Tác phẩm, tác giả

Ngô Phương Thảo: Một người làm sách, một người mẹ

TÚ PHƯƠNG 05/05/2024 10:30

Đảm nhận nhiều vai trò khác nhau nhưng chị tự nhận mình chỉ là... một người mẹ mà thôi. Một người mẹ có niềm yêu thích tự nhiên đối với giáo dục, say mê việc xuất bản và tò mò về công nghệ...

ngo-phuong-thao-1-1-.jpg
Chị Ngô Phương Thảo - Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành AnBooks.

Nhà sáng lập - Giám đốc điều hành AnBooks Ngô Phương Thảo, sinh ra ở TP.Tam Kỳ, hiện sống tại Hội An. Chị tự nhận mình là “lì và liều” khi chọn con đường làm sách bằng sự dấn thân để chuyển tải những quan điểm giáo dục mà AnBooks theo đuổi.

Chị còn là người đồng sáng lập - Cố vấn chiến lược tại Công ty CP Giáo dục Sáng tạo Wemaster, đơn vị tư vấn chuyển đổi số giáo dục và đào tạo năng lực số.

Tính cách Quảng

Học tập, sinh sống và làm việc ở TP.Hồ Chí Minh suốt 20 năm, Thảo bất ngờ trở về định cư tại Hội An. Chị nói, mình trở về Quảng Nam vì cần không gian bình yên cho bản thân và “sống chậm hơn” để đồng hành với 3 đứa con lần lượt vào tuổi dậy thì.

Thế nhưng, có lẽ chẳng ai thấy Thảo “sống chậm hơn” khi người phụ nữ 43 tuổi này kiêm nhiệm nhiều công việc, từ làm sách đến thực hiện các dự án chuyển đổi số giáo dục, các chương trình đào tạo năng lực số cho lãnh đạo nhà trường và giáo viên nòng cốt.

AnBooks ra đời vào năm 2015 tại TP.Hồ Chí Minh với định hướng làm những dòng sách về giáo dục, chuyển tải những thông điệp về giáo dục thông qua sách.

“Đọc sách làm giảm sự cô đơn. Xã hội càng tiến bộ với công nghệ thì con người càng cô đơn. Đọc sách là được kế thừa tâm tư, tình cảm của con người nhiều thế hệ, hưởng thụ vẻ đẹp của nhiều nền văn hóa, nhiều dân tộc. Hơn nữa, việc đọc sách sâu sắc còn cho phép củng cố tính người, giúp con người sống với nhau hiền hòa hơn, yêu thương nhau hơn”.

Ngô Phương Thảo - Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành AnBooks

“AnBooks theo đuổi quan điểm giáo dục bằng tình yêu thương. Sách nào phù hợp với quan điểm này thì chúng tôi giới thiệu; nếu chưa có sách thì đặt hàng với tác giả để tạo ra nó”, Thảo cho biết và gọi hành trình này là khơi những “hạt mầm” mạnh mẽ, hồn nhiên, đầy yêu thương để những “hạt mầm” nảy nở thành cây.

Những cuốn sách do AnBooks xuất bản như: Quảy gánh băng đồng ra thế giới (được Đường sách Nguyễn Văn Bình bình chọn sách hay, đột phá với gần 30.000 bản in); Dạy con trong hoang mang (vừa tái bản lần thứ 6, Giải Sách hay 2018 với bản in thứ 37.000); Có một cơn đau mang tên trầm cảm; Con nít con nôi… được viết bằng ngôn ngữ của tình yêu thương giữa con người với con người, nhất là giữa cha mẹ và con cái.

con-nit-con-noi-2.jpg
Các tác phẩm do Anbooks phát hành

“AnBooks là một hệ sinh thái những người yêu quý cuộc đời này, trân trọng cơ hội sống này, yêu quý sự chân thành này, rồi rủ nhau cùng làm điều gì đó cho đất nước, cho xã hội.

Lẽ dĩ nhiên, trong khi làm, vì những giới hạn của mình, chúng tôi có thể làm chưa hay, chưa giỏi, chưa xuất sắc, nhưng chúng tôi đã thành thật, dấn thân, với tất cả yêu thương, hồn nhiên.

Thời gian qua đi, với sự trưởng thành từng ngày, chúng tôi sẽ cẩn trọng hơn, thấu đáo hơn, bao dung hơn, khôn ngoan hơn, nhưng sự hồn nhiên chân thật sẽ mãi là tài sản mà AnBooks không muốn đánh đổi”, Thảo bày tỏ.

Ban đầu, AnBooks chỉ làm những cuốn sách mà Thảo cùng ekip cho là cần làm nên gặp không ít khó khăn. Có những sản phẩm đội ngũ AnBooks phải thuyết phục thị trường, sau đó đầu tư rất nhiều về kể chuyện, marketing - truyền thông, vận hành hệ sinh thái giáo dục, truyền thông để giới thiệu sách, mỗi năm chỉ đầu tư cho một hoặc hai cuốn sách mới.

Thảo tự nhận đó là “tính cách Quảng” - cương trực, có chút cố chấp, chỉ thể hiện qua sự bền bỉ và hiệu quả công việc chứ không nói nhiều lời.

Về sau, đội ngũ AnBooks có những bước chuyển đổi, tức là chọn những sản phẩm dễ được thị trường chấp nhận hơn để chặng đường làm sách bớt gian nan.

Tuy nhiên, Thảo khẳng định AnBooks không từ bỏ những sản phẩm đáng đầu tư, có thể chấp nhận lỗ hoặc hòa vốn để gửi thông điệp ra thị trường.

Xây dựng tâm hồn Việt cho trẻ thông qua sách

“Dạy con trong hoang mang” - TS. Lê Nguyên Phương (NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh) do AnBooks thực hiện, ra đời trong bối cảnh khi người người nhà nhà chuộng dạy con kiểu Nhật, Do Thái, Mỹ, Đức…

“Tôi đã đặt câu hỏi: Dạy con kiểu Việt là gì? Dạy con kiểu của mình là gì? Và chữ “dạy con” có thực sự nên được dùng theo nghĩa vốn có không?” - Ngô Phương Thảo chia sẻ.

day-con-trong-hoang-mang.jpg
Các tác phẩm do Anbooks phát hành

Và chị đã mang câu hỏi này đến gặp tác giả - TS. Lê Nguyên Phương, để gần một năm sau mới có cuốn sách “Dạy con trong hoang mang”.

Hành trình của “Dạy con trong hoang mang” là sự kết nối giữa một người mẹ với một nhà tâm lý học; giữa một người làm khoa học với những người làm cộng đồng; giữa chuyên gia, nhà xuất bản và những người làm báo; giữa tác giả và độc giả. Năm 2018, cuốn sách này ra tập hai với 10.000 bản in, con số gây “choáng” với giới xuất bản thời điểm đó.

AnBooks cũng đang xây dựng dự án “Thư viện - trái tim của trường học”. Ngô Phương Thảo chia sẻ: Văn hóa đọc sẽ phát triển bền vững từ gia đình, sau đó là nhà trường.

Chất lượng của thư viện và nhân viên thư viện, sự hỗ trợ của thầy cô… sẽ quyết định thói quen, trình độ và năng lực đọc của trẻ nói riêng và văn hóa đọc của nhà trường nói chung.

Vì vậy, “Thư viện - trái tim của trường học” nằm trong hệ sinh thái phát triển văn hóa đọc mà AnBooks xây dựng, hướng đến việc hỗ trợ lãnh đạo trường học và giáo viên hiểu cách sử dụng thư viện hợp lý để thư viện trở thành trung tâm đọc và học tập cho cả trường…

Nhận diện về bức tranh xuất bản trong kỷ nguyên số đã và đang thay đổi, với nhiều hình thái sản phẩm xuất hiện: sách nói (audio books), sách điện tử (e-books) và các hình thái học tập mới: micro-learning (học ngắn, học nhanh) với sự hỗ trợ của các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, YouTube... Do đó, các hình thức đọc sách cũng thay đổi.

“Hành vi đọc trên các thiết bị là hành vi đọc ngắn, khác với hành vi đọc sách giấy là hành vi đọc sâu. Khi tỷ lệ đọc ngắn tăng thì tỷ lệ đọc sâu thấp. AnBooks tư duy theo chuỗi giá trị xuất bản: Hành vi đọc là hành vi học hỏi và hành vi hưởng thụ, tức đọc để hiểu, đọc để học và đọc để giải trí.

Chúng tôi đi theo chuỗi giá trị của người học chứ không dừng lại ở sách. Chúng tôi không chỉ sản xuất sách mà hướng tới sản xuất khóa học, tổ chức các workshop online, offline, phối hợp thực hiện các podcast, webinar...”, Thảo cho biết.

Ngoài ra, AnBooks còn có những chương trình liên kết truyền thông với các đơn vị khác để tạo ra các sự kiện, chương trình thúc đẩy văn hóa đọc.

Chẳng hạn, đơn vị tham gia các talkshow của các địa phương, hỗ trợ địa phương và nhà trường hình thành hoạt động đọc. Mục tiêu nhằm thúc đẩy người trẻ hình thành thói quen, nhận thức và động lực đọc sách, bởi lẽ đọc sách không chỉ tạo ra kiến thức, mà còn tạo ra khả năng tư duy hệ thống.

Thảo cũng như mọi người, có những ngày nhiều năng lượng và những ngày mệt mỏi. Nhưng chị cho rằng, tiến trình đúng - sai, làm thử - thất bại - làm lại chính là thực hành giáo dục liên tục. Điều này không chỉ để chị hoàn thiện bản thân mỗi ngày.

Đó cũng chính là cách thức để chị trở thành người bạn đồng hành với các con xây dựng một gia đình khỏe mạnh - nơi các con có thể thoải mái bày tỏ suy nghĩ, quan điểm, thậm chí cả những thói quen chưa tốt, mà không sợ bị la rầy, phán xét. Các con của chị nói vui rằng, chúng có “một bà mẹ rất khác”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngô Phương Thảo: Một người làm sách, một người mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO