Ngó thấy camera…

C.B.L 18/10/2018 01:44

Lại sắp đến một ngày trong năm mà phụ nữ được tung hê/xưng tụng bằng nhiều hình thức khác nhau. Giữa hoa giữa quà giữa lời chúc tụng có cánh khắp nơi, tôi nghĩ nhiều đến những đàn bà không may mắc phải căn bệnh hiểm nghèo chờ chết. Tôi nghĩ đến những đàn bà buôn gánh bán bưng dọc các quán sá ê hề rượu thịt hay tất tả bưng mẹt leo xe buýt hay giành từng ký cá ở bãi biển đầu hôm. Tôi nghĩ đến những công nhân nữ bươn bả sau tan ca quơ vội mớ rau dập trong chạng vạng chiều cho kịp bữa cơm tối.

Và tôi nghĩ lung đến một phụ nữ ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) bị chết cách đây mấy ngày, mà nguyên nhân ban đầu được phía công an đưa ra là tự sát bằng kéo tại trụ sở công an. Đã có nhiều vụ được cho là tự sát tại trụ sở cơ quan điều tra, công an thỉnh thoảng lại gây chú ý ở đâu đó. Lần này, dư luận xới lên chuyện “cần có camera ở cơ quan công quyền”. (Như cách đây không lâu, khi trẻ bị bảo mẫu đánh đập tàn nhẫn, lại xới lên chuyện cần lắp đặt camera ở các cơ sở trông trẻ, ở trường mầm non).

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định bắt buộc ghi âm ghi hình trong hoạt động điều tra (bao gồm cả cơ quan điều tra, truy tố, xét xử). Điều này sẽ tạo sự minh bạch, tạo thuận lợi cho việc hỏi cung giữa điều tra viên và bị can cũng như cả cơ quan tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. Thông tư liên tịch 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP quy định, chậm nhất đến ngày 1.1.2020 thực hiện thống nhất việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong điều tra, truy tố, xét xử trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, vì nhiều lý do (trong đó không có kinh phí được viện dẫn nhiều nhất), việc lắp đặt camera tại những nơi này chỉ thực hiện lẻ tẻ vài chỗ.

Nếu có camera ghi hình tại các trụ sở cơ quan nhà nước, có những vụ việc sẽ không vĩnh viễn nằm trong bóng tối, mọi chuyện sẽ dễ dàng được kiểm chứng, không tạo nghi ngờ cũng như ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật từ cả hai phía: người dân và cơ quan công quyền. Và trong trường hợp cụ thể của người phụ nữ xấu số vừa nhắc ở trên, hẳn gia đình sẽ tỏ tường chuyện gì đã xảy ra với người thân của họ, hẳn không phải đưa tang trong luẩn quẩn hàng vạn câu hỏi bí đáp án.

Truyền thông và cả lãnh đạo nhiều bộ, ngành đang đẩy tần suất tuyên truyền cho “cuộc cách mạng công nghệ 4.0” quá nhiều tới mức tôi cảm giác như ngán thịt mỡ chiều ba mươi tết, như thấy một thứ trang sức lòe loẹt phủ lên cơ thể ốm yếu. Trong khi, rất nhiều thứ liên quan đến công nghệ nói chung, việc lắp đặt camera ở các cơ quan công quyền nói riêng, đến lúc này vẫn còn là một điều khá xa xỉ.

Tôi từng gặp các cảnh sát trong đường hầm tàu điện ở Sydney (Úc) khi làm nhiệm vụ luôn đeo camera trên người (camera này không có chức năng xóa hình ảnh). Mọi thứ ở đó được xử lý bằng internet, qua internet. Tôi không mơ hão, nhưng hy vọng rồi nước mình cũng đến lúc như vậy. Công nghệ sẽ góp phần hạn chế thấp nhất những nguy cơ không tường minh; và bất cứ một công dân hay công bộc của dân có thể làm bậy cũng “không dám – không thể - không cần – không muốn”.

C.B.L

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngó thấy camera…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO