Làng tôi ở nằm bên kia sông Thu Bồn. Tôi có cả tuổi thơ lang thang dọc theo bờ sông hằng ngày, đợi nước cạn ngụp lặn giữa dòng sông nhặt sò. Tôi không hiểu bằng cách nào mà những con sò tụ về đây nhiều đến độ cũng chỉ một chỗ của dòng sông thôi, ngày hôm qua tôi đã bắt rất nhiều con sò trú ẩn dưới lớp đất phù sa kia, vậy mà hôm sau lại có những con sò khác xuất hiện. Tôi quen từng chỗ nông sâu của dòng sông từ đấy.
Gia đình tôi tính ra chỉ có hai người ở nhà, là mẹ tôi và tôi. Bởi ba tôi, cũng giống như những người đàn ông khác ở trong làng, mỗi năm chỉ về nhà vào dịp tết. Còn bao nhiêu tháng năm còn lại, ba dong ruổi khắp chốn với chiếc bào, chiếc đục làm nghề mộc. Làng tôi ở là một làng mộc nổi tiếng từ hàng trăm năm nay. Ngày xưa, bằng tài hoa của mình, nghệ nhân của làng đã tạo ra những căn nhà cổ, những tủ thờ và nhiều vật dụng chạm khắc gỗ ở phố cổ Hội An, bên kia sông. Tôi vẫn thường thi bơi từ phía làng tôi sang bờ bên kia, phố Hội. Có những khi buồn bã, tôi vẫn đứng bên này ngắm nhìn những ngôi nhà bên kia sông, hình dung ra một ngày tôi sẽ gặp tình yêu của mình ở đó. Tôi có trí tưởng tượng phong phú, có thể do đọc khá nhiều truyện trong ngăn tủ của ba để lại.
Tôi không hiểu những bộ sách đó ở đâu ra? Hình như là ngay từ thời đi học, ba tôi rất mê sách. Những cuốn sách ông mua được từ trong các tiệm sách cũ ở nhiều nơi, gom góp, cất giữ. Những khi đôi chân lang bạt đã mỏi, ông trở về căn nhà nhỏ dưới những hàng cau để nghỉ ngơi, đọc sách. Có khi mẹ nói: “Tại sao ông cứ đi mãi thế? Cứ bỏ hai mẹ con tôi ở nhà, buồn lắm!”. Ba tôi cười: “Ừ, còn sức trẻ còn đi. Khi tôi già rồi thì có chút vốn, hai vợ chồng mình sinh sống. Rồi con Ngọc cũng bỏ hai vợ chồng mình đi theo người khác thôi”.
Mẹ tôi là một người đàn bà quê hiền lành. Mẹ học nghề may từ ngoại, rồi khi khách du lịch tấp nập tìm tới Hội An bà đã qua sông mở ra một tiệm may nóng tại đây (may nóng có nghĩa là khách chỉ cần một buổi đã có thể lấy quần áo đặt may tại tiệm). Nghề may nóng giúp cho kinh tế gia đình tôi trở nên thoải mái hơn nhiều. Từ đó, ba cũng ít lang bạt hơn, ông thường xuyên ở nhà. Cho đến khi khách du lịch tới Hội An nhiều, danh tiếng làng mộc Cẩm Kim của chúng tôi được nhiều người biết tới. Ba về hẳn nhà, mở một tiệm làm mộc chạm khắc. Còn tôi, hằng ngày ngoài việc đi học còn chèo thuyền qua sông đưa mẹ đi may.
Tôi yêu sông Thu Bồn bởi cả cuộc đời tôi gắn liền với dòng sông nhỏ, hiền hòa này. Tôi không hình dung rằng có một ngày nào đó mình sẽ đến một nơi khác ở, buổi sáng thức dậy ra sau nhà không thấy dòng sông trước mặt. Dẫu rằng vài năm một lần dòng sông trở nên hung dữ, dâng nước lên cao, tràn vào ngập cả làng tôi ở. Làng quê tôi nghèo lắm, có lẽ vì thế mà những cô gái ở quê lần lượt lấy chồng ở phương trời nào xa tít, theo chồng không thấy trở về, còn tôi thì vẫn ở lại. Tôi là một trong số rất ít cô gái còn ở lại quê. Vì thế mà sau khi tốt nghiệp khóa hướng dẫn viên du lịch, tôi đã xin về làm việc ngay tại Hội An.
Ngày tháng cứ trôi qua như nước Thu Bồn mãi xuôi về biển. Có thể dòng sông chẳng già, còn thời người con gái thì giống như những mùa cau chín, sau một mùa cây già thêm một vòng đời. Làng tôi trồng rất nhiều cau. Cau xếp thành hàng trên những lối vào làng, cau chào khách trước sân nhà, cau có mặt dọc theo hai bên sông. Nhà tôi cũng có một hàng cau. Mẹ chăm chút kỹ hàng cau trước sân nhà, một lần như thế mẹ lại nói xa xôi với tôi:
- Lại một mùa cau nữa rồi đó Ngọc. Con phải lo lấy chồng thôi, chứ để cau nhà mình chín mãi mà không hái để làm đám cưới thì nó buồn lắm.
Mẹ tôi già rồi, mẹ nôn nả có cháu bồng để còn nghe tiếng cười trẻ con sớm sớm chiều chiều. Tôi cảm nhận được sự nóng lòng của mẹ, nên trả lời:
- Nhưng con lấy chồng xa rồi cũng xa mẹ luôn, lấy cháu đâu mẹ bồng? Còn trai trong làng thì lang thang đâu cả rồi. Họ cũng lấy vợ ở nơi khác chứ có lấy gái làng đâu, vậy con biết lấy ai bây giờ?
Trong chiều nắng nhạt, mẹ ngắm nhìn khuôn mặt tôi:
- Con gái của mẹ xinh như thế mà lo gì ế chồng. Chồng xa chồng gần gì cũng được, miễn là yêu thương nhau thật lòng. Nhưng con lấy chồng xa thì mẹ sẽ bắt rể.
Tôi ôm mẹ:
- Vậy thì người đó phải yêu con ghê gớm lắm mới chịu ở lại xứ này. Mẹ cứ đợi mẹ nhé.
Thật ra thì tôi vẫn quan niệm rằng tình yêu không thể giống như múc nước ở dòng sông Thu Bồn đem về nhà. Tình yêu chính là sự hoảng hốt khi chạm gặp, là nôn nao khi xa cách, đó còn là nhu cầu có nhau trong cuộc đời. Nghề hướng dẫn viên du lịch khiến cho tôi tiếp xúc với nhiều người. Có người tỏ tình, có người hò hẹn với tôi. Nhưng rồi tất cả cũng chỉ dừng lại ở đó, tôi chẳng hề rung động trước một ai, tôi cũng không hiểu tại sao…
Cho đến một ngày tôi gặp Tấn. Anh không phải khách du lịch, mà là một nhà nghiên cứu về làng nghề. Hôm đó, Tấn từ nước ngoài theo một phái đoàn nghiên cứu về làng mộc Cẩm Kim. Nơi anh ở là một khách sạn nhỏ tại Hội An. Tôi được phân công hướng dẫn anh về Cẩm Kim. Anh Viễn, trưởng trung tâm nơi tôi làm việc, giới thiệu tôi với Viễn: “Ngọc đây là con của một nghệ nhân chạm trổ lừng danh. Anh có thể yên tâm”. Ngay giây phút gặp chàng trai có đôi mắt cứ nhìn thẳng vào mắt người khác, cái bắt tay thật chặt, tôi có cảm giác như định mệnh đã đẩy đưa anh từ nơi xa xôi ấy tìm về. Tôi chèo thuyền đưa anh qua sông. Chúng tôi đã có hai tháng bên nhau trong thời gian anh nghiên cứu làng nghề. Trong hai tháng ấy, anh còn học thêm cách đục đẽo để tạo ra những hoa văn trên thớ gỗ. Sau này anh nói: “Bởi vì nếu không biết chạm mộc thì làm sao anh được làm rể Cẩm Kim”.
Tình yêu đến nhẹ nhàng với tôi trong hai tháng bên nhau như thể đó là sự sắp đặt của định mệnh. Tôi đã không chối từ được nụ hôn đầu khi trăng chênh chếch trên trời, hoa cau rụng trắng trước thềm nhà. Nụ hôn tinh khôi ấy có trộn cả mùi hoa cau. Rồi anh thầm thì với tôi khi một lần tôi đưa anh qua sông, những miệng lưới giăng trên dòng sông giống như là nhân chứng cho một lời tỏ tình: “Anh sẽ thắp lồng đèn rực sáng hết bến sông này để rước em về làm vợ”. Tôi nói: “Nhưng em không thể bỏ nơi này ra đi”. Anh gật đầu: “Vậy thì anh theo em về chốn này”.
Đám cưới vội vã quá như thể chúng tôi chẳng kịp có thời gian suy nghĩ. Đám cưới quá nhanh bởi nếu không cưới nhau bây giờ thì mãi mãi chúng tôi sẽ lạc mất nhau. Tôi mặc chiếc áo dài đơn giản, anh mặc bộ đồ vét do tiệm may của mẹ may nóng. Tấn nắm tay tôi trước bàn thờ: “Anh chẳng thể về lại bên đó nếu em chưa là vợ anh”. “Tại sao?”. “Nếu không cưới bây giờ thì hai năm nữa mới lấy nhau được. Hai năm dài quá Ngọc ơi!”. Tôi không trả lời anh, nhưng tôi biết rằng hai năm đợi chờ cũng dài lắm. Anh vừa nhận được tin từ Mỹ báo tin ba anh bệnh nặng, khó qua khỏi. Anh sẽ phải trở về Mỹ trong tuần tới. Bác anh đã từ TP.Hồ Chí Minh ra làm chủ hôn. Lễ rước dâu diễn ra trên sông Thu Bồn. Tôi chỉ yêu cầu anh mua cho tôi ba mươi chiếc lồng đèn Hội An, tượng trưng cho ngày 30 tuổi tôi theo anh giăng bên sông và thắp sáng chúng lên. Tấn đã mua cả trăm chiếc chứ không phải ba mươi chiếc. Đèn chong sáng trong đêm, anh reo: “Vợ anh đẹp quá”.
Tấn đi rồi. Dẫu biết rằng rồi anh sẽ trở lại, như anh đã bảo “là rể Cẩm Kim rồi”, nhưng chiều nay tôi nghe trong gió tiếng cười anh cứ vang lên. Tôi vẫn hình dung ra cả trăm chiếc đèn lồng Hội An rực cháy trong đêm như lời hứa trăm năm của anh. Hôm đó anh hôn lên tóc tôi: “Lấy vợ mà vội vội vàng vàng. Nhưng không vội vàng thì em biến mất khỏi cuộc đời anh sao? Khi nào kỷ niệm 5 năm ngày cưới, anh sẽ tổ chức to em nhé”. Tôi nhìn gió đang thổi lộng trên những hàng cây ven sông: “Ừ, lúc đó mình đã có 2 đứa con. Vậy mình phải thắp cả ngàn chiếc lồng đèn anh nhỉ?”.
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG