(VHQN) - Ở Sài Gòn có hai khu chợ rất nổi tiếng, gắn với hai cộng đồng lưu dân chắc thuộc dạng lớn nhất trong mấy chục năm đổ lại. Một là chợ Ông Tạ của dân gốc miền Bắc, một là chợ Bà Hoa của dân Quảng Nam. Hai khu chợ nằm cách nhau độ tầm 2 cây số, đều thuộc quận Tân Bình, gần ngã tư Bảy Hiền.
Theo thời gian biến đổi, đã phai lạt ít nhiều so với buổi đầu lập làng lập chợ, ấy là theo lời kể của những người già cố cựu còn ở lại với những địa danh này. Thế nhưng, trong những chốn này, cái chất “tư cố hương” vẫn còn thấm đậm trong từng ngóc ngách, không gian và cả thời gian, chỉ chực chờ cơ hội để bộc phát mà thôi.
Tui có chừng chục người bà con ở quanh khu chợ Bà Hoa. Xa cũng có gần cũng có. Ông bác bà cô anh em họ gần bên nội của ba cũng có, mà bà con theo kiểu “bắn đại bác bảy ngày không tới” cũng có luôn.
Sở dĩ tui biết họ là vì hồi mới vô đại học, thỉnh thoảng ba mẹ vô chơi lại sai tui chở xuống thăm viếng quanh một lượt. Lần đầu tiên tới đây, tui ngạc nhiên vô kể. Trước hết là bởi “cái chi ngoài Quảng có là ở đây có”, thứ nữa là cái chất giọng Quảng “Nôm” rặt chẳng mấy pha tạp, dù có người đã xa xứ mấy chục năm chưa trở lại của một tập thể dân cư ở cái tụ lạc sầm uất có tiếng giữa đô thị lớn nhất miền Nam này.
Quen đường đi, tui quay lại chợ Bà Hoa nhiều lần nữa. Có những lần vì nhớ nhà, tìm một món ăn quen, nghe xì xồ thứ giọng bắt tai từ nhỏ, hay đi lòng vòng trong cái không gian “lạc xứ” đậm đặc vị quê nhà, như thể một Marcel Proust trong hành trình đi tìm thời gian đã mất.
Những lần đó, tui khám phá ra rằng, trong khu chợ này, thật ra không hẳn “cái chi ngoài Quảng có là ở đây có” mà ở đây còn có những thứ mà “ngoài Quảng” đã ít nhiều vắng bóng, như cục đường bát chắc nụi nằm trên sạp hàng của một bà già ngoài tám mươi, mấy cái bánh bột in vuông tròn trắng tinh,… và thậm chí còn có những thứ kỳ tuyệt thần sầu đã “đóng đinh” vào tuổi thơ của không ít đứa con nít quê xứ.
Theo lời kể của anh bạn tôi về một lần đi cùng nhóm quay phim để phục vụ cho một dự án tư nhân về đời sống thường nhật ở Sài Gòn, với điểm đến là chợ Bà Hoa, khi loanh quanh trong chợ, cả đám bắt gặp một bà bán mỳ Quảng xắt. Mỳ Quảng xắt tức là mỳ Quảng được xắt tay bằng dao, từ lá mỳ thành cọng mỳ.
Hồi nhỏ, mỗi lần đi mua mỳ cho bà ngoại ở nhà bà Me Chị ở cuối làng, tui từng thấy bà xắt mỳ kiểu đó. Nghe lượng mỳ khách cần mua, bà Me Chị miệng ngậm điếu thuốc lá bập bập nhả khói, tay cầm chai nước suối cũ đựng đầy dầu phụng, nắp có đục mấy lỗ nhỏ như đầu tăm, đảo một vòng điệu nghệ rê trên mặt lá mỳ, cẩn thận lật từng lá mỳ gấp đôi bỏ lên thớt.
Xong bà cầm con dao, một tay nắm cán một tay nắm lưng dao, kê lên lá mỳ trên mặt thớt đảo thoăn thoắt. Sau một tràng tiếng “roọc!!roọc!!” liên hồi của dao nghiến lên thớt gỗ, bà bốc lên một nhúm sợi mỳ bỏ vô bao.
Trong mắt thằng con nít là tui hồi đó, cảnh bà Me Chị xắt mỳ điệu nghệ kinh hồn! Tui đứng há miệng nhìn cảnh đó, mũi khịt khịt vì cái mùi khét nồng của khói thuốc lá quấn xông lên mũi.
Cái tiếng “roọc!!roọc!!” của dao thớt xắt mỳ, của mùi thuốc lá phập phà khét khét nồng nồng kẹp trên môi đỏ quánh cốt trầu của bà Me Chị, của ông ngoại, bà ngoại, của trăm ông bà già xứ này từng xông lên mũi ngày đó còn ở lại hoài trong tiềm thức đứa con nít ngày nào nay đã lớn. Bởi vậy, nghe tới ba chữ “mỳ Quảng xắt”, tui quyết định hôm nào đó lượn qua chợ Bà Hoa sẽ dòm thử bà già đó ở đâu.
Rồi một ngày, tui cũng được diện kiến bà già bán mỳ. Bà chưa già lắm, ngồi chỗ sạp mỳ nhỏ nhỏ, miệng ngậm điếu thuốc phập phà. Hình ảnh bà bán mỳ cuối làng nhà ngoại bỗng sống động như mới hôm qua. Tui xúc động không tả. Bởi có bao giờ thằng tui lại nghĩ tới cảnh bắt gặp lại cái điếu thuốc lá quấn sâu kèn, mà hồi đó ai cũng gọi chung là thuốc Cẩm Lệ ở chỗ cách xa ngót ngàn cây số so với cái nơi mà cả tui và cái món thuốc lá ấy được sinh ra đâu. Mà ngay cả ở cái nơi chốn cố cựu, là xứ Quảng, món thuốc lá quấn trứ danh gây “nghiện” khắp vùng cũng đã dần phai dấu.
Hồi nhỏ, hễ bước vô nhà ngoại, cái mùi thuốc lá quấn lẩn quẩn khắp trong nhà, tưởng như thấm vô trong từng kẽ gạch mà không cách nào gột ra được. Mùi mạnh nhất là ngay góc cái giường tre bên chái nhà trong của ông bà ngoại.
Lớp người cũ ra đi, điếu thuốc cũng tàn dần theo thời gian, cái không gian hăng ngái của những chòi phơi thuốc cũng biến mất lần hồi. Cái tên “thuốc lá Cẩm Lệ”, “thuốc rê”, “thuốc xắt” họa chăng chỉ còn trong ký ức của lớp người sống vắt qua buổi giao thời mà thôi.
“Những thiên đường thật là những thiên đường đã mất”, Marcel Proust viết vậy. Cái điếu thuốc lá quấn tưởng đã mất, một lúc lại thình lình hiện ra ở một nơi hình như chẳng mấy ăn nhập ở chỗ nó sinh ra đời. Tui chẳng bao giờ ngờ tới một ngày, mình lại bắt gặp giữa Sài Gòn một bà bán mỳ Quảng xắt hút thuốc lá quấn.
Tới lúc đó, tui mới hiểu ra thế nào là sự rung động của ký ức, hiểu thế nào là cảm giác “tha hương ngộ cố tri”, một thứ cố tri trời ơi mà tưởng chỉ còn gặp trong mấy câu chuyện kể. Bà già ngồi sau sạp mỳ, mắt khẽ nhíu lại, rít một hơi thuốc rồi phà khói ra, những cuộn khói trắng vẽ những hình siêu thực trong không gian, cuộn quanh những cột sáng rọi xuống từ đầu hồi chợ.
Tôi đứng nhìn, khịt mũi nghe mùi quá vãng, bỗng thấy khóe mắt mình ươn ướt, cay cay...