Nghiên cứu khoa học - công nghệ: Cần ứng dụng thực tiễn

TRẦN BÍCH LIÊN 21/10/2015 09:47

Yếu về nguồn lực đầu tư cho khoa học – công nghệ (KH-CN), thiếu hụt cán bộ chuyên trách tuyến địa phương, khâu đầu tư nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng kết quả từ các đề tài/dự án vào thực tiễn chưa được đẩy mạnh… là thực trạng chung của bức tranh KH-CN Quảng Nam.

Hạn chế nguồn lực

Tại buổi làm việc với Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh mới đây, ông Phạm Ngọc Sinh, Phó Giám đốc Sở KH-CN báo cáo, giai đoạn 2006 - 2015, trong tổng số 135,7 tỷ đồng vốn là ngân sách chi cho KH-CN thì vốn đầu tư cho hoạt động sự nghiệp KH-CN chiếm 93%, trong khi chi cho đầu tư phát triển KH-CN chỉ đạt 7%. Mỗi năm, tổng chi ngân sách cho KH-CN, kể cả kinh phí sự nghiệp KH-CN lẫn kinh phí đầu tư phát triển KH-CN của tỉnh chỉ chiếm khoảng 0,14% tổng chi ngân sách (trong khi tại nhiều tỉnh/thành, nguồn đầu tư này có thể đạt 2%). Cũng theo ông Phạm Ngọc Sinh, ngân sách đầu tư cho KH-CN ở Quảng Nam thuộc mức thấp nhất lại phân tán cho nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện, triển khai các nhiệm vụ trọng điểm cũng như phát triển KH-CN. Mười năm qua, Quảng Nam không triển khai được các dự án nâng cao tiềm lực cho các tổ chức KH-CN, số lượng nhiệm vụ thực hiện hằng năm còn ít, kinh phí phân bổ cho từng nhiệm vụ còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu và đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhu cầu cải tiến sản xuất ở làng nghề truyền thống rất lớn. Ảnh: Bích Liên
Nhu cầu cải tiến sản xuất ở làng nghề truyền thống rất lớn. Ảnh: Bích Liên

Không chỉ hạn chế về mặt nguồn lực đầu tư cho KH-CN từ trung ương, từ tỉnh, hoạt động của ngành KH-CN tỉnh còn đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nhân lực KH-CN. Dù Nghị quyết 58 do HĐND tỉnh phê duyệt, đến năm 2010, mỗi địa phương phải bố trí ít nhất 1 cán bộ chuyên trách về KH-CN, song tới thời điểm này, cả tỉnh chỉ có duy nhất TP.Hội An là có cán bộ chuyên trách KH-CN. Còn tại 17 huyện/thành phố/thị xã khác, cán bộ KH-CN chủ yếu kiêm nhiệm, dẫn đến hiệu quả thấp, KH-CN cấp huyện chưa tạo động lực và đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Tình trạng bất hợp lý giữa đào tạo, sử dụng và phân bố nguồn nhân lực KH-CN cũng là rào cản lớn, hạn chế sự phát triển của ngành KH-CN. Nhiều đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung mổ xẻ sự bất cập trong đào tạo, sử dụng lãng phí nguồn lực ở lĩnh vực giáo dục (309 thạc sĩ, tiến sĩ) và y tế (315 thạc sĩ, tiến sĩ). Đáng nói, ở 2 lĩnh vực này, tuy có số lượng thạc sĩ, tiến sĩ ở mức cao, song những người có trình độ cao học chủ yếu được bố trí vào lĩnh vực quản lý hành chính hơn là lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng KH-CN. “Không cần tập trung đầu tư đào tạo một tiến sĩ, thạc sĩ để đi quản lý, mà cần đầu tư đào tạo mạnh cho lực lượng nghiên cứu ở các trung tâm, viện KH-CN về nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao những thành tựu KH-CN vào đời sống, cho sự phát triển của tỉnh” -  một đại biểu ở Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh nhấn mạnh.

Yếu nghiên cứu, ứng dụng

Theo ông Nguyễn Đức, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, trong thời gian tới, Sở KH-CN cần có sự đôn đốc, quản lý kết quả nghiên cứu đề tài sau nghiệm thu, đề xuất cơ chế hỗ trợ ứng dụng các đề tài sau nghiên cứu. Nghiên cứu phải sát với thực tiễn, phục vụ cho thực tiễn đời sống. Riêng những khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn lực ngân sách, con người, cơ chế liên quan đến Nghị quyết 58, sẽ trình UBND tỉnh xem xét. Cùng với đó, việc giám sát bố trí nguồn lực đầu tư cho hoạt động KH-CN cũng như khâu xử lý có hiệu quả nguồn lực cũng sẽ được quan tâm.

Nhìn nhận, đánh giá thực trạng KH-CN tỉnh nhà qua 10 năm, nhiều đại biểu tỏ ra không ít băn khoăn. Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh nhận định: “Nói một cách khách quan, bức tranh KH-CN của tỉnh vẫn còn hết sức ảm đạm. KH-CN đầu tư cho nông nghiệp cũng chưa tạo bước đột phá, chỉ mới dừng lại ở những thành tựu sơ khai, nền nông nghiệp công nghệ cao vẫn chưa hình thành. Cho tới nay, những vấn đề bức thiết của nông nghiệp như: công nghệ bảo quản, chế biến nông lâm sản nhằm tăng giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường vẫn chưa được chú trọng. Nguồn lực còn yếu, nhân lực chưa đảm bảo, vật lực chưa được kiện toàn thì lấy cái gì để làm. Cái gì chúng ta cũng có hết nhưng chưa ra cái gì cả...”.

Sự mất cân đối ở những nhóm lĩnh vực nghiên cứu thuộc danh mục những đề tài/nhiệm vụ KH-CN được triển khai trong 10 năm qua cũng là vấn đề được nhiều đại biểu HĐND mổ xẻ, phân tích. Cụ thể như, nhóm đề tài ở lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn lại được bố trí nghiên cứu chiếm số lượng lớn, trên 60% tổng số, trong khi nhóm đề tài ở lĩnh vực khoa học tự nhiên, y tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ còn khá thấp. Chỉ tính riêng giai đoạn 2011 - 2015, số đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn chiếm 18 trong tổng số 59 đề tài được triển khai. Trong khi đó, lĩnh vực khoa học tự nhiên chỉ có 2 đề tài, khoa học kỹ thuật và công nghệ 8 đề tài, khoa học y dược 5 đề tài. Đề cập sự bất cân đối này, có ý kiến đề nghị: Trong giai đoạn tới, cần hạn chế sử dụng ngân sách KH-CN vào mục đích nghiên cứu lịch sử truyền thống ngành, bởi bản thân các ngành này phải dùng ngân sách của ngành để nghiên cứu những việc đó. Cần tập trung vào nghiên cứu, có cơ chế đặt hàng, mời các nhà khoa học vào cuộc. Sản phẩm từ nghiên cứu phải sát thực tiễn đời sống, trước mắt cần tập trung tìm giải pháp tạo giống cây trồng, con vật nuôi mới đem lại hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho người dân...

TRẦN BÍCH LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghiên cứu khoa học - công nghệ: Cần ứng dụng thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO