Ngoại binh tại V-League một thời được xem là “một nửa” đội bóng nhưng hiện tại thời kỳ hoàng kim đó coi như đã chấm dứt khi phần lớn không đáp ứng được sự kỳ vọng.
Eydison chưa đáp ứng sự kỳ vọng của HLV Lê Huỳnh Đức. Ảnh: T.T.V |
Kết thúc giai đoạn lượt đi, vua phá lưới của giải với 8 bàn thắng là Nguyễn Anh Đức của Becamex Bình Dương chứ không phải một cái tên ngoại như nhiều mùa giải trước. Song, điều đó không đồng nghĩa đang có sự lên ngôi của các chân sút nội. Bởi bám rất sát phía sau cựu tiền đạo đội tuyển Việt Nam là 7 ngoại binh và họ chỉ ít hơn 1 - 2 bàn thắng. Và với tương quan lực lượng giữa các đội, có lẽ danh hiệu vua phá lưới sẽ khó thoát khỏi tay các ngoại binh. Cũng dễ hiểu khi mà hầu hết cầu thủ ngoại được các đội bóng sử dụng trên hàng công với nhiệm vụ ghi bàn nên việc họ sở hữu nhiều bàn thắng là điều đương nhiên.
Trước đây, cứ mỗi mùa giải qua đi, V-League đều giới thiệu thêm một vài cầu thủ ngoại chất lượng. Thế nhưng, qua những gì đã thể hiện ở lượt đi, có thể thấy năm nay chưa xuất hiện những cái tên mới mà phần lớn là những gương mặt đã cũ và từng khẳng định được mình ở những mùa giải trước. Đó là các cặp ngoại binh chơi càn lướt và cực kỳ hiệu quả, thuộc loại nhất, nhì V-League: Fagan - Stevens (Hải Phòng), hay Uche - Omar (FLC Thanh Hóa). Không còn nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ Gonzalo do bị chấn thương, song Hoàng Vũ Samson (Hà Nội) vẫn giữ phong độ với 7 bàn ghi được, góp công cho đội nhà vô địch lượt đi. Cựu vua phá lưới cách đây 2 mùa giải Patiyo (Than Quảng Ninh) cũng phần nào thể hiện vai trò của một tân binh trong lối chơi của đội và có trong tay 5 bàn thắng.
Song chừng ấy gương mặt trong số 35 cầu thủ ngoại lẫn đã nhập tịch Việt Nam của 14 đội bóng là quá ít và quả thật không đáng “đồng tiền bát gạo” mà các câu lạc bộ bỏ ra mua sắm. Một số cầu thủ gắn bó với bóng đá Việt Nam gần cả chục năm qua nhưng thật ngạc nhiên khi đến nay vẫn là trụ cột của các đội như Đinh Hoàng Max (Becamex Bình Dương), Nsi, Henry (XSKT Cần Thơ), Đại Dương (tên ngoại là Suleiman, của Quảng Nam) hay Oseni (Long An)… Tất cả cho thấy sự sa sút về chất lượng ngoại binh lẫn chuyên môn của V-League. Thậm chí, có thể nói phần lớn ngoại binh đang thi đấu hiện nay trên sân cỏ Việt Nam chỉ nhỉnh hơn thể hình, thể lực còn thua xa về kỹ thuật cá nhân lẫn tư duy chiến thuật chơi bóng so với cầu thủ nội.
Sự kém cỏi của ngoại binh còn thể hiện ở việc, dù chưa kết thúc lượt đi nhưng CLB TP.Hồ Chí Minh đã mạnh tay chấm dứt hợp đồng với Dyachenko để tìm kiếm ngoại binh khác thay thế. Ở miền Trung, Sông Lam Nghệ An cũng sớm thanh lý Henry sau giai đoạn 1 khi cầu thủ mang áo số 45 không đáp ứng yêu cầu về chuyên môn. Khá nhiều cái tên khác cũng đang bị các câu lạc bộ chủ quản than trời và rục rịch tìm người thay thế vào giai đoạn nghỉ sau lượt đi. Chẳng hạn, tiền đạo Eydison - người được đặt nhiều kỳ vọng gánh vác trách nhiệm ghi bàn khi Merlo bị chấn thương nhưng suốt lượt đi chỉ có được vỏn vẹn 1 bàn cho SHB Đà Nẵng. Tương tự là cặp trung phong Claudecir - Đại Dương của Quảng Nam. So với các mùa trước, mùa này phong độ của cả hai đi xuống một cách khó hiểu và đánh mất duyên ghi bàn.
Với quy định tối đa 2 ngoại binh và 1 nhập tịch, vai trò của các cầu thủ ngoại đối với các đội bóng không lớn như trước đây. Vả lại, đồng tiền eo hẹp cùng với V-League đánh mất sự hấp dẫn nên ngày càng ít xuất hiện ngoại binh chất lượng. Thậm chí, Hoàng Anh Gia Lai không mặn mà với “Tây”, quyết loại bỏ suất ngoại binh trên hàng công để ưu tiên cho các cầu thủ trẻ của mình như Công Phượng, Văn Toàn. Câu chuyện thiếu vắng tiền đạo biết cách ghi bàn kiểu như Huỳnh Đức của bóng đá Việt Nam thời gian qua được nói đến khá nhiều. Vì vậy, cách làm của đội bóng bầu Đức xứng đáng nhận lời khen.
AN NHI