Nghiên cứu văn hóa dân gian Quảng Nam: Cần một "cú hích"

DUY HIỂN 08/06/2014 06:58

Là địa bàn giao lưu, tiếp biến của nhiều nền văn hóa lớn, lại đa thành phần dân tộc nên Quảng Nam sở hữu kho tàng văn hóa dân gian rất phong phú. Đây quả là “cánh đồng màu mỡ” cho các nhà nghiên cứu tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị.

Trò chơi bài chòi tại Lễ hội Bà Thu Bồn năm 2014. Ảnh: D.H
Trò chơi bài chòi tại Lễ hội Bà Thu Bồn năm 2014. Ảnh: D.H

Sau khi chia tách tỉnh, các ngành chức năng như Sở VH-TT&DL với sự cộng tác của một số nhà khoa học, nhà văn đã sưu tầm, nghiên cứu xuất bản được một số tác phẩm như Văn học dân gian miền biển, Văn học dân gian miền núi, Thủ Thiệm, Phong tục tập quán lễ hội Quảng Nam... Ban Dân tộc tỉnh có cuốn Tìm hiểu con người miền núi Quảng Nam. Nhiều địa phương cũng đã và đang soạn thảo các bộ địa chí của mình. Một số cơ quan nghiên cứu có uy tín như Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng cũng đã và đang thực hiện nhiều công trình nghiên cứu văn hóa dân gian tại Quảng Nam. Đặc biệt, ở Hội An gần 10 năm nay đã có Chi hội Văn nghệ dân gian với 5 hội viên trực thuộc Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Ba người trong số họ là tiến sĩ, thạc sĩ các chuyên ngành dân tộc học, văn hóa học. Đến năm 2012, Hội VH-NT Quảng Nam thành lập Chi hội Văn nghệ dân gian với 23 hội viên, trong đó có 6 hội viên trung ương.

Tiến sĩ Trần Tấn Vịnh cho rằng, đội ngũ nghiên cứu văn hóa dân gian của tỉnh hoạt động ở nhiều lĩnh vực như sưu tầm, nghiên cứu, giảng dạy thuộc nhiều địa bàn như miền núi, đô thị và ở các lĩnh vực như lễ hội, âm nhạc, kiến trúc, văn học dân gian… Nhiều người có kinh nghiệm và thâm niên trong công tác nghiên cứu. Chính vì vậy, trong những năm qua, họ đã cho ra nhiều công trình có giá trị như: Cư dân Faifo Hội An trong lịch sử của thạc sĩ sử học Nguyễn Chí Trung, Nhà gỗ Hội An - những giá trị và giải pháp bảo tồn của thạc sĩ văn hóa học Trần Ánh, Ghe bầu xứ Quảng của Trần Văn An. Múa thiên cẩu của Trần Văn An, Trương Hoàng Vinh. Trần Tấn Vịnh có Nghề dệt và trang phục thổ cẩm của người Cơ Tu, các tập sách ảnh Dân tộc Cơ Tu, Dân tộc Co. Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cũng đã cho ra đời công trình: Nghề truyền thống ở Hội An, Lễ lệ, lễ hội Hội An.  Các hội viên công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam đã thực hiện được một số phim tài liệu: Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu, Âm nhạc dân tộc Co, Phong tục tập quán và lễ hội ở Quảng Nam, Điều tra, sưu tầm, nghiên cứu các làng nghề truyền thống ở Quảng Nam… Một số tác phẩm đã giành được giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Giải thưởng văn học nghệ thuật Đất Quảng.

Ngoài những thành tựu nêu trên, ba năm qua, hội viên văn nghệ dân gian cũng đã phối hợp với các ngành văn hóa xây dựng hồ sơ khoa học về các nghề, làng nghề thủ công, lễ hội, diễn xướng dân gian, nghệ thuật tạo hình… để đề nghị công nhận di sản văn hóa cấp quốc gia. Trong số hồ sơ này, đến nay, Bộ VH-TT&DL đã đưa di sản Hát bả trạo trong Lễ hội cầu ngư xứ Quảng, Lễ hội cộ Bà chợ Được vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Múa tâng tung - da dá và nói lý, hát lý cũng đang được xem xét. Thành tựu nghiên cứu văn hóa dân gian đã góp phần tạo cơ sở khoa học cho việc xây dựng các kịch bản lễ hội như Festival di sản Quảng Nam, Lễ hội Đêm rằm phố cố, Ấn tượng Mỹ Sơn. Mặt khác, nghiên cứu văn hóa dân gian cũng giúp nhiều người thành công trong sáng tác. Nhạc sĩ Dương Trinh cho rằng: “Các làn điệu dân ca của đồng bào thiểu số ở Quảng Nam rất phong phú. Việc sưu tầm, nghiên cứu gia tài này có thể giúp tạo nên chất liệu cho sáng tác âm nhạc. Đây cũng là phương châm sáng tác của bản thân tôi”.

Tuy nhiên, những thành tựu nêu trên, phần lớn bắt nguồn từ sự nỗ lực của những người nghiên cứu trong việc tìm “mạnh thường quân”. Kinh phí cho các công trình nghiên cứu phần lớn được tài trợ bởi Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ VH-TT&DL, Nhà xuất bản Thông tấn hoặc kinh phí thuộc đề tài khoa học cấp tỉnh. Nguồn tài trợ của Hội VH-NT tỉnh trong năm 2013 cho Chi hội Văn nghệ dân gian chỉ được 10 triệu đồng. (Trong khi đó, tại Đại hội Hội VH-NT Quảng Nam lần thứ VIII - 2014 vừa rồi cho thấy số tiền của Quỹ hỗ trợ sáng tác bị chi sai mục đích lên đến 466 triệu đồng). Trong bối cảnh đó, sự biến đổi, mai một các giá trị văn hóa dân gian, nhất là vùng miền núi đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Do sự tác động của các chính sách kinh tế - xã hội, việc xây dựng các công trình thủy điện đã làm thay đổi phương thức sản xuất, định cư, phong tục tập quán lối sống, kiến trúc, trang phục, ẩm thực… của đồng bào thiểu số. Nhiều giá trị văn hóa quý giá đã biến mất hoặc đã thay đổi trước khi được nghiên cứu tường tận. Nếu không kịp sưu tầm, nghiên cứu và lưu giữ bằng các phương tiện sách báo, phim ảnh thì những mất mát này khó có thể tìm kiếm lại được.

Bên cạnh việc thu hút các nhà nghiên cứu thuộc các cơ quan trung ương và ngoài tỉnh, cũng cần chú trọng xây dựng, củng cố đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu văn hóa dân gian trong tỉnh. Lâu nay, hoạt động của Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh vẫn còn nặng tính hình thức. Ông Phùng Tấn Đông cho biết: “Chi hội Văn nghệ dân gian cần hoạt động tích cực hơn, có kế hoạch rõ ràng. Mỗi năm phải có ít nhất một công trình. Nhưng muốn vậy, cần phải có sự đầu tư kinh phí thích đáng thì việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn vốn văn hóa dân gian mới mang lại kết quả”. Để cho ra đời được một công trình sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân gian, cần rất nhiều công sức, từ việc điền dã đến việc nghiên cứu nguồn sử liệu, tư liệu thu được. Nếu không có nguồn kinh phí hỗ trợ thích đáng, khó có thể hoàn thành. Bởi vậy, để nghiên cứu văn hóa dân gian đóng góp tích cực hơn vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, cần có một “cú hích” mới, nhất là về tài chính.

DUY HIỂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghiên cứu văn hóa dân gian Quảng Nam: Cần một "cú hích"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO