Ngô Đình Bảo Vi kẻ mộng mơ biết làm toán

TƯỜNG MINH 16/09/2018 05:44

Giờ thì nghệ thuật Trúc chỉ đã tự thân khẳng định mình là một giá trị mới không chỉ cho Huế mà cả Việt Nam kể cả về mặt nghệ thuật và ứng dụng. Và không nhiều người biết rằng, để Trúc chỉ đi xa như hôm nay, ngoài linh hồn và là người sáng lập - họa sĩ Phan Hải Bằng, còn có sự đóng góp thầm lặng nhưng không thể thiếu của các cộng sự. Đặc biệt là nữ họa sĩ Ngô Đình Bảo Vi - người tự nhận mình là kẻ mộng mơ biết làm toán khi đã định hình, phát triển mảng ứng dụng của loại hình nghệ thuật độc đáo này.   

Tin liên quan

  • Sứ giả đưa Trúc chỉ ra thế giới
  • Phan Hải Bằng những dòng sông Trúc chỉ
Họa sĩ Ngô Đình Bảo Vi.
Họa sĩ Ngô Đình Bảo Vi.

Tim ngừng đập khi thấy…   Trúc chỉ

Họa sĩ Ngô Đình Bảo Vi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh chuyên ngành Thiết kế đồ họa (Graphic Design). Nhưng vừa tốt nghiệp xong thì cô tuyên bố… bỏ nghề để đi thiết kế sản phẩm (Product Design). Và cứ 6 tháng thì Vi chuyển công ty một lần, từ trình bày báo, thiết kế hàng thủ công mây tre lá, thiết kế thời trang (Công ty Nino Max), vẽ và mở xưởng chuyên đồ da và vải... Lý do để Vi luôn thay đổi công việc “là vì thời điểm đó, tôi luôn tìm kiếm điều gì đó mới lạ, độc đáo gắn liền với những thành quả cụ thể của việc sáng tạo. Tôi muốn tự mình tạo ra những sản phẩm mới, đẹp, vui nhộn và quan trọng nhất là phải cầm nắm được nhưng tôi đi mãi vẫn chưa gặp điều mình muốn”.

Và rồi một ngày tình cờ cô gặp Trúc chỉ, nhưng không phải Huế mà tận Đà Lạt mờ sương. “Tôi từ Sài Gòn đi du lịch Đà Lạt và năm đó cũng là lần đầu tiên họa sĩ Phan Hải Bằng triển lãm Trúc chỉ ở XQ Đà Lạt Sử quán” - Vi nhớ lại: “Đó là một cuộc gặp đầy nhân duyên. Từ cái nhìn đầu tiên, tim tôi đã như ngừng đập bởi tôi đã tìm thấy ở Trúc chỉ điều mà mình đang đi tìm kiếm bấy lâu nay. Đó là một sự độc đáo, mới lạ về khái niệm, chất liệu và cách thức thể hiện”. Sau khi về Sài Gòn, Vi thu xếp công việc ra Huế 10 ngày để trải nghiệm sáng tác với Trúc chỉ và sau đó thì mê đắm, không thể rời ra được nữa. “Người thân, bạn bè lúc đó ai cũng ngạc nhiên, không biết chuyện gì đang xảy ra khi tôi bất ngờ quyết định bỏ luôn xưởng đồ da đang phát triển và cho thu nhập rất tốt, bỏ luôn cả quán cà phê vừa mới hoạt động được 8 tháng ở trung tâm Sài Gòn cũng đang rất tốt để dứt áo ra đi, tìm đến với Trúc chỉ”.

Chân dung cố thi sĩ Bùi Giáng bằng Trúc chỉ.
Chân dung cố thi sĩ Bùi Giáng bằng Trúc chỉ.

Thời điểm họa sĩ Ngô Đình Bảo Vi bỏ rất cả ở Sài Gòn để đến Huế, Trúc chỉ vẫn thuần về nghệ thuật, là cuộc chơi của họa sĩ Phan Hải Bằng hướng đến những sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên sau khi Trúc chỉ có thêm Ngô Đình Bảo Vi, các lĩnh vực ứng dụng khác được mở rộng. Đó là sự kết hợp của những phép cộng vào câu chuyện nghệ thuật để cho ra đời những sản phẩm ứng dụng trong nhiều lĩnh vực từ thời trang, nội thất cho đến vật dụng cá nhân như bây giờ. Đó là một sự gặp gỡ rất thú vị, bắt đầu từ Phan Hải Bằng với nhu cầu sáng tạo, rằng tại sao phải dừng lại ở việc tạo nên một tấm giấy thông thường? Tại sao giấy phải làm nền cho những thao tác sáng tạo khác? Tại sao tấm giấy không phải là một tác phẩm độc lập? Và tiếp đến là câu hỏi vì sao chúng mình không tạo ra một điều gì đó mới mẻ qua nghệ thuật Trúc chỉ bằng những phép cộng và sự tiếp biến văn hóa. Kiểu Trúc chỉ góp phần cộng thêm một giá trị mới trên nền tảng những giá trị xưa cũ.

Để rồi họ hì hục sáng tạo qua năm tháng với slogan “New Light - New Sight - New Life” (ánh sáng mới - góc nhìn mới - sức sống mới). Sự trưởng thành cùng nhau của Phan Hải Bằng, Ngô Đình Bảo Vi và các cộng sự đã được minh chứng bằng những cuộc triển lãm, bằng thuật ngữ “Đồ họa Trúc chỉ” và hàng loạt công trình - sản phẩm ứng dụng Trúc chỉ có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Mà gần nhất là tác phẩm “Thiên nhiên kỳ vĩ” về hang động Sơn Đoòng (Quảng Bình) được chọn treo trong phòng khách của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; được Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Chu Ngọc Anh đặt hàng làm quà tặng tỉnh Đồng Nai và Phú Thọ... Hay trước đó là bức tranh Trúc chỉ phỏng tác hình Ngọ môn đã được làm tặng phẩm cho Nhật hoàng khi đến thăm Huế tháng 3.2017…

Giấc mơ Trúc chỉ trong từng ngôi nhà Việt

Ở ngôi nhà Trúc chỉ Huế, người sáng lập - họa sĩ Phan Hải Bằng chuyên về sáng tác tạo hình, còn Ngô Đình Bảo Vi chuyên về ứng dụng. Đây vừa là sự phân công công việc, vừa là làm cái mình giỏi nhất. Kiểu việc ai nấy làm. Tuy nhiên Vi vẫn đều đặn sáng tác chứ không chỉ phát triển ứng dụng không thôi và Phan Hải Bằng vẫn góp ý vào các sản phẩm Trúc chỉ ứng dụng. Đến thời điểm này, mảng việc mà Vi “giỏi nhất” đang có các dòng đèn ứng dụng trong nội thất; bộ vật dụng dành cho nữ (ví, dù, nón, quạt); tranh, quà tặng. Và sắp tới sẽ hướng đến thời trang và nữ trang… Điều thú vị là Trúc chỉ - một tác phẩm nghệ thuật/một loại hàng hóa đặc biệt nên nó được hình thành cũng theo cách rất đặc biệt. Thay vì được hình thành theo kiểu cái mình có/mình thích hay cái khách hàng/xã hội cần thì Trúc chỉ lại hướng dẫn khách hàng, tạo trào lưu cho người sử dụng theo xu hướng phát triển của xã hội.

Những sản phẩm ứng dụng của Trúc chỉ.
Những sản phẩm ứng dụng của Trúc chỉ.

“Giờ thì đã có thêm Trúc chỉ…”. Tức là Trúc chỉ tự thân nó đã tạo ra cho mình một loại hình, một giá trị mới của nghệ thuật. “Không chỉ thế, với những sản phẩm ứng dụng, Trúc chỉ có thể nuôi sống những người tạo ra nó và đang tạo ra được nhiều việc làm cho xã hội như mong muốn của chúng tôi. Đúng như tiêu chí: Thẩm mỹ - giáo dục - xã hội” - Vi nói. Tôi tò mò, không hiểu khi một họa sĩ đi bán hàng và tiếp thị sản phẩm và lúc nào cũng lo lắng kiểu liệu tháng này doanh số có đủ để trả lương cho nhân viên và chi phí… thì nó như thế nào và điều gì xảy ra sau đó? Vì cười, bảo “tôi luôn tiếp thị Trúc chỉ với tâm thế làm sao cho người mua biết rằng họ sắp được sở hữu một tác phẩm, một tuyệt tác chỉ duy nhất họ có. Việc này quan trọng hơn những lo lắng và toan tính khác. Thuyết phục khách hiểu rõ giá trị hàng hóa nghệ thuật mà mình cần bán quan trọng hơn hàng hóa đó có trị giá bao nhiêu. Cảm giác này thú vị lắm và tất nhiên nó không đến từ lợi nhuận”.

Lại thắc mắc mặt nào đó, Vi đã và đang khởi nghiệp với/bằng Trúc chỉ - một kiểu khởi nghiệp khác lạ khi đi giữa là ranh của một sản phẩm ứng dụng và tác phẩm nghệ thuật. Đến giờ thì mọi thứ đang có như hình dung của ngày đầu và tương lai nó sẽ như thế nào? Vi bảo “tôi chưa bao giờ nghĩ và hình dung đến việc có phải mình đang khởi nghiệp hay không. Chỉ biết chắc rằng Trúc chỉ đến thời điểm này đang đi đúng như những hình dung ban đầu, thậm chí còn vượt xa hơn cả mong đợi. Và chúng tôi vẫn còn rất nhiều ước vọng ngấm ngầm đang thực hiện. Mong ước lớn nhất của chúng tôi là đến một ngày nào đó, trong mỗi gia đình Việt Nam đều có sự hiện diện của Trúc chỉ. Và đến một ngày, Trúc chỉ được hiện diện ở những không gian xa hoa, tráng lệ nhất Việt Nam như một sự khẳng định của giá trị Việt”.

Ngô Đình Bảo Vi thừa nhận mình đang đi ngược với số đông khi sinh ra ở miền Tây (Đồng Tháp), học mỹ thuật ở môi trường lý tưởng nhất để phát triển sự nghiệp là Sài Gòn nhưng cuối cùng lại chọn Huế để sinh sống và theo đuổi sự nghiệp. “Vì duyên nên đến, vì nợ nên lưu” - Vi ví von. Và rằng  Huế thích hợp cho những kẻ mộng mơ thực hiện những điều không tưởng nhưng với điều kiện đó là kẻ mộng mơ biết làm toán. “Và nhân tiện khoe luôn, tôi là một trong số ít họa sĩ… tính nhẩm rất nhanh”. Để rồi “tôi hạnh phúc vô cùng vì được làm điều mình thích và sống như mình muốn. Vì Trúc chỉ cho người làm việc với nó niềm vui trong công việc, cho họ cảm giác mới mẻ mỗi ngày cũng như bắt họ phải luôn tìm kiếm, sáng tạo, không dừng lại được…”.

TƯỜNG MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngô Đình Bảo Vi kẻ mộng mơ biết làm toán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO