Ngoại giao vắc xin - Chiến lược quan trọng giúp Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng

P.V 08/10/2021 15:02

(QNO) - Những kết quả của chiến lược “ngoại giao vắc xin" thời gian qua đã mang tới những kết quả tích cực cho công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, góp phần đẩy nhanh tiêm chủng tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, tăng cường năng lực hệ thống y tế.

 
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và lô vắc xin của Cuba chuyển về Việt Nam theo chuyên cơ của Chủ tịch nước. Ảnh: QĐND

Trong bối cảnh nguồn vắc xin vẫn còn khan hiếm trên toàn thế giới, khả năng tiếp cận với nguồn vắc xin cũng còn hạn chế, ngoại giao vắc xin Việt Nam đã trở thành ưu tiên số 1 của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong nhiều tháng qua.

Ngoại giao vắc xin không chỉ giúp Việt Nam tiếp cận nguồn và nhập khẩu vắc xin mà còn mở ra cơ hội chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin, hướng tới khả năng tự cung cấp và đảm bảo nguồn cung vắc xin bền vững trong tương lai.

Trong nửa đầu năm 2021, Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp do chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh nên không được ưu tiên phân phối vắc xin. Tuy nhiên, khi đợt bùng phát dịch thứ 4 lan rộng và gây ra những hậu quả lớn đến mọi mặt đời sống xã hội, Việt Nam không ngần ngại đề cập thẳng thắn về vấn đề vắc xin với các quốc gia bạn bè, đối tác và đều được thế giới lắng nghe.

 
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên các nhà khoa học. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp ngày 24.8 đã kết luận: “Khẩn trương tập trung triển khai Chiến lược vắc xin, đặc biệt là việc cung ứng, sớm thực hiện tiêm vắc xin diện rộng để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh”.

Rất nhiều nỗ lực ngoại giao song phương, đa phương đã được đích thân các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ thực hiện qua các chuyến thăm chính thức, các chuyến công tác, điện đàm… với mục tiêu mang về vắc xin nhanh chóng, kịp thời.

Tháng 8.2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng.

Trả lời báo chí cho biết: “Việc thành lập Tổ công tác này có ý nghĩa rất quan trọng; tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta là bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết, huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, trong đó có vắc-xin, để sớm đẩy lùi dịch COVID-19, đưa hoạt động kinh tế - xã hội, cuộc sống của nhân dân trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất có thể.”

 
 Đại sứ Nga tại Việt Nam (người cao nhất) dự lễ bàn giao lô vắc xin Sputnik V đầu tiên cho Việt Nam sau chuyến thăm Liên bang Nga của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. 

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, tổ công tác sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh xúc tiến, vận động các đối tác, tổ chức quốc tế tiếp tục viện trợ, hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ vắc-xin, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch COVID-19 càng sớm, càng tốt. Cùng với đó, nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận, kết nối, thúc đẩy, đôn đốc các đối tác nước ngoài trong đàm phán, nhập khẩu và tiếp nhận vắc xin, thuốc điều trị, vật phẩm y tế; đẩy mạnh vận động các đối tác giao vắc xin cho Việt Nam đúng hạn hoặc sớm hơn kế hoạch theo các thỏa thuận, hợp đồng đã ký; đồng thời chủ động, tích cực thẩm tra, xác minh các đối tác nước ngoài, thông tin liên quan đến khả năng cung cấp vắc xin, thuốc điều trị, vật phẩm y tế mà Việt Nam có thể tranh thủ, nhập khẩu hoặc hợp tác sản xuất.

Ngoại giao vắc xin và những kết quả tích cực

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã đích thân thực hiện nhiều cuộc điện đàm với lãnh đạo cấp cao các nước như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng Bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình… nhằm thúc đẩy “ngoại giao” vắc xin cũng như các hợp tác chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin…

Chiều ngày 12.9, chuyên cơ cũng đã đưa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đáp xuống sân bay Nội Bài sau chuyến bay về từ Thủ đô Helsinki, Phần Lan, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm châu Âu đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với nhiều dấu ấn quan trọng.

