Ngó sông mà lo tết

Phóng sự của TRUNG VIỆT 09/12/2017 07:38

(QNO) - Mưa miết, ràn rạt nước sông đục vàng như chưa từng thôi chảy. Tôi phải gửi xe trên này bãi để đi ghe qua Lệ Bắc - ốc đảo của xã Duy Châu huyện Duy Xuyên. Dưới lòng sông kia là cát...

Mấy chục năm rồi, dân Lệ Bắc khốn khổ khi lụt xuống phải đi đò.Ảnh: T.V
Mấy chục năm rồi, dân Lệ Bắc khốn khổ khi lụt xuống phải đi đò.Ảnh: T.V

1. Ký ức nhức mắt ùa về. Vùng trũng đã đành, muốn qua đó, như lội xuống cái giao thông hào khoét sâu, mênh mông như sân vận động. Nắng cháy trưa hè, như làm bãi cát dài càng thêm dài. Nhớ miết, cát cháy như thế, không giọt nước thủy lợi, không cây cỏ nào mọc nổi. Hèn chi anh Nguyễn Phê - thôn trưởng thôn Lệ Bắc,  khi dẫn tôi ra bờ sông, phóng tay chỉ qua bờ kia: “Đó, chỗ đường bê tông dẫn xuống bến, là phần đất của thôn khác, nhưng họ có thèm làm chi đâu, dân thôn ni qua làm đường đó”. Ngày đó, lâu rồi, đôi lần tôi qua đây, thăm anh bạn cùng khoa văn, ở lại đó chơi. Chẳng hề nghĩ nó sẽ ra sao sau này, bởi có nghĩ được đâu, ngoài cái điều choáng cả óc, là sao dân học văn, chẳng có ma nào nhà cửa tươm tất, sống toàn chốn cùng cực.

Tôi lên ghe. Chiếc ghe cũ nát, không mui. Rồi khách cũng được chừng 10 người. Họ là dân Lệ Bắc, kẻ đi làm, người đi chợ, dăm ba đứa học trò. “Ghe đưa mấy tháng rồi anh?”. “Gần cả tháng rồi, hồi lụt do bão số 12 đó” - một người đàn ông vồn vã - “không biết rồi sẽ đi tới hồi mô đây, trời chi mà cứ lụt miết”. “Ủa, răng mà đường xuống bến trên kia, lại tấp vô chỗ ni làm bến?”. “Thì em ngó tề, nước xoáy hẳm bờ”. Trời đã về chiều. Những cái nhìn im lặng qua bên kia bờ, như muốn ghe đi cho nhanh, không hề có chút chi phiêu hốt gió, sông, nước như chữ nghĩa hay bày trò. Nó như cái nạn phải gánh.

Anh Phê đón tôi. Người đàn ông phong trần, quanh năm đối mặt với nóng và cát, “bập” chuyện như nước chảy, không rào đón. “Đó, sau lưng anh kìa, bao cát còn đó”. “Làm chi anh?”. “Đắp đường chứ chi. Một tháng qua, ba lần đắp đường rồi đó, cả 10 ngàn cái bao cát bà con chung tiền lại mua đã bỏ xuống sông, chừ chắc trôi hết rồi”. Không có nước, từ bên kia sang đây, đường bê tông chạy thẳng. Nước lụt, từ bờ kia qua chừng 20m, nó xoáy, tạo ra cái ngấn. Rã lụt, hoảng hồn, một con lạch dài 36m, sâu 3m, đã xuất hiện, cắt ngang con đường, ném luôn 12 mảng bê tông, mỗi mảng dài 3m theo chầu hà bá. Dân Lệ Bắc rụng rời. Kiểu này thì làm sao mà đi? Phải mua bao cát tấp lên. Không giữ, chặn lại, là nó càng đào sâu. Thả xuống, chưa kịp đi là lụt lại, cuốn. Cứ miết rứa. Lệ Bắc là ốc đảo, đường bê tông đó là độc đạo nối liền trung tâm xã. “Năm ni nước lớn nhanh kinh khủng. Thiệt hại 300 con gà, 3ha khoai thơm, bồi 4ha đất. Hắn mà lụt lên 1m nữa, chắc chết hết hơn 600 con bò, bữa nớ đã dồn bò xuống sân vận động đây rồi. Chết, bởi chạy đi mô?”.
2. Tôi theo anh đảo quanh thôn. Vẫn anh than thở: “Lụt ni là lụt phá chứ không phải bồi như mọi năm, không biết răng lạ rứa, nước chảy dữ dội”. Bùn đất còn nguyên đó, vắt lên những choái của đậu, những tàu lá chuối rũ mục, len tới mái thềm chưa kịp dội. “Lệ Bắc làm nông thôn mới kiểu mẫu, đường phải mở rộng, mà ác nhơn, đường to nên nước chảy mạnh, phá tanh banh hết trơn, chứ mấy năm nó chảy yếu”. Xe dừng ở Lạch Đinh, mấy thanh niên đang ngồi câu cá. Con lạch bị đường bê tông chắn ngang, nhưng hai mố đường, những lỗ khoét đã hiện ra. Một người tên Dũng nói: “Lụt lại là nó dỡ đường ni đó chú, khoét trong nớ rồi”. Âu lo hiện lên trên mặt anh Phê. Mấy năm trước, hễ lụt ra là dân quanh đây phải kêu xe ủi xúc cát bồi cả nửa mét trên ruộng, bởi cát từ sông tràn vào con lạch này, phủ lên. Trận lụt này, may quá, chẳng sứt mẻ chi. “Huyện cho hơn 600 triệu, mới khánh thành tháng 9 đó, không có hắn, chắc lại xúc cát thấy ông cố nội. May thiệt là may”. Anh Phê nói rồi cúi thấp quan sát lỗ khoét thân đường, lắc đầu nghi ngại. “Chắc phải tìm đá hộc chèn thôi anh”. Tôi góp lời. Anh gật.

Mưa, vẫn mưa. Sông xám xịt. “Ác, lạch xé giữa bãi mới chết  chứ”. Anh Trương Vĩnh Thuận, bí thư đoàn thôn Lệ Bắc lên tiếng. Ở bên này, thiệt thòi lắm. 276 hộ với hơn 1.200 nhân khẩu, làm ăn sinh sống, học hành, bám vô con đường đó. “Lụt xuống, là ngán tới óc. Hơn 120 học sinh học bên kia, cấp 1 học cả ngày thì cha mẹ trưa phải đem cơm như công nhân; đò thì học sinh 2 ngàn đồng qua lại, người lớn 4 ngàn. Ở đây, mỗi nhà một ngày mất 10 ngàn tiền đò”. “Trắc trở quá”. Anh Phê nhìn tôi, tuôn luôn: “Nông sản ở đây thua bên kia 3 giá, vì họ qua họ mua nước lụt là hạ giá xuống thôi. Ghe đưa tới 7h tối là nghỉ, công nhân may mặc đâu dám ở lại làm ca”. “Rủ qua đám giỗ, ăn nhậu nó còn nhác đi mà”. Anh Thuận rầu rầu. “Chết đuối, có chưa?”. “Rồi chứ răng chưa, mấy người rồi, sợ lắm”. Những tiếng thở dài góp lại, không chịu tan trong mưa, mà chạy quanh như khói thuốc. “Anh đã phát động trong thôn, ai đau nặng, chuẩn bị đẻ, thì đi trước, khi báo chuẩn bị có lụt, chứ tới lúc nớ đừng có kêu la tôi” - anh Phê cười như mếu - “trước đây có lần, nửa đêm có 2 người đau, hai người đẻ, nước thì tới bụng, úi chu choa búi xờm xờm, điện tứ tung vô tới ban phòng chống lụt bão tỉnh, ca nô chạy xuống, tới cầu sắt chỗ Duy Trinh mắc lại không đi được, ca nô Duy Trinh phải chạy lên đón qua. Khổ kinh thiệt. Ngán nhứt là đau ruột thừa, tai biến thình lình, chắc chết”.

