Tôi cảm thấy thật may mắn khi được một người bạn sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn giới thiệu về một quán ăn của người Quảng Nam, cách nhà tôi chừng năm cây số. Thực khách chủ yếu người… ngoài mình, phần lớn là giọng Quảng rặt, hay giọng Quảng đã bị phai đi ít nhiều. Quán cũng đón không ít người xứ khác, những người đã trót yêu ẩm thực xứ Quảng, mà như cách trải lòng của anh Mộng - người giới thiệu quán ăn này cho tôi: “Món Quảng luôn đậm đà, cho hương vị đặc trưng, nên dường như tuần nào tôi cũng có mặt ở đây”.
Những quán ăn ngon, dĩ nhiên luôn hấp dẫn người khác. Nhưng nhìn cái cách người ngoài mình tìm tới để thưởng thức, chia sẻ không chỉ món ăn, mà còn là những câu chuyện qua lại với nhau, gần gũi đến mức, cho người khác cảm giác “sờ đụng”. Sự chân thật từ lời ăn tiếng nói, hình như là bản chất của người ngoài mình. Ví như “Hôm nay không có cá chìa vôi, thì ta chọn món khác. Cá chuồn nấu mít cũng ngon, mà phải có lá lốt chớ chủ quán?”. Hỏi để tỏ ra mình là người sành ăn nhưng dễ tính, chứ cá chuồn nấu mít non mà không có lá lốt, coi như không đúng điệu rồi!
Đồng hương gặp lại nhau giữa đất khách, chẳng cần quen thân, cũng chào nhau, hỏi han nhau như thể: đã là đồng hương thì chẳng việc gì phải câu nệ, khách sáo, mà hãy coi nhau như người nhà. Để rồi, những lời thăm hỏi không thể chân thành hơn. Những ánh mắt nhìn nhau chan hòa, đong đầy cảm xúc. Làm như, món ăn quê nhà giữa đất khách, có sức mạnh giúp người ta xích lại gần nhau một cách dễ dàng. Đã đến đây, nhất định phải ngồi lâu lâu để nhâm nhi, thậm chí còn muốn kéo dài thời gian, bởi sau những bôn ba mưu sinh, người ngoài mình thích ngồi lại bên nhau, trong không gian ấm tình đồng hương, với những món ăn mà theo cách nói vui của những người trẻ là ngon… bà cố. Tôi nhận thấy, người ngoài mình thưởng thức món Quảng giữa lòng thành phố hoa lệ này điệu nghệ đến nỗi, tự cho mình là kẻ sành ăn, nhất là khi giới thiệu với người xứ khác, trông thật tự tin và… chảnh chọe.
Các món ăn đậm đà hương vị xứ Quảng. |
Ngồi đối diện với tôi là cặp tình nhân trẻ, có thêm vài người bạn của họ. Chàng trai xứ Quảng dùng bánh tráng xúc một ít hến xào, bỏ vào chén người yêu, rồi nói: “Chỉ có hến quê anh mới ngon vậy, con hến nhỏ nhưng ngọt ngào không để đâu cho hết, chứ không to… chà bá như hến trong này đâu!”. Chê hến “trong này”, ca ngợi hến “ngoài mình”, bằng cái chất giọng mà nếu có người “trong này” chứng kiến, không chừng… có chuyện. Nhưng điều ấy cũng dễ được thông cảm: chỉ là cậu quá ưu ái cho món ăn quê hương thôi mà.
Sài thành mùa mưa. Vậy mà, người ta vẫn lũ lượt kéo về quán Quảng, “nạp năng lượng, để có sức băng qua những khúc cua đầy nước, đã trở thành... đặc sản ở thành phố này”. Lời nói đùa, một cái cớ để đi ăn, quá đỗi dễ thương. Phải là những món ăn có sức hút mãnh liệt, mới có thể lôi người ta ra khỏi nhà, khi cơn mưa đang lớn, hay sấm chớp đang nổi dậy. Món Quảng đã “quật ngã” cơn lười biếng của không ít người. Để rồi, khi cởi bỏ áo mưa, người ta không tiếc cái công vượt qua mấy chặng nước, thậm chí có thể nghĩ đến việc xe chết máy, cũng chỉ vì mê… ăn.
Không mê sao được, bởi đến hạt gạo cũng được chủ quán “cõng” vào. “Những hạt gạo lúa mới tuy không dẻo nhưng thơm mùi… ngoài mình”. Lời diễn tả nhẹ tênh mà chan chứa yêu thương. Người Quảng xa xứ gặp nhau, bàn về chuyện ăn uống, chưa từ nào được lặp đi lặp lại nhiều hơn hai chữ “ngoài mình”, như thể chỉ món ăn quê mình mới trứ danh vậy. Vào quán, mùi thức ăn dậy từ trong bếp dậy ra, như khiêu khích cái bao tử vốn đã lâu chưa có dịp thưởng thức những món ăn mà vừa lướt qua thực đơn, đã cảm thấy… nhức nhối. Nào cá diếc nấu rau răm, lòng heo xào nghệ, thịt ba chỉ hay cá nục hấp cuốn bánh tráng Đại Lộc, lẩu cá chìa vôi, mít trộn, măng trộn, gỏi sứa, chả bò, rồi chuối chát nấu cá lóc đồng…
Có lần bất chợt nghe người bên cạnh giới thiệu món cá diếc nấu rau răm với hội bạn của họ: “Trong này làm chi có cá diếc. Cá diếc tuy hơi xương nhưng thịt ngọt. Ăn đi, tối ngủ… mát lắm”. Đồng hương ơi, cứ… quảng cáo nữa đi. Tôi tin, cũng như tôi, hẳn bạn từng có những hồi ức tuổi thơ êm đềm, như một phần máu thịt, để bây giờ, giữa mênh mông xứ người, ẩm thực quê nhà đã “lên ngôi” trong lòng bạn, trong tôi, và nhiều người xa xứ khác.
PHI KHANH