 
Sản xuất vắc xin tại Việt Nam.

Ngay sau khi chiếc chuyên cơ hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài, Văn phòng Quốc hội đã chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Lễ bàn giao vắc xin, thiết bị, vật tư y tế và kinh phí được ủng hộ trong chuyến công tác châu Âu của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam. Qua chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội, Bỉ và Slovakia đã hỗ trợ 200.000 liều vắc xin và cam kết hỗ trợ, nhượng lại nhiều triệu liều vắc xin.

Các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cũng hỗ trợ trang thiết bị và vật tư y tế tổng trị giá 1.028 tỷ đồng (chưa bao gồm 200.000 liều vắc xin được tặng) cho Việt Nam.

Sau đó, đến ngày 25.9, chuyên cơ đưa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam trở về từ New York, Mỹ đã hạ cánh tại sân bay Nội Bài sau chuyến công du tới Cuba và dự Phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 76.

Sau khi chuyên cơ hạ cánh, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức lễ tiếp nhận vắc xin, trang thiết bị và vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 được chuyển về Việt Nam cùng đoàn công tác của Chủ tịch nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, người vừa trở về Việt Nam sau hành trình dài nửa vòng trái đất, cũng tham dự lễ tiếp nhận. Phía Cuba có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Cuba tại Việt Nam Orlando Hernández Guillén.

 
Lễ bàn giao lô vắc xin Sputnik V đầu tiên cho Việt Nam

Những kiện hàng lớn gắn quốc kỳ cờ Việt Nam và Cuba, bên trong chứa 1,05 triệu liều vắc xin mà đất nước Cuba anh em bàn giao cho nước ta đã được các phương tiện chuyên dụng bốc dỡ khỏi chuyên cơ.

Ngoài 1,05 triệu liều trên, trong khuôn khổ chuyến công du, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ký kết mua 10 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 Abdala của Cuba.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Trung tâm Nghiên cứu Di truyền và Công nghệ sinh học - CIGB thuộc Tập đoàn Sinh dược Cuba. Cuba và Việt Nam cũng đã bắt đầu hợp tác để Việt Nam có thể sản xuất và phân phối vắc xin này.

Cùng với 1,05 triệu liều vắc xin Abdala của Cuba, trong khuôn khổ chuyến công du của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Mỹ cũng tiếp tục cam kết viện trợ một số lượng lớn vắc xin cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX trong kỳ phân bổ sắp tới.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng đã làm việc với công ty Pfizer và được cam kết chuyển đủ 31 triệu liều vắc xin đã ký hợp đồng với Việt Nam ngay trong năm 2021 và 20 triệu liều vắc xin cho trẻ em khi có đầy đủ dữ liệu về hiệu quả và tính an toàn.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 cũng đã thực hiện các cuộc điện đàm với lãnh đạo hơn 20 quốc gia, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và tổ chức sản xuất, cung cấp vắc xin, đề nghị WHO, COVAX, AstraZeneca, Pfizer… đẩy nhanh tiến độ bàn giao vắc xin theo các hợp đồng, thỏa thuận đã có… Trong cuộc trao đổi với Giám đốc chương trình COVAX Aurélia Nguyen chiều ngày 20.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam đang rất khó khăn về vắc xin để đảm bảo tiêm đủ cho người dân, Thủ tướng đề nghị COVAX ưu tiên phân bổ vắc xin cho Việt Nam càng nhanh càng tốt trong các tháng 9, 10, 11, đề nghị phía COVAX hoàn thành thỏa thuận cung cấp vắc xin cho Việt Nam trong năm 2021.

Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cũng mong muốn COVAX giúp kết nối, chia sẻ thông tin về các nước có khả năng dôi dư vắc xin hoặc những nước đã được phân bổ nhưng chưa sử dụng ngay để Việt Nam vay hoặc mua lại, mong muốn COVAX hỗ trợ Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế về công nghệ sản xuất vắc xin, thuốc điều trị, giúp Việt Nam tiếp cận nguồn vắc xin dành cho trẻ em dưới 18 tuổi.

Ngày 28.9, lô vắc xin Sputnik V đầu tiên cũng về tới Việt Nam sau chuyến thăm Liên bang Nga của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ngay trước chuyến đi của Bộ trưởng Ngoại giao, vào ngày 16/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có điện đàm với Tổng thống Nga V. Putin về việc thúc đẩy hợp tác thông qua các hình thức chuyển giao, hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất vắc xin giữa hai nước.Trong chuyến công tác tại Liên bang Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã làm việc với lãnh đạo Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga về việc cung cấp vắc xin, chuyển giao công nghệ gia công và sản xuất vắc xin Sputnik V tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao việc Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga đã phê duyệt và chuyển sinh phẩm để sản xuất vắc xin Sputnik V tại Việt Nam, đề nghị tiếp tục cung cấp vắc xin cho Việt Nam sớm nhất có thể theo tiến độ đã được thống nhất.

 

Nhân dịp lô vắc xin Sputnik V đầu tiên cũng đã được Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) tiếp nhận tại Hà Nội. Buổi lễ chuyển giao diễn ra tại sân bay Nội Bài với sự tham dự của Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko, Thứ trưởng Bộ Y tế GS.TS Trần Văn Thuấn, đại diện Bộ Ngoại Giao, các cơ quan quản lý, ngoại giao, thương mại hai nước…

Được biết, VABIOTECH - doanh nghiệp trực thuộc Bộ Y tế là đối tác nhận chuyển giao công nghệ gia công đóng gói và sản xuất vắc xin Sputnik V của Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga tại Việt Nam theo hợp đồng sản xuất, chuyển giao công nghệ và nhập khẩu với số lượng hàng giai đoạn đầu tiên từ nay tới tháng 6.2022 là 40 triệu liều vắc xin theo thỏa thuận. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trực tiếp tham gia trao đổi với phía bạn, thúc đẩy để đạt được thoả thuận giữa hai bên. Ngày 26.9, VABIOTECH công bố sản xuất thành công lô vắc xin phòng Covid-19 Sputnik V đầu tiên tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu quy chuẩn được Viện Gamalaya (LB Nga) phân tích và thẩm định.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, việc VABIOTECH thực hiện sản xuất thành công vắc xin Sputnik V từ bán thành phẩm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tại Việt Nam, Sputnik V là vắc xin duy nhất đã có thành công trong việc chuyển giao công nghệ. Qua đó, tạo tiền đề cho việc không những đảm bảo nhu cầu vắc xin trong nước, mà còn từng bước biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vắc xin Sputnik V trong khu vực Đông Nam Á.

Với rất nhiều những nỗ lực từ ngoại giao vắc xin, Việt Nam đã tiếp nhận và phân bổ 47 đợt vắc xin với tổng số gần 52,2 triệu liều. Năm 2021, số vắc xin có cam kết thỏa thuận viện trợ, tài trợ và vắc xin mua tổng cộng là 155,7 triệu liều.

Nhờ sự nỗ lực không biết mệt mỏi của cả hệ thống chính trị, công tác tiêm chủng vắc xin cho người dân để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng đã được Việt Nam triển khai nhanh chóng và đạt được những kết quả tích cực bước đầu cũng như tạo tiền đề để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Xa hơn nữa, việc nước ta có thể tự sản xuất vắc xin, chủ động nguồn cung cấp từ năm 2022 trở đi và có thể xuất khẩu ra thế giới là điều người dân Việt Nam có thể tin tưởng và chờ đợi.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngoại giao vắc xin - Chiến lược quan trọng giúp Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO