Người xưa có câu “vua chơi lan, quan chơi trà” là ý nói đến sự cao quý của hoa lan. Nó còn được mệnh danh là hoàng thảo, tức vua loài cỏ.
Lan nghinh xuân. Ảnh: Internet |
Vài năm gần đây thú chơi lan rừng được nhiều người ưa chuộng. Ở Quảng Nam, có nhiều nhóm người yêu hoa lan lập thành hội để cùng thưởng thức vẻ đẹp thanh cao của loài hoa này, như các hội chơi hoa ở Tam Kỳ, Núi Thành, Điện Bàn… có đến hàng trăm hội viên, đủ thành phần, lứa tuổi trong xã hội. Có những người chơi lan theo kiểu nghệ sĩ và cũng có cả những người đam mê trồng và kinh doanh lan chuyên nghiệp.
Mùa nở hoa của nhiều loài lan là cuối xuân cho đến đầu thu. Đặc biệt là mùa hè được mệnh danh là mùa của hoa lan. Các loài dã hạc, trầm, kiều… đua nhau khoe sắc, tỏa hương mê hoặc lòng người. Có một loài lan mà hầu như người chơi nào cũng muốn sở hữu trong những ngày xuân mà cái tên của nó đã nói lên tất cả: nghinh xuân. Đó là loài lan phổ biến ở hầu hết vùng miền Việt Nam. Người miền Nam phần lớn gọi nó là ngọc điểm (lan me - hay mọc trên các cây me), miền Bắc gọi là đai châu, miền Trung thì trìu mến gọi là nghinh xuân.
Đặc biệt là với miền Trung, nếu năm nào không nhuần thì nghinh xuân trổ rất đúng tết. Tuổi thọ của hoa nếu được chăm sóc tốt phải lên đến 30 ngày. Mùi hương hoa nhẹ nhàng, nồng ấm và quyến rũ vô cùng. Ngày xuân, nhất là trong dịp giao thừa, đối với người chơi lan, chỉ một giò nghinh xuân bên bàn thờ tổ tiên hay trong phòng khách đã là tuyệt. Nếu có một giò nghinh xuân rực rỡ, lộng lẫy, tỏa hương ngọt ngào thì năm đó phong thủy gia đình cực tốt.
có quan niệm dân gian là “cầm lan tránh tà”, xua đuổi tà khí, đem lại vượng khí trong năm mới. Theo Thập đại kinh điển danh hoa thì lan là “thiên hạ đệ nhất hương hoa”. Hay “vương giả chi hoa”, hay “vương giả hương” và thậm chí là “hương tổ” - tổ của hương thơm. Lan phải đi đôi với hương như hương của nhân đức con người: “Tuy vô diễm sắc như kiều nữ, tự hữu u hương tự đức nhân” - tuy không có sắc như người con gái diễm kiều nhưng có hương thơm như người nhân đức.
Giá bán nghinh xuân dịp tết cũng vô chừng, rẻ thì khoảng trên dưới 200 ngàn đồng/giò, còn nếu cây to, hoa sai, trồng trên gỗ lũa nghệ thuật thì có khi lên đến vài chục thậm chí cả trăm triệu đồng. Nhìn chung, nghinh xuân trồng càng lâu năm trên gỗ lũa, cây to, lá khỏe (tất nhiên là hoa phải đẹp) có dáng dấp nghệ thuật càng quý. Nhưng cái đẹp vốn muôn màu. Có khi lan chỉ để tặng… tri kỷ.
Trong vương quốc các loài lan, nghinh xuân là loại dễ chăm, dễ thuần với môi trường ở các vườn hay trồng trong nhà. Nghinh xuân thuộc dòng thân đơn, có khi không cần chất trồng gì cả, chỉ cần cố định chúng lên cái giò bằng nhựa và vài cục than thôi là chúng tự ra rễ hấp thu tổng hợp dưỡng chất từ khí trời, sương gió (phong lan) mà vươn sống tỏa hương hoa. Nhưng chúng cũng thuộc loại đỏng đảnh, yêu kiều, khó tính, khó chiều đến lạ bởi “nắng không ưa, mưa không chịu”. “Nàng” chỉ ưa nơi thoáng mát, có hơi ẩm, nắng vừa đủ thôi.
Tuy chưa phải là bậc tôn quý số một trong các loài lan như so với các giống lan đột biến, giả hạc, hay trầm… nhưng nghinh xuân hầu như phải có trong vườn đối với những người mê hoa lan. Theo thời gian, người ta đã lai trồng công nghiệp nghinh xuân (hầu hết có xuất xứ từ Thái Lan - nơi cung cấp lan giống trở thành ngành công nghiệp) với nhiều màu sắc như đỏ, cam, tím… trong khi hầu hết nghinh xuân gốc tự nhiên từ rừng có màu trắng đốm tím như những chuỗi ngọc (đai châu).
Do vẻ đẹp đài các, quý phái, thanh tao như vậy nên những người bạn quý mến nhau thường tặng hoa lan để nói lên sự đồng điệu, đồng cảm, trân quý trước cái đẹp vô thường. Với người Hy Lạp xưa, hoa lan là tôn vinh những anh hùng. Người Pháp thì quan niệm nó là biểu tượng của những cảm xúc lặng thầm, trong sáng của một tình yêu bắt đầu. Người Á Đông và Việt Nam thì coi lan như bậc đức nhân khiêm tốn, thanh lịch, quân tử… Tri âm không cần nói nhiều, chỉ một giò nghinh xuân tặng nhau đón tết như nói lên tất cả.
NHƯ Ý