Đường bê tông Lạch Đinh mới khánh thành, giúp chống sa bồi.
Đường bê tông Lạch Đinh mới khánh thành, giúp chống sa bồi.

3. “Hết cách rồi  hả anh?”. “Ừ, không khắc phục được đâu, chỉ có cách làm cầu, nhưng bãi dài quá, tiền mô chịu nổi, trong khi nhu cầu đi lại của dân thì quá cần, nhưng dân số lại ít. Giới kỹ thuật về đây cũng nhiều, nhưng bó tay”. Vậy phải làm sao? “Bí đường, nên đất cũng ế lắm” - anh Phê không giấu được ngao ngán - “xã có quỹ đất 5%, kêu đấu giá mà ai cũng lắc đầu”. “Thanh niên được mấy người?”. Thuận nói mà không giấu được buồn nản: “15 đứa chứ mấy anh, khổ quá, nó bỏ đi hết, ở đây chủ yếu là ông già”. Hôm sau tôi hỏi Bí thư kiêm Chủ tịch huyện Duy Xuyên là anh Nguyễn Công Dũng, anh nói rằng, làm đường không khó, quan trọng là làm cầu để chấm dứt nạn bế tắc mùa mưa cho dân Lệ Bắc, nhưng mới khái tính mà thấy quá nhiều tiền, huyện không biết lấy đâu ra. Huyện đã có ý kiến xin  trung ương, nhưng câu trả lời vẫn chưa thấy…

Những cuốn phim mà tình cảnh cô độc ở những ngôi làng bị tách biệt, trường đoạn hay phân khúc, y hệt nhau, là quay về. Dân ở đây sống chủ yếu là nuôi bò, trăm thứ chuyện dựa vào con bò mà tính. Nhiều người mắc nợ lắm, bởi bò đã xuống giá, mà con cái đi học lại kêu réo tiền liên tục. “Còn mưa lụt đó anh, chuẩn bị có không khí lạnh ngoài bắc tràn về lại”. Tôi không giấu được âu lo. Anh Phê phì khói thuốc: “Ngán quá, không biết răng đây, tết nhứt tới nơi rồi. Nước cạn nghe còn đỡ, chứ chừ ngó thấy cái đò là chán. Đò hợp đồng với họ, làm ăn phải tính, chứ lấy thấp xuống, đưa khuya, đi sớm, họ lỗ răng? Anh tính rồi, sang năm đề nghị xã cho một thanh niên đi học lái ghe, mình sẽ vận động mạnh thường quân,  bà con góp lại sắm cái ghe để chủ động, chứ cái đồ ghe xí xi nớ mà làm cái chi”.

Tối rồi, tôi qua sông. Những đứa học trò đã về. Miếng ván nhỏ vắt vẻo bắc từ ghe lên bờ. Nước sẽ rút, chứ không thể ăn dầm nằm dề thế này, sẽ trả lại con đường cho dân Lệ Bắc, nhưng nó coi như dân ở đây như đống nợ không chịu trả, hễ tới mùa mưa là nước mò mặt tới, khuấy nhiễu. Con nợ, đứng nhìn, bất lực, than trời. Ai ở trong cảnh tình này, mới thấu cái khổ của người nắng thì cháy da, lụt thì bấp bênh sống chết. Những đứa trẻ hôm nay, lớn chút nữa, chắc cũng theo đuôi anh chị mà đi, bởi đường trước mắt nó rộng lớn lắm, chứ không phải kiểu sụt bệ rò rèn thế này. Nhưng, làng sẽ không bao giờ bị dời đi, chỉ có kẻ đi, nhớ làng, thương và chán. Người ở lại, bó gối thở than. Mấy bà đi chợ về , thấy ông trưởng thôn bèn nói: “Giỏi thì ông kêu cho cái cầu”. “Cầu không được mô, tiền mô chịu nổi”. “Gần tết rồi, kiểu ni, làm ăn chi, sợ đói chết”. Có bà nào đó sau lưng tôi lên tiếng...

Phóng sự của TRUNG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngó sông mà lo tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO