Ngó thấy Tổng Binh

Phóng sự của TRẦN ĐĂNG 07/10/2018 02:00

Dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có câu ca: “Trời trong ngó thấy Tổng Binh/ Muốn về thăm mẹ bực mình chẳng nghe”. Tổng Binh là tên vùng đất thuộc xã Bình Hải, huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi, nằm ở phía đông Nhà máy lọc dầu Dung Quất ngày nay. Điều kỳ lạ là, tên gọi ấy không phải để chỉ bất cứ một đơn vị hành chính nào nhưng nó đã tồn tại hơn 500 năm qua kể từ khi vua Lê Thánh Tông thân chinh đi mở cõi vào mùa xuân năm 1471.

Bãi biển thôn Phước Thiện - được cho là nơi vua Lê tập kết quân trước khi đổ bộ lên Tổng Binh. Ảnh: VĂN XUÂN
Bãi biển thôn Phước Thiện - được cho là nơi vua Lê tập kết quân trước khi đổ bộ lên Tổng Binh. Ảnh: VĂN XUÂN

Trong quá trình tiến về phương Nam để định hình đất nước chữ S như hôm nay, cha ông ta đã cắm những cột mốc quan trọng sau bước chân khai phá và chinh phục của những binh phu lẫn những lưu dân chân đất. Tổng Binh là một “cột mốc” như thế.

Vì sao có tên Tổng Binh?

Nhà giáo Nguyễn Đình Thảng, thầy dạy Hán Nôm khoa Ngữ văn của Đại học Tổng hợp Huế những năm 1970 - 1980, quê vùng đông huyện Bình Sơn đã có lần giải thích theo cách hiểu biết của ông về tên gọi này: “Tổng Binh là nơi đồn trú và là chỗ duyệt binh”. Còn TS. Nguyễn Đăng Vũ, người đã lăn lộn qua nhiều địa danh để tìm hiểu và lý giải các phong tục tập quán văn hóa ven biển Quảng Ngãi thì trưng ra cuốn “Từ điển chức quan Việt Nam” của Đỗ Văn Ninh để giải nghĩa chữ “Tổng Binh”, đại để đó là một chức quan, tùy theo mỗi triều đại mà quy mô và vai trò lãnh đạo của vị quan giữ chức này bé hay lớn. Ví dụ như Vương Thông - người đã thua tan tác Lê Lợi ở Đông Quan, buộc phải cầu hòa, cũng được nhà Minh sai phái qua Giao Chỉ giữ chức tổng binh trước đó. Tuy nhiên, ông Vũ cũng nghiêng về cách lý giải của nhà giáo Nguyễn Đình Thảng, tức đó là nơi duyệt binh hoặc nơi đồn trú của quân lính thời vua Lê Thánh Tông tiến đánh quân Chăm.

Chúng ta đều biết, sau lần gả công chúa Huyền Trân cho vua Chăm để đổi lấy hai châu Ô và Rí (Quảng Trị và Thừa Thiên Huế ngày nay) vào năm 1306, biên giới của nhà Trần cũng chỉ dừng lại ngang đèo Hải Vân mà thôi. Phải đến 165 năm sau, tức 1471, Lê Thánh Tông mới tiến thêm một bước dài nữa, chiếm luôn kinh đô Đồ Bàn, xác lập chủ quyền Đại Việt đến đèo Cù Mông tỉnh Bình Định ngày nay. Vị vua thao lược này không lấn đất theo kiểu cuốn chiếu từ Hải Vân đánh vô mà “chặt khúc” ra để giành từng phần một. Cú đổ bộ 2 vạn quân Đại Việt lên bờ biển vịnh Việt Thanh (phía đông Nhà máy lọc dầu Dung Quất ngày nay) mùa xuân năm 1471 để chuẩn bị tiến đánh Đồ Bàn, thủ đô Chămpa thời ấy là một minh chứng cho chiến thuật “chia nhỏ để đánh” này.

Nơi được cho là chỗ duyệt binh giờ là một khu resort. Ảnh: KIM LẬP
Nơi được cho là chỗ duyệt binh giờ là một khu resort. Ảnh: KIM LẬP

Vì sao chọn bờ biển Việt Thanh mà không chọn nơi nào khác? Thứ nhất là quãng đường từ biên giới Đại Việt tại Hải Vân đến kinh đô Đồ Bàn chừng 300 cây số thì vịnh Việt Thanh nằm ở phần 1/3 chặng tính từ phía bắc vào, là “khúc” dễ triển khai lực lượng bộ binh để tiến quân vào kinh đô Chăm nhất. Nhưng điều này mới quan trọng: đây là vịnh biển kín gió có thể đồn trú tàu thuyền, lại nằm trong tầm quan sát từ Lý Sơn - nơi được xem như bàn đạp để Đại Việt tiến quân vào đất liền. Một điều trùng hợp ngẫu nhiên là người Mỹ cũng đã chọn vịnh Việt Thanh để tập kết quân trước khi đổ bộ binh lên đất liền ngay bãi biển An Cường ngày nay, vào ngày 18.8.1965 sau khi phát hiện tại đây có một đơn vị quân giải phóng đang đồn trú. Trận thắng Vạn Tường vang dội năm nào của quân giải phóng đã diễn ra sau cuộc đổ bộ này của quân đội Mỹ.

Chính vì vị trí rất thuận lợi cho việc triển khai bộ binh từ biển vào nên vịnh Việt Thanh và toàn bộ vùng Bình Hải, bao gồm cả An Cường, Vạn Tường, Phước Thiện được chọn làm nơi đồn trú, chuẩn bị quân lương trước khi tiến vào đánh chiếm Đồ Bàn. Tên gọi Tổng Binh có lẽ xuất hiện vào thời điểm này. Sử sách còn ghi, chuyến đi lần ấy, đích thân vua Lê chỉ huy, có đến 500 chiến thuyền hộ tống và 2 vạn binh sĩ đi cùng. Một cuộc biểu dương lực lượng khổng lồ như vậy nên để lại ấn tượng mạnh cho người dân nơi này. Để mãi đến hơn 500 năm sau, cuộc “tập trận” ngày ấy vẫn lưu lại địa danh mang tên Tổng Binh.

Lời đáp của tướng sĩ

Điều thắc mắc mà hậu thế khó có thể lý giải được chung quanh câu chuyện về các địa danh tại vùng đất này. Theo TS. Nguyễn Đăng Vũ, trước khi vua tôi tiến về phương Nam đánh chiếm Đồ Bàn, Lê Thánh Tông tập hợp quân sĩ lại trước Động Hàng Đô (vị trí của UBND xã Bình Hải ngày nay). Sau khi ủy lạo binh sĩ, kết thúc lệnh truyền, vua phán: “Thiên giáng vạn tường, chúc chư đô toàn thắng”. Tướng sĩ đáp từ: “Vạn tường! Vạn tường! Vạn tường!”. Không ngờ lời đáp từ ấy, cũng là kỳ vọng về sự “muôn đời” ghi ơn công đức của nhà vua, vô tình đã khai sinh ra tên gọi của một vùng đất mới, đó là Vạn Tường. Hỏi những cụ già trong làng vì sao lại có tên Vạn Tường thì ai cũng nói rằng tên có từ thời xa xưa do ông bà gọi rồi mình gọi theo chứ không ai nói đến sự liên quan đến lời đáp của binh sĩ trên đây.

Địa danh Vạn Tường được khai sinh sau đáp từ của binh sĩ đối với vị vua anh minh, đó cũng chỉ là giả thiết. Nhưng ít ra, cái tên Vạn Tường vẫn còn “nối mạng” với hậu thế bằng tên gọi của một thôn thuộc xã Bình Hải, còn Tổng Binh thì mãi mãi cũng chỉ là tên gọi được lưu giữ trong ký ức của các thế hệ dân Việt vùng đất này chứ nó hoàn toàn không mang tên một đơn vị hành chính nào. Tương tự, tên gọi Động Hàng Đô cũng vậy, nó chỉ còn là tiếng vọng của quá khứ mà thôi.

Nơi trầm tích của một vùng văn hóa

Cách đây chừng 20 năm, thi thoảng người dân Bình Hải thấy xuất hiện một toán người không phải dân trong vùng. Họ cứ ngang dọc vùng đất này như thể tìm kiếm một thứ gì bí ẩn lắm. Hỏi ra thì đó là một toán người Chăm đi tìm kho báu, gọi là vàng Hời, theo chỉ dẫn trong một bản đồ nào đó mà họ đang sở hữu. Người dân dọc miền Trung vẫn hay đào trúng vàng Hời, nhất là những khu vực mà người Chăm từng sinh sống đông đúc hoặc các đền tháp của họ. Có thể suy đoán rằng, vùng Bình Hải xưa kia có thể là một quần cư khá đông đúc của người Chăm. Dấu vết dễ thấy nhất của người Chăm cổ tại đây là “giếng Vương” tại thôn Thanh Thủy.

Dọc vùng ven biển miền Trung, hễ thấy giếng nước nào mà giữa mùa hè không cạn nước, không bị nhiễm mặn, lại được xây đá ong hoặc đá đen rất công phu thì được gọi là “giếng vua/vương”, hoặc “giếng Gia Long”. Thực ra đây là giếng nước của người Chăm xưa. Làng Thanh Thủy sát biển có giếng nước như thế. Ngoài đảo Lý Sơn cũng có “giếng Gia Long”, điều này chứng tỏ tại “Tổng Binh” này, từng có một cộng đồng dân cư Chăm khá đông đúc trước khi vua Lê đặt dấu chân của mình lên đó.

Ngoài những địa chỉ văn hóa do chủ nhân của vùng đất xưa tạo dựng, tại vùng Tổng Binh còn có một kỳ quan thiên nhiên mà theo các nhà địa chất học, nó chẳng kém cạnh gì gành Đá Đĩa ở Phú Yên cả. Đó là Gành Yến. Những vỉa đá được hình thành sau những lần phun nham thạch của núi lửa tại đây đã để lại trên mặt đất sát biển này những hình thù kỳ vĩ. Còn ở thôn Phước Thiện thì có địa danh Gò Yàng. Tương truyền, cả người Chăm lẫn người Việt đã để lại dấu ấn tại gò đất mang nặng tâm linh này. Do cách phát âm của người dân địa phương về chữ Yàng (trời/thần linh) mà nhiều người lầm tưởng nơi đây có vàng nên gò đất này có một thời bị đào xới tơi bời.

Có thể là Gò Yàng không có vàng; cũng như ở Tổng Binh hay Động Hàng Đô, tiếng vó ngựa của vua tôi nhà Lê đã mất hút vào quá vãng nhưng âm vang của nó vẫn còn lay động bao con tim dân Việt cho đến tận hôm nay. Như thấy mỗi tấc đất nơi Tổng Binh còn in dấu hài của bậc quân vương thuở đi mở nước.

Phóng sự của TRẦN ĐĂNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngó thấy Tổng Binh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO