(QNO) - Sở KH&CN vừa nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống công trình tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống người Việt ở Quảng Nam”. Đề tài do TS. Lê Xuân Thông chủ nhiệm, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) chủ trì.
Thực hiện đề tài, TS. Lê Xuân Thông và cộng sự đã nghiên cứu bối cảnh hình thành hệ thống công trình tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống người Việt ở Quảng Nam; nghiên cứu về chùa, đình, đền miếu, nhà thờ, đặc điểm, vai trò và giá trị hệ thống công trình tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống người Việt ở Quảng Nam; thực trạng và đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống công trình tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống người Việt ở Quảng Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa.
Theo TS. Lê Xuân Thông, thời gian qua Quảng Nam có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ di sản văn hóa và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tính đến năm 2019, toàn tỉnh có 430 di tích được xếp hạng, bao gồm 4 di tích quốc gia đặc biệt, 63 di tích cấp quốc gia và hơn 360 di tích cấp tỉnh; trong đó chiếm 1/3 là di tích thuộc loại hình công trình tôn giáo, tín ngưỡng như đình, chùa, lăng, miếu, nhà thờ tiền hiền, nhà thờ tộc… Đó là chưa kể hệ thống các điểm di tích thuộc Di tích quốc gia đặc biệt - Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An.
Ngoài ra, Quảng Nam có 322 di tích trong danh mục đăng ký bảo vệ giai đoạn 2019 - 2024. Về cơ bản, các di tích đã được bảo vệ, gìn giữ và quản lý tương đối tốt, tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước về di sản văn hóa, chưa xảy ra trường hợp đáng tiếc về xâm hại, hủy hoại hay làm biến dạng di tích do tác nhân chủ quan.
Nhiều di sản văn hóa phi vật thể gắn liền (cũng như lễ hội) cũng được đánh giá, lựa chọn đưa vào danh mục di sản văn hóa thế giới phi vật thể quốc gia (lễ hội Bà Thu Bồn, lễ hội rước cộ Chợ Được, lễ hội Bà Phường Chào…). Các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống dù đã được xếp hạng hay chưa thì hầu hết được trùng tu, tôn tạo và cả tân tạo.
Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ công trình tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống tại Quảng Nam cũng còn những tồn tại, bất cập. Trước hết là vấn đề xác lập hồ sơ kỹ thuật thửa đất tại nơi xây dựng công trình và phạm vi khoanh vùng khu vực bảo vệ trên bản đồ địa chính, phần nhiều chưa được thực hiện. Chưa có hệ thống mốc giới trên thực địa, ngoại trừ những thiết chế đã xây dựng tường rào cổng ngõ. Ở một số công trình tín ngưỡng có tình trạng hương tàn bàn lạnh, cỏ cây mọc um tùm sau những ngày lễ hội rộn ràng...
Nhóm tác giả đã đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị hệ thống công trình tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống của người Việt ở Quảng Nam. Trước hết là nhất quán về quan điểm, nguyên tắc và định hướng bảo tồn và phát triển hệ thống công trình tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống người Việt ở Quảng Nam. Cụ thể như: đảm bảo cân bằng giữa bảo tồn và phát triển; đảm bảo sự đồng thuận của các bên; xác định những giá trị di sản không thể đánh đổi.
Thứ hai là nhóm giải pháp liên quan đến công tác quản lý nhà nước và hoạt động xây dựng, trùng tu, tôn tạo; nhóm giải pháp liên quan nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị của hệ thống công trình tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống của người Việt ở Quảng Nam.
Bên cạnh đó còn có các giải pháp quan trọng như: phát huy vai trò của chủ thể sáng tạo, sở hữu, sử dụng; nhóm giải pháp khai thác, phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh; nhóm giải pháp huy động nguồn lực xã hội, nâng cao trình độ nguồn nhân lực…