Nghiên cứu giải pháp kỹ thuật phát triển đàn trâu ở Quảng Nam

HOÀNG LIÊN 16/12/2020 15:51

(QNO) - Ngày 16.12, Sở KH&CN nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu giải pháp kỹ thuật để phát triển đàn trâu ở Quảng Nam”, do bác sĩ thú y Nguyễn Thị Bích Liên chủ nhiệm, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam chủ trì.

Triển khai từ tháng 10.2017 - 9.2020, ban chủ nhiệm đề tài hướng tới mục tiêu cải tạo đàn trâu ở Quảng Nam thông qua việc lai tạo giữa trâu Murrah với trâu nội, trâu nội với trâu nội bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT) nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi tại Quảng Nam. Nhóm nghiên cứu cũng hoàn thiện quy trình kỹ thuật chăn nuôi trâu bán thâm canh. 

Việc lai tạo, tạo con giống có phẩm chất tốt, bảo tồn nguồn gen tốt trên đàn trâu vẫn chưa được chú trọng ở Quảng Nam. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Việc lai tạo, tạo con giống có phẩm chất tốt, bảo tồn nguồn gen tốt trên đàn trâu vẫn chưa được chú trọng ở Quảng Nam. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Đề tài triển khai tại 9 xã của 3 huyện đại diện cho 3 vùng sinh thái gồm: xã Tam Dân, Tam Thành, Tam An (Phú Ninh); Bình Tú, Bình An, Bình Định Nam (Thăng Bình); Quế Thọ, Quế Lưu, Hiệp Thuận (Hiệp Đức).

Nhóm nghiên cứu đã triển khai trên phạm vi 450 hộ chăn nuôi trâu, 180 trâu cái địa phương nuôi trong nông hộ, 90 trâu lai F1. Nghiên cứu đã góp phần cải tạo đàn trâu theo hướng nâng cao tầm vóc, trọng lượng nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Bác sĩ thú y Nguyễn Thị Bích Liên cho biết, việc TTNT đã được ứng dụng rộng rãi trên đàn bò và heo, nhưng với đàn trâu thì vẫn còn mới mẻ ở miền Trung nói chung, Quảng Nam nói riêng. Việc TTNT cho trâu sẽ góp phần giải quyết được vấn đề thiếu đực giống tốt, thoái hóa do cận huyết, cải thiện đàn trâu địa phương, mang lại thu nhập cho người chăn nuôi. Tại Quảng Nam, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào đánh giá về TTNT cho trâu do việc áp dụng biện pháp TTNT cho trâu chưa nhiều, phương pháp phối giống cho trâu chủ yếu giao phối trực tiếp, người dân chưa có kinh nghiệm phát hiện động vật động dục, trâu không được phối lai kịp thời nên tỷ lệ thụ thai bằng phương pháp TTNT còn thấp.

Bác sĩ thú y Nguyễn Thị Bích Liên kiến nghị, cần phải xây dựng hệ thống quản lý giống vật nuôi để bảo vệ nguồn gen, chọn lọc, lai tạo và nhân giống trâu thịt, có kế hoạch cụ thể cho chương trình nâng cao chất lượng giống đạt hiệu quả. Để nâng cao chất lượng giống chăn nuôi, cần cải tạo đàn giống hiện có theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghiên cứu giải pháp kỹ thuật phát triển đàn trâu ở Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO