Nghiên cứu về di sản văn khắc Chăm

TRẦN KỲ PHƯƠNG 08/06/2023 07:44

(VHQN) -  Học giả tiếng Phạn nổi danh người Pháp - Abel Bergaigne là người khởi đầu cho việc nghiên cứu văn khắc Chăm từ cuối thế kỷ 19. Những nghiên cứu và bản dịch đầu tiên về văn khắc Chăm của ông đã được xuất bản vào năm 1893, nhưng trong đó chỉ đề cập những văn khắc bằng tiếng Phạn (Sanskrit).

Tháp Khương Mỹ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Tháp Khương Mỹ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Trước đó 2 năm, một học giả nổi tiếng khác là Étienne Aymonier đã viết một chuyên luận tựa đề “Nghiên cứu đầu tiên về văn khắc Tcham (Chăm)”, nội dung lại chỉ đề cập những văn khắc được viết bằng ngôn ngữ bản địa của người Chăm tức là tiếng Chăm.

Hành trình dài nghiên cứu

Trong hai thập niên đầu của thế kỷ 20, việc nghiên cứu những văn khắc tiếng Phạn và tiếng Chăm đã có những tiến bộ vượt bậc, nhờ vào nỗ lực của George Cœdès, Édouard Huber và đặc biệt là Louis Finot, là 3 thành viên của Trường Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO).

Năm 1906, một giáo sư Đại học Paris khác là Antoine Cabaton tiếp tục công việc đầy thử thách này; mặc dù ông chỉ công bố một ít nghiên cứu về văn khắc tiếng Chăm, nhưng đã đóng góp quan trọng trong việc biên soạn quyển từ điển tiếng Chăm hiện đại cùng với Étienne Aymonier.

Tháp Chiên Đàn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Tháp Chiên Đàn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Cũng trong giai đoạn đầu thế kỷ 20, Cœdès đã biên soạn một bản thống kê mà ông gọi là “Danh mục chung” các văn khắc của Chămpa (bao gồm tiếng Phạn và tiếng Chăm). Mỗi văn khắc được đặt ký hiệu bằng số Ả Rập (1, 2, 3…) bắt đầu với chữ “C.” (C = Campā).

Ở dưới mỗi ký hiệu là những thông tin hữu ích như: nơi phát hiện, nơi lưu giữ hiện nay (nếu đã được chuyển đến nơi khác sau khi tìm thấy); ngôn ngữ bản khắc là tiếng Phạn hay tiếng Chăm; niên đại; khả năng sao chép lại trong các thư viện công cộng; nguồn tham khảo. Đây thật sự giống như cuốn danh bạ “minh văn” cho những ai muốn nghiên cứu văn khắc Chăm.

Phiên bản đầu tiên của công trình này gồm có 118 mục được xuất bản vào năm 1908, phiên bản thứ 2, với 170 mục ra đời năm 1923; các bảng phụ lục được xuất bản vào năm 1937 với 196 đề mục, nhưng đã được bổ sung thêm đạt đến 200 mục trong ấn bản năm 1942. Sau đó danh sách này không được dùng tới nữa; nhiều thập niên trôi qua không có ghi chép quan trọng nào về những văn khắc mới được phát hiện.

Với rất ít công trình về văn khắc Chăm sau khi các học giả EFEO công bố vào những năm 1920 và 1930, việc nghiên cứu văn khắc ở EFEO và các nơi khác đã phải dừng lại hoàn toàn bởi Thế chiến thứ II và tiếp theo là các cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam.

Bản dập bia An Thái hiện bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội.
Bản dập bia An Thái hiện bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội.

Vào thời điểm đó, việc nghiên cứu văn khắc bằng tiếng Phạn được quan tâm nhiều hơn cho nên cũng đạt được nhiều tiến bộ hơn so với việc nghiên cứu văn khắc tiếng Chăm.

Mặc dù còn những thiếu sót nghiêm trọng kiến thức về văn khắc Chăm, vẫn có một số tác phẩm lịch sử nghệ thuật và lịch sử chính trị xuất bản vào thế kỷ 20, mà nội dung phần lớn dựa trên các tư liệu văn khắc này đã công bố; và cho đến tận ngày nay chúng vẫn được các học giả tham khảo và sử dụng.

Cần nhấn mạnh rằng, tác giả của những công trình đó không biết rằng nguồn tham khảo về văn khắc Chăm dựa trên một dữ liệu chưa được hoàn chỉnh. Và thậm chí, dù cho họ có nhận thức được về sự thiếu hụt này, thì trong chừng mực nào đó, những nhận thức ấy cũng sẽ bị biến mất hoàn toàn ở những thế hệ nghiên cứu kế tiếp.

Những lưu ý về ký tự và ngôn ngữ

May mắn thay, vào thập niên đầu thế kỷ 21, Trường Viễn đông Bác cổ ở Paris lại tiếp tục hỗ trợ công trình sưu tầm và dịch thuật văn khắc Chăm. Dự án này mang tên “Études du corpus des inscriptions du Campa III (ECIC III)” (Nghiên cứu sưu tập văn khắc Champa III (ECIC III) được điều hành bởi GS. Arlo Griffiths - một chuyên gia nổi tiếng về bi ký Đông Nam Á và các cộng sự.

Họ nghiên cứu lại những bản dịch của thế hệ học giả những năm 1930 bao gồm nhiều bản văn khắc chưa được công bố cùng với những văn khắc mới phát hiện gần đây. Đồng thời xem xét lại những bản dịch trước kia, sửa chữa các lỗi đọc sai, nhằm hoàn thiện cách diễn đạt trong những văn bản cũ.

Công trình đầu tiên của dự án này được xuất bản là tác phẩm “Văn khắc Champa tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng” xuất bản năm 2012 bằng song ngữ Việt - Anh. Trong tác phẩm này, hầu hết văn khắc của bảo tàng, bao gồm các tấm bia còn nguyên vẹn cho tới những mảnh vỡ, đều được dịch và chú thích cẩn thận ra tiếng Anh và sau đó được dịch ra tiếng Việt.

Khi nghiên cứu văn khắc Chăm, học giả cần phải phân biệt được giữa hệ thống ký tự và ngôn ngữ. Hai ngôn ngữ phổ biến được dùng để viết ở vương quốc Champa là tiếng Phạn (Sanskrit) và tiếng Chăm cổ, nhưng chỉ có một hệ thống ký tự được sử dụng để viết chung cho cả hai ngôn ngữ này.

Giống như hầu hết nền văn minh cổ ở Đông Nam Á, lịch sử sáng tác văn khắc Chăm bắt đầu từ những văn bản bằng tiếng Phạn, chúng được viết bằng một loại ký tự có nguồn gốc từ Ấn Độ. Loại ký tự này có bảng chữ cái được hình thành vào thế kỷ 3 trước Công nguyên dưới triều vua Aśoka (A Dục Vương), cai trị vùng Bắc Ấn, được gọi là “brāhmī lipi”, nghĩa là “hệ thống ký tự (lipi) của Brahma”, dựa theo tên thần kiến thức Brahma.

Vài thế kỷ sau khi được sáng lập, ký tự Brāhmī phân biệt thành hai kiểu thức khác nhau được sử dụng ở Bắc Ấn và Nam Ấn là Bắc Brāhmī và Nam Brāhmī. Theo các học giả, chữ viết thịnh hành ở Đông Nam Á là kiểu chữ Nam Brāhmī.  

Văn khắc ra đời nhằm phục vụ không chỉ cho những mục đích nơi trần thế mà còn cho thế giới siêu nhiên. Trong hầu hết trường hợp, chúng còn là đại diện cho sự hiện hữu của các vị vua.

Chúng ta có thể thấy được sự khác biệt trong việc sử dụng tiếng Phạn và tiếng Chăm đã phản ánh tính chất trần tục của một, hay một phần văn bản: càng đề cập nhiều đến sự vĩnh hằng - danh tiếng của các vị vua và quyền năng của thần linh - thì khả năng dùng tiếng Phạn sẽ nhiều hơn; nhưng nếu đề cập những nhu cầu trong đời sống xã hội, thì tiếng Chăm sẽ được sử dụng nhiều hơn.

Suy nghĩ bước đầu về sự bảo tồn

Trong số những văn khắc Chăm đã được sưu tập, phần lớn xuất xứ từ Mỹ Sơn, một số khác từ nơi khác của Quảng Nam và Đà Nẵng. Trong bộ sưu tập này, có những văn khắc nổi tiếng với nội dung phong phú và có niên đại rõ ràng như những văn bia của Mỹ Sơn, chúng được dựng liên tục qua các triều vua từ thế kỷ 4 - 5 cho đến thế kỷ 13.

Những văn khắc mang nội dung Phật giáo của Đồng Dương, năm 875, và An Thái, năm 902, là nguồn tài liệu vô cùng quý giá để tìm hiểu về tư tưởng độc đáo của Phật giáo Champa và Đông Nam Á. Bảo tồn văn khắc Chăm là một vấn đề cấp thiết, bởi đó là nguồn tham khảo quý giá và xác thực về lịch sử của vương quốc Champa nói chung cũng như của xứ Quảng xưa.

Riêng tại Quảng Nam, là một trong những tìm thấy nhiều văn khắc quan trọng, cho nên việc bảo tồn loại di sản này trở nên cấp thiết hơn. Trước mắt, chúng ta cần có những dự án dài hạn để sưu tập các thác bản (bản dập) văn khắc các bi ký hiện còn giữ tại các di tích như Khương Mỹ, Chiên Đàn, Hương Quế, Đồng Dương, Bằng An... hay đang bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Bên cạnh đó có thể liên lạc với Thư viện Trường Viễn đông Bác cổ Paris, là nơi lưu trữ nhiều nhất các thác bản văn khắc Chăm, để xin sao chép lại. Những thác bản văn khắc sưu tầm được không chỉ bảo quản và phục vụ tại Thư viện Quảng Nam, mà còn nên trưng bày tại Bảo tàng Quảng Nam, Bảo tàng Mỹ Sơn để phục vụ du khách có nhu cầu, như một hình thức giới thiệu và giáo dục cho thế hệ mai sau tiếp tục học hỏi và nghiên cứu.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghiên cứu về di sản văn khắc Chăm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO