Năm ấy tôi lên lớp Ba trường làng. Lớp này do thầy Đỗ hiệu trưởng dạy.
Ở lớp Đồng ấu thì không nói chi, còn lên hai lớp trên, tôi không khá môn học nào, chưa bao giờ được đứng hạng ba. Biết thế, thầy Đỗ thường khuyên tôi chớ nản, cứ chuyên cần học tập. Tôi nhớ mãi câu khuyên của thầy: “lấy cần cù bù chậm chạp”. Được cái, chẳng biết vì sao, thầy rất thương tôi.
Dọc theo hai cây cột gỗ phía sau bàn thầy Đỗ có dán hai vế đối viết kiểu chữ triện màu đỏ:
Sớm tối trau dồi ngòi bút sắt;
Tháng ngày gìn giữ tấm lòng son.
Sáng nọ lớp chúng tôi nghe thầy giảng về câu đối ấy. Vế đầu là sĩ tử phải chuyên cần học tập để thành danh, thành nhân; vế thứ hai là phải luôn giữ những đức tính tốt của con người. Hai vế đối không chỉ nhắc nhở mọi học trò còn tuổi đi học mà là cả cuộc làm người. Ngòi bút sắt chỉ ca ngợi đạo lý, lẽ thiện, phụng sự Tổ quốc, dân tộc, mũi nhọn của ngòi bút phải “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” như thơ của cụ Nguyễn Đình Chiểu, kiên quyết không xu nịnh bọn ác bá, cường quyền, ngoại bang xâm lược…
Vế thứ hai (gìn giữ tấm lòng son) ngoài những hành động như trên, con người phải giữ lòng thanh khiết, không đầu hàng áp lực phi chính nghĩa, không để bợn nhơ trước sức quyến rũ, cám dỗ ma mị của vật chất, kim tiền…
Một buổi ngoại khóa. (Ảnh minh họa) |
Nói chung câu đối nhắc nhở chúng ta suốt đời phải biết tôn sư trọng đạo, học và học, phát triển tài năng, bảo tồn đạo đức.
Thầy giảng đại ý như thế bằng ngôn ngữ rất giản dị để hợp với trình độ còn non nớt của chúng tôi.
Học sinh tỉnh nghèo của làng tôi xưa, ai cũng thuộc câu đối ấy và cho đến bây giờ ai còn sống vẫn nhớ câu đối cùng lời giảng của thầy.
Giờ tan học buổi sáng (hồi ấy trường dạy hai buổi), thầy bảo tôi theo thầy đến viếng đám tang thân phụ một học sinh cũ. Đường đến tang gia phải đi ngang một bàu nước lớn đang mùa sen nở. Bàu nước này rất nhiều cá. Trời trưa đứng bóng, nắng.
Khi hai thầy trò đi trên bờ đắp đầu bàu thì thấy một con cá tràu to cỡ bắp chân người lớn đang nằm trên bờ đất. Tôi thích thú reo lên vì sắp được con cá lớn. Thầy Đỗ khoát tay và bước nhẹ lại gần con cá. Thầy bảo tôi:
- Con cá này mới đẻ, nó nhảy lên bờ nằm nhử bầy kiến đến bu trên mình nó để cắn. Khi biết kiến đã đông, nó lóc xuống bàu cho bầy cá con của nó ăn kiến.
Nói xong, thầy nhẹ nhàng nắm thân con cá và thả xuống bàu nước. Con cá lội ra ngoài bàu. Theo tay thầy chỉ, tôi thấy cá tràu nhỏ bằng mút đũa ăn li ti quầng thành đám tròn đỏ trên mặt nước. Và chúng đang ăn kiến. Thầy nói:
- Con cá mẹ đang quanh quẩn gần bầy ròng ròng này.
Rồi thầy nói tiếp với tôi:
- Con biết không, con cá mẹ chịu phơi nắng, chịu kiến cắn để có mồi nuôi con. Loài động vật còn biết nặng tình mẫu tử vậy đó.
Tôi hỏi:
- Nếu lúc nãy con bắt con cá tràu mẹ thì bầy con của nó sẽ thế nào thưa thầy?
- Thì cả bầy ròng ròng ấy sẽ bị chết vì đói, hoặc bị các loại cá khác ăn hết. Như thế là con phạm phải hai tội: diệt quá nhiều cá tràu khi chúng chưa lớn lên và xâm hại tình mẫu tử thiêng liêng dù là tình mẫu tử của loài vật.
Mùa đông năm ấy quê tôi bị nhiều trận lụt lớn. Nước lụt từ sông Thu Bồn tràn vào các khe, ngập các cánh đồng, cô lập các xóm nhà, mọi sinh hoạt của người dân bị đình trệ.
Sáng nọ, sau mấy ngày đêm mưa dầm, trận lụt xảy ra. Trường làng ở vị trí cao nên không bị ngập. Tôi đến trường chỉ thấy thầy hiệu trưởng và hai thầy dạy lớp dưới cùng một số ít học trò. Nhiều học sinh nhà ở các xóm bị nước ngăn không đi học được. Thầy Đỗ tuyên bố hôm ấy nghỉ học và dặn số học sinh hiện diện về nhà phải hết sức cẩn thận trong những ngày lụt lớn. Rồi thầy bảo tôi đi theo thầy lên vàm khe Bà Đội xem cảnh ghe thuyền vào trú lụt. Trận lụt lớn nào cũng thế, mọi ghe thuyền cố định tại các vạn dọc hai bên sông làng tôi đều vào vàm khe này vì chỗ họ ở nước lụt dâng cao, chảy rất mạnh.
Thầy Đỗ và tôi đều mang tơi lá che mưa, loại tơi chằm bằng lá tơi chứ đâu có áo đi mưa như bây giờ.
Đến nơi, thấy cả dòng khe nước lụt tràn vào mênh mông, hàng chục chiếc ghe lớn nhỏ đang neo đậu. Tôi theo thầy xuống nơi một chiếc ghe nhỏ nhất đậu lẻ loi gần đầu vàm. Chiếc ghe cũ kỹ, mui ghe rách nhiều chỗ, trong lòng ghe chật chỉ có hai ông bà ngồi co ro. Họ là cặp vợ chồng già. Gió bấc thổi vù vù, trời vẫn mưa và rất lạnh.
Thấy ông già không mặc áo, thầy hỏi;
- Sao trời lạnh thế này mà chú không mặc áo?
Ông chồng không trả lời. Bà vợ nói:
- Đâu có áo mà mặc, thầy!
Thầy Đỗ không biết chứ tôi thì chẳng lạ gì về ông bà này. Chiếc ghe tội nghiệp ấy là nhà của họ ngày thường đậu tại một bến xóm phía trên bến xóm tôi. Chưa bao giờ tôi thấy ông mặc áo. Những ngày sông yên ả, ông chồng dầm mình dọc theo bãi cát để cào lịch, một loài thủy sản thuộc họ lươn nhưng nhỏ hơn. Bà đem số lịch ông cào được lên chợ bán mua gạo. Do nghề cào lịch, ông được người làng gọi tên là ông Cào.
Khi nghe bà vợ ông Cào trả lời ông Cào không mặc áo dù trời đông đang rất lạnh vì… đâu có áo mà mặc, thầy Đỗ lập tức cởi chiếc áo thầy đang mặc trao cho ông già và thúc hối:
- Chú mặc đi!
Như sợ phải nhận lời từ chối hoặc cảm ơn, thầy quay lưng, nắm tay tôi bước lẹ lên đường. Tôi hỏi thầy:
- Thầy còn về ngang chợ, thầy cứ ở trần vậy sao?
- Con đừng lo, thầy có áo tơi này.
Từ thời thơ ấu đến tuổi thành nhân, qua mấy cấp học, tôi đã được các thầy, các cô dạy cho những bài học “ngoại khóa” giản dị mà ý nghĩa sâu sắc tương tự. Đa số thầy cô yêu kính của tôi, trong đó có thầy Đỗ đã qua đời nhưng kẻ môn sinh đầu bạc này không bao giờ quên, không thể nào quên.
TƯỜNG LINH