Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam vừa trao giải thưởng và tặng phẩm cho 77 trong số 103 công trình đăng ký, bao gồm nhiều lĩnh vực, từ nghệ thuật diễn xướng đến âm nhạc dân gian cho các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian… Hai giải Nhất được trao cho công trình nghiên cứu “Phật viện Đồng Dương – Một phong cách của nghệ thuật Chăm Pa” – tác giả Ngô Văn Doanh và “Nghệ thuật diễn xướng Mo Mường” – chủ biên PGS-TS. Kiều Trung Sơn.
“Phật viện Đồng Dương – Một phong cách của nghệ thuật Chăm Pa” của tác giả Ngô Văn Doanh, với tư liệu điền dã nhiều năm, cộng với việc tổng kết tư liệu những người đi trước, đã khẳng định về sự hình thành và tồn tại của một phong cách Đồng Dương của nghệ thuật Chăm Pa. Đây là công trình nghiên cứu đã xuất bản năm 2015, mô tả khá kỹ càng về quần thể kiến trúc Phật viện Đồng Dương (Thăng Bình, Quảng Nam). Theo PGS-TS. Ngô Văn Doanh, bằng cuộc khai quật được tiến hành vào năm 1902, các nhà nghiên cứu của Pháp đã phát hiện ra cả quần thể kiến trúc Phật giáo lớn vào loại bậc nhất và cũng độc đáo nhất của Chăm Pa và khu vực Đông Nam Á. Toàn bộ khu di tích là những cụm kiến trúc kế tiếp nhau chạy dài suốt 1.330 mét theo hướng từ tây sang đông. Trong quần thể kiến trúc đô thành lớn này, khu đền thờ Phật hay thường được gọi là Phật viện nằm trong một vành đai hình chữ nhật rộng có tường bao quanh.
Trên cơ sở phân tích bố cục kiến trúc và các biểu tượng thờ phụng trong các đền miếu lớn nhỏ khác nhau, các nhà nghiên cứu gần như đã khẳng định thành Đồng Dương là một đô thành thiêng tiêu biểu của Chăm Pa, còn Phật viện Đồng Dương chính là tu viện Lakshmindra Lokesvara mà bia ký đã nhắc đến.
SONG ANH