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. (A.ĐÔNG – N.ĐOAN)

Mặt trận Nông Sơn hỗ trợ người dân khắc phục thiên tai

Ông Phạm Phú Thủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nông Sơn cho biết, sau bão số 9 (năm 2020), huyện Nông Sơn có 13 nhà bị thiệt hại toàn bộ và 290 nhà bị thiệt hại từ 70% trở lên. Mặt trận huyện Nông Sơn đã tiếp nhận (2 đợt) tổng cộng 4,1 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của Mặt trận tỉnh phân bổ. Sau khi tiếp nhận, Mặt trận huyện đã triển khai hỗ trợ xây dựng nhà cho 13 hộ có nhà sụp hoàn toàn và 17 hộ nhà tạm có nguy cơ sạt lở (40 triệu đồng/nhà); đồng thời hỗ trợ sửa chữa 10 triệu đồng/nhà đối với 290 hộ có nhà bị thiệt hại từ 70% trở lên. Đến nay, cùng với các nguồn hỗ trợ khác (nguồn ngân sách Nhà nước, nhà hảo tâm…), người dân bị thiệt hại đã cơ bản triển khai xây dựng, sửa chữa lại nhà ở. Mặt trận huyện đang tiến hành kiểm tra, nghiệm thu, quyết toán báo cáo về tỉnh trước 31.3.2021. (V.ANH – M.LINH)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghiêm túc từng khâu, chọn người xứng đáